Đừng chỉ trích nữa, các NHTW đâu phải những siêu nhân!
Bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của các vị lãnh đạo, kinh tế thế giới vẫn đang bị mắc kẹt và chưa thể đi đến đích cuối cùng là sự phục hồi thực sự.
- 04-04-2016Hoảng sợ trước bất ổn, NHTW các nước đã mua 500 tấn vàng trong năm 2015
- 28-12-2015Khi các NHTW thích gây sốc
- 24-08-2015Bloomberg: Chứng khoán Châu Á đỏ lửa, các NHTW sắp ra tay cứu?
Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các Thống đốc NHTW đã luôn luôn cố gắng kéo “đoàn tàu” kinh tế thế giới thoát khỏi vũng lầy để tiến tới những vùng đất tươi sáng hơn. Họ không bị nản chí trước trọng trách đang đè nặng lên vai hay những lời chỉ trích của dư luận.
Đôi lúc những nỗ lực đã được đền đáp, họ được coi là những vị anh hùng. Năm 2012, Chủ tịch NHTW châu Âu ECB Mario Draghi từng cam kết “sẽ làm bất kỳ điều gì có thể” để cứu đồng euro và đúng là nguy cơ eurozone tan rã đã bị đẩy lùi.
Tuy nhiên, ngày nay sức mạnh của các NHTW đang bị hoài nghi hơn bao giờ hết. Bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của các vị lãnh đạo, kinh tế thế giới vẫn đang bị mắc kẹt và chưa thể đi đến đích cuối cùng là sự phục hồi thực sự. Giá trị của các chính sách tiền tệ không chính thống mà các NHTW đã sử dụng vẫn sẽ là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong giới kinh tế trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ nữa. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là liệu có phải các NHTW đã không còn sở hữu sức mạnh đủ để giải cứu kinh tế thế giới hay không.
Dẫu vậy, câu hỏi này không thể ngăn các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư thúc giục các NHTW phải hành động mạnh hơn nữa. Đầu tháng trước, ECB đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và mở rộng chương trình mua trái phiếu lên mức cao nhất từ trước đến nay. NHTW Nhật Bản cũng được dự báo sẽ tiếp tục bơm thêm tiền để kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng giảm phát. Còn ở Mỹ, quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong 7 năm của Cục dự trữ liên bang bị một số chuyên gia phân tích chỉ trích là sai lầm. Trong bài phát biểu gần đây nhất bà Janet Yellen đã phải nói rằng lãi suất sẽ tăng chậm hơn so với dự đoán trước đó.
Cũng dễ hiểu khi người ta kỳ vọng các NHTW sẽ hành động nhiều hơn. Thị trường tài chính Mỹ đã có khởi đầu năm mới đầy sóng gió và dù nền kinh tế nước này vẫn “loạng choạng” dù tỏ ra mạnh khỏe hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển khác. Tình hình ở châu Âu và Nhật Bản còn tồi tệ hơn.
Trong bối cảnh ấy, thông thường các NHTW sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng và chống lại giảm phát. Tuy nhiên từng đó là chưa đủ để giải quyết vấn đề. Nhìn lại thì những cỗ máy NHTW đã chạy hết tốc lực trong suốt 7 năm qua mà chưa thể đem lại kết quả đáng kể. Sẽ là vô dụng nếu chỉ bơm tiền vào nền kinh tế mà các công ty và người tiêu dùng không chịu tiêu tiền.
Những người ủng hộ chính sách của Fed cho rằng chiến lược nới lỏng tiền tệ đã thành công trong việc giúp kinh tế Mỹ có được giai đoạn tăng trưởng ổn định và thị trường lao động đạt trạng thái toàn dụng, tránh được tình trạng suy thoái sâu hơn. Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng Fed đã làm trầm trọng thêm tình trạng chênh lệch giàu nghèo, thổi phồng bong bóng tài chính và giúp ích nhiều hơn cho các nền kinh tế mới nổi chứ không phải Mỹ.
Kể cả nội bộ Fed cũng có nhiều quan điểm trái chiều. Một nghiên cứu được Hội đồng thống đốc công bố năm 2015 cho thấy chương trình của Fed đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp, nhưng một nghiên cứu khác của Phó Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis lại cho rằng không có mối liên hệ nào giữa chương trình nới lỏng định lượng (QE) với nền kinh tế thực.
Có thể nhìn thấy rõ ràng hơn những hạn chế của chính sách kinh tế ở Nhật Bản. Năm 2013, Thống đốc Haruhiko Kuroda lúc đó mới nhậm chức đã tin tưởng rằng chương trình kích thích sẽ giúp chống lại giảm phát, khuyến khích chi tiêu và vực dậy nền kinh tế đã trì trệ suốt hơn 2 thập kỷ. Đến nay người ta vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Kuroda đã đạt được mục tiêu. Kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái năm 2014, và GDP đã suy giảm ở 2 trong 3 quý vừa qua. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 không đổi so với 1 năm trước.
Đầu năm 2015, Draghi “bắt kịp” các đồng nghiệp và bắt đầu chương trình QE của riêng mình. Thế nhưng CPI ở eurozone đã giảm 0,2% trong tháng 2. GDP chỉ tăng 1,6% trong năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp là 10%.
Trong khi đó có nhiều dấu hiệu cho thấy các NHTW đã đi quá xa. Ở Nhật Bản, BoJ phải trả cái giá đắt đến nỗi ngày 1/3 vừa qua lợi suất trái phiếu do Chính phủ Nhật phát hành lần đầu tiên rơi xuống mức âm, tức là nhà đầu tư đưa ra một quyết định phi logic khi trả tiền cho Chính phủ.
Các nhà làm luật và chuyên gia kinh tế lo sợ việc sử dụng lãi suất âm ở châu Âu và Nhật Bản sẽ làm tổn hại niềm tin người tiêu dùng và sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Thậm chí các NHTW khác đã nêu lên lo ngại về quyết định của các NHTW này. Trong một hội thảo diễn ra ở Thượng Hải tháng 2 vừa qua, Thống đốc NHTW Anh Mark Carney phàn nàn rằng lãi suất âm có thể tạo ra hiện tượng giảm giá nội tệ không lành mạnh, khiến các nước khác chịu thiệt.
Quá mong mỏi hồi sinh nền kinh tế, dường như tất cả chúng ta đang quên mất những gì đã được học ở trường đại học. Chính sách tiền tệ là và sẽ luôn là môn khoa học gián tiếp. Các NHTW có thể bơm tiền vào nền kinh tế, nhưng chỉ khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng số tiền ấy để xây thêm nhà máy, khởi nghiệp hoặc mua xe hơi, dòng tiền mới có thể thực sự chảy vào nền kinh tế.
Đó chính là lý do giải thích tại sao Nhật Bản cứ mãi chìm trong thập kỷ mất mát. Giảm phát không chỉ là nguyên nhân khiến nền kinh tế “mơ ngủ” mà còn là dấu hiệu của một đợt suy thoái sâu hơn. Các công ty Nhật Bản đang phải gánh trên vai một gánh nặng quá lớn: chi phí đắt đỏ, tham nhũng, cách thức hoạt động lỗi thời cũ kỹ… In tiền không thể thay thế hoàn toàn vai trò của một cuộc cải cách thực sự. Thủ tướng Abe và Thống đốc Kuroda sẵn sàng về mặt kinh tế, nhưng họ chưa đủ quyết tâm chính trị.
Châu Âu cũng vậy. Nỗ lực của ông Draghi chưa bao giờ khớp với ý chí của các chính trị gia bảo thủ. Chính sách thắt lưng buộc bụng mà Thủ tướng Đức Angela Merkel áp đặt cho châu Âu là một rào cản. Từ Đức đến Hy Lạp, các quốc gia riêng lẻ cũng không hành động đủ mạnh để có thể vá lỗ hổng của nền kinh tế.
Ở Mỹ, bà Yellen có được sự hậu thuẫn lớn của Washington, nhưng Quốc hội Mỹ cũng bị cản trở bởi một số đảng.
Nói một cách công bằng thì chúng ta đã kỳ vọng quá nhiều vào Yellen, Draghi và Kuroda. Các thống đốc sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề dù họ có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa. Họ cần sự giúp sức của nhiều bên. Cỗ máy đã chạy hết tốc lực và trở nên rệu rã, còn gánh nặng trên vai thì vẫn chưa vơi bớt chút nào.