Dựng chuyện câu like
Hiện trạng câu like, câu view trên mạng xã hội đã diễn ra trong nhiều năm qua. Sự xuất hiện ngày càng nhiều người làm nội dung càng làm tăng thêm độ cạnh tranh trên các nền tảng này. Theo đó không ít người đã bất chấp đạo đức, dựng chuyện để câu like bằng cách đưa những thông tin sai sự thật, làm các video clip chứa nội dung phản cảm, thô tục... gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
- 06-06-2023Mạnh tay gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm, đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới
- 06-06-2023Kiểm tra hoạt động của các mạng xã hội xuyên biên giới
- 05-06-2023Tìm kiếm từ khoá “Trần Hùng Huy” tăng đột biến sau clip chủ tịch ACB nhảy dưới mưa gây bão mạng xã hội
Theo dự thảo của Bộ thông tin và Truyền thông, sẽ định danh tài khoản cá nhân trên mạng xã hội (MXH). Người sử dụng MXH cần xác thực tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và sử dụng tính năng phát trực tiếp video (livestream). Dự thảo được kỳ vọng sẽ phần nào giúp môi trường MXH “sạch” hơn.
Người dùng MXH ngày càng tăng
Số liệu từ Meta cho biết, ở thời điểm đầu năm 2023, Facebook có 66,2 triệu người dùng tại Việt Nam. Còn thống kê từ Statista, người dùng YouTube tại Việt Nam đang là 71,32 triệu người. Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với khoảng 49,9 triệu người dùng - theo DataReportal.
Trong vài năm trở lại đây, quy mô thị trường nền kinh tế sáng tạo trực tuyến chứng kiến sự phát triển vượt bậc. Tính đến cuối năm 2022 có khoảng 200 triệu nhà sáng tạo nội dung, tăng gấp đôi so với 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Video thu hút được sự chú ý, lượng xem cao đồng nghĩa với việc số tiền thu về càng nhiều. Từ đó, nhiều chủ tài khoản bất chấp sản xuất các video clip với nội dung phản cảm, đưa tin sai sự thật, dựng chuyện thao túng lòng tin của người khác... nhằm câu like, câu view; lây lan thông tin giả, độc hại, đưa đến những tác động xấu cho xã hội.
Đặc biệt, TikTok hiện là ứng dụng thu hút đông đảo giới trẻ. Nhiều người thông qua một vài clip viral (nổi tiếng) trên TikTok, YouTube, Facebook đã trở thành các KOL (người có sức ảnh hưởng) hoặc KOC (người tiêu dùng chủ chốt). Việc nổi danh quá nhanh khiến nhiều người rơi vào trạng thái bị “ảo tưởng quyền lực”. Một số khác mong muốn được nổi tiếng mà chạy theo các trend (xu hướng) mà không quan tâm đến hậu quả, dẫn đến một bộ phận giới trẻ có nhận thức sai lệch.
Muôn kiểu dựng chuyện
Nhiều năm gần đây việc câu view, câu like bằng cách đăng tải những bài viết, video clip giật gân với nội dung gây sốc, là khá phổ biến. Chẳng hạn như: “Chập điện trong khu công nghiệp làm chết hàng chục người”; “Kẻ biến thái chuyên đi rạch đùi các cô gái trẻ”; “Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần”; “Trường mầm non sử dụng thịt nhiễm sán lợn”… Hay những thông tin về nghệ sĩ khoe thân, thậm chí cho là đã chết trong khi vẫn sống khỏe, như trường hợp nghệ sĩ Hồng Nga, Vũ Linh, Cát Phượng, Phi Phụng... bị các YouTuber, TikToker đưa tin sai sự thật hồi tháng 3 vừa qua.
Cũng thật khó hiểu khi một tài khoản Facebook đăng tải video dài tới 7 phút với nội dung dùng điếu cày đánh bạn tử vong vì bị chế nhạo đẻ toàn con gái. Nhưng thực ra đó chỉ là một clip dàn dựng, với chiếc điếu cày làm bằng giấy, chỉ để câu like.
Điều đáng nói là những thông tin, video dàn dựng như vậy thu hút hàng triệu lượt xem, chia sẻ, gây hoang mang dư luận. Bên cạnh đó còn có một số video được dàn dựng với những câu chuyện hoàn cảnh đáng thương để đánh vào lòng thương cảm của mọi người. Tuy nhiên, khi cộng đồng phát hiện ra bị lừa thì niềm tin vào những điều tốt đẹp cũng bị xói mòn. Điển hình như một số video dàn dựng có nội dung về việc giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi hoặc người khuyết tật. Những video này thường thu hút sự quan tâm của nhiều người, không ít người đã tin và chuyển tiền ủng hộ.
Tới nay, nhiều người vẫn chưa quên vào tháng 4/2021, giữa cao điểm dịch Covid-19, xuất hiện clip một bác sĩ tên Khoa rút ống thở của cha mẹ để nhường cho sản phụ mổ song sinh. Câu chuyện gây chấn động. Tuy nhiên, vụ việc được cơ quan chức năng xác minh đối tượng cố ý dựng tin giả, dựng câu chuyện cảm động để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi. Thật đau lòng khi những clip như vậy lan truyền trên MXH đã gây ra tác động tiêu cực, dẫn đến sự hoài nghi và khiến cộng đồng mất dần niềm tin vào những câu chuyện, cảnh ngộ đáng thương khác.
Một số người lại sử dụng cách khác để nổi tiếng như đưa ra những thông tin sai sự thật, lấy hình ảnh của người khác để cắt ghép nhằm đánh vào tâm lý hiếu kỳ của người xem. Đây không chỉ là hành động vi phạm pháp luật, mà còn là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, danh dự của người bị hại.
Gần đây từ câu chuyện của một số tiếp viên hàng không liên quan đến việc xách các tuýp kem đánh răng chứa ma tuý, khi vụ việc chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, thì từ sức nóng của vụ việc đã xuất hiện những chiêu trò cắt ghép hình ảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Nhiều tiếp viên hàng không bất ngờ, sửng sốt khi hình ảnh của mình xuất hiện trên MXH và bị cho rằng là tiếp viên xách ma tuý. Việc này đã ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc cũng như mối quan hệ của họ.
Để nổi bật giữa hàng triệu người sử dụng MXH, một số người còn thực hiện những hành động gây tranh cãi nhằm tạo dấu ấn cho bản thân, đi vào con đường content “bẩn”. Chẳng khó khăn để bắt gặp một sản phẩm chứa content “bẩn” trên mạng. Nào là: thử thách 24h làm động vật, ăn mì tôm trong bồn cầu, tổ chức khoe thân lộ liễu khi đua xe...
Tới nay, dường như nội dung dàn dựng đã trở thành một hình thức phổ biến để thu hút sự chú ý của khán giả và tăng lượng view, lượt like. Không ít người đã bất chấp đạo đức làm những video gây hại cộng đồng.
Ảo tưởng quyền lực
Thu hút được một lượng lớn người theo dõi trên MXH với những video trăm ngàn, triệu view, nhiều người đã ngộ nhận thứ quyền lực ảo để rồi vô tình hay cố ý tự biến mình thành người vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, đi ngược thuần phong mỹ tục. Họ không đắn đo khi mỗi “tút” sai trái viết ra có đông người like, dẫn dắt cộng đồng mạng, tạo ra những đợt sóng sông tin. Cũng từ đó mà một số người dùng MXH vi phạm pháp luật đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam. Nhiều người bị xử phạt hành chính.
Đỉnh điểm là vụ bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam và một số đối tượng liên quan bị khởi tố, bắt tạm giam, chuẩn bị đưa ra xét xử về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Khi quyền tự do ngôn luận đi quá giới hạn, vượt ra khỏi quy định pháp luật - người dùng MXH phải đối diện với pháp luật là điều dễ hiểu.
Hiện nay trên TikTok, một số bạn trẻ là những KOC (người tiêu dùng chủ chốt) để nhanh nổi tiếng trong thời gian ngắn, đã chạy theo xu hướng trở thành những người reviewer (người trải nghiệm và đưa ra đánh giá) đi chê nhãn hàng. Những reviewer này khi gặp phải những phản ứng trái chiều thì họ lại lên mạng kể lể, tâm sự chia sẻ mong lấy sự cảm thông. Cách làm này dường như đã và đang trở thành một công thức mới để nổi tiếng trên mạng.
Có thể kể đến TikToker Nờ Ô Nô khi miệt thị, xúc phạm người nghèo, đã bị đại đa số người sử dụng MXH tẩy chay. Trong series “Một ngày tử tế”, TikToker tiếp cận những người nghèo và hỏi họ thích ăn món gì sẽ mua tặng. Tuy nhiên, anh chàng này lại có những phát ngôn coi thường người lớn tuổi. Điều đó khiến nhiều người hoài nghi liệu rằng anh chàng này có thực sự làm thiện nguyện hay không? Hay chỉ lợi dụng người yếu thế trong xã hội để làm video câu view, vì mục đích kiếm tiền cho riêng mình?
Cũng cần lưu ý, trước đó Nờ Ô Nô cũng đã từng thực hiện những nội dung gây tranh cãi. Các clip của Nờ Ô Nô thường có nội dung đánh giá các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn TPHCM với biệt danh “Thánh review” vì thành tích “ăn đâu chê đó”, với cách nói chuyện cộc lốc, thô lỗ, sỗ sàng. Dù nhiều lần nhận về những ý kiến trái chiều, Nờ Ô Nô vẫn thản nhiên khi liên tục đăng tải các đoạn clip được dân mạng đánh giá là phản cảm, xúc phạm người khác.
Các nội dung do các TikToker hay YouTuber thực hiện có phần tiêu cực, không phù hợp tràn lan trên MXH không còn hiếm gặp. Mặc dù những người thực hiện đã đính kèm “#j4p” (viết tắt của “Just for fun”, nghĩa là chỉ vui thôi), nhưng các nội dung đều có phần nhạy cảm và không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục hoặc phát ngôn kém duyên, thô tục… khi lan truyền sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Clip "viral" là thành Idol
Phần lớn những video, clip chứa nội dung xấu, độc hại có tốc độ lan chuyền nhanh chóng nên số lượng người tiếp cận với những thông tin đó là rất lớn. Hầu hết người sử dụng MXH hiện nay là giới trẻ, sự tác động của những video, clip nêu trên sẽ ảnh hưởng đến hành vi, lối sống của một bộ phận các bạn trẻ.
Đơn giản như nhiều bạn trẻ sử dụng TikTok để đăng tải những video ngắn với âm nhạc và nội dung hấp dẫn, dễ dàng có thể trở thành xu hướng và được nhiều người theo dõi. Chính điều đó khiến cho người trẻ ngày càng lún sâu vào dòng chảy của trend để nổi tiếng mà không để ý đến nội dung của trend đó ra sao, ảnh hưởng của nó như thế nào?
Cuối tháng 4 vừa qua, nhiều khán giả phẫn nộ khi bài thơ "Lượm" của cố nhà thơ Tố Hữu bị chế thành bản nhạc phản cảm. Thật đáng buồn khi lời thơ bị chế thành ca từ phản cảm, gắn với trend biến hình trên mạng lại được người dùng trẻ sử dụng như trào lưu đáng tự hào.
Sự mù quáng hay bị dẫn dắt bởi những trào lưu xấu trên MXH khiến cho những người trẻ bị mất phương hướng. Có nhiều bạn trẻ sản xuất video với nội dung chia sẻ quan điểm cá nhân nhưng không mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.
Chẳng hạn như nữ YouTuber có tên Kym without me chia sẻ kiến thức lẫn kinh nghiệm cách làm giàu mà không cần làm việc, với những tiêu đề video như: “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder”, “Mình leo lên vị trí này từ đâu”, “Mình bịa CV để đi xin việc thế nào”, “Mình không sinh ra để đi làm!!! Bạn cũng thế”... Video trên của nữ YouTuber được lan truyền mạnh mẽ và nhận vô số những bình luận lên án từ cư dân mạng.
Quyền năng của người dùng
Từ thực tế trên cho thấy nếu người dùng thể hiện quyền năng của mình thì hiện tượng lan truyền thông tin giả, video clip xấu, độc hại sẽ không có cơ hội để tồn tại trên các nền tảng MXH. Tuy nhiên, nhiều người nhìn thấy nội dung xấu, phản cảm thì lại lờ đi hay vội vã lướt qua coi như không thấy, hoặc thể hiện sự phẫn nộ bằng cách thả biểu tượng mặt giận, thậm chí chia sẻ để tỏ thái độ của mình. Những hành động ấy có thể vô tình làm tăng tương tác của các nội dung xấu độc, chẳng hạn như trường hợp nữ YouTuber nêu trên.
Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng với nhiều giải pháp pháp lý, kỹ thuật, giáo dục truyền thông để phát hiện, ngăn chặn những nội dung xấu độc, chính những người dùng mạng cũng có quyền và nghĩa vụ thực hiện điều đó. Các nền tảng MXH luôn có chính sách tiêu chuẩn cộng đồng để xử lý các nội dung sai phạm như ảnh khỏa thân, bạo lực hay ngôn từ gây thù ghét. Người dùng có thể giúp đỡ các nền tảng trước khi hệ thống phát hiện thông qua nút báo cáo các nội dung có thể có vấn đề và bình luận không phù hợp, thậm chí là báo cáo tài khoản. Đây là quyền của người dùng. Khi tạo lập được thói quen tích cực này, chính người dùng đang nói lên tiếng nói của mình, góp phần thanh lọc môi trường số.
Mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có cách làm khác nhau để đạt mục tiêu thúc đẩy người dùng MXH triệt để sử dụng quyền của mình, để đấu tranh với các loại tin giả, tin xấu độc hay các hành vi lệch chuẩn trên nền tảng MXH.
Sử dụng tính năng báo cáo đúng lúc, đúng chỗ là thói quen của những người dùng MXH văn minh, góp phần xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh hơn. Điều quan trọng hơn là mỗi người dùng, đặc biệt là các nhà sáng tạo nội dung, cần có nhận thức đúng đắn về cách ứng xử trên MXH. Văn hóa sử dụng mạng như thế nào cho phù hợp để mỗi bình luận, bức ảnh hay video được đẩy lên đều không gây ra bất kỳ hậu quả tiêu cực nào cho cộng đồng. Một điều chắc chắn rằng mỗi người dùng đều có thể là tác nhân hoặc nạn nhân của thông tin xấu độc, đồng thời cũng là người phát hiện thông tin phản cảm.
Đối với giới trẻ, đặc biệt trẻ vị thành niên, nhận thức chưa chín, tâm hồn còn non nớt, chưa phân biệt được tốt xấu, chuẩn mực hay lệch chuẩn, thì chính người lớn sẽ là bộ lọc cho các em. Tăng cường trách nhiệm của người dùng mạng cũng cần tăng trách nhiệm của các nền tảng MXH, các cơ quan chức năng, tạo môi trường số văn hóa, văn minh.
PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia tâm lý học: Mạng xã hội càng phát triển, giới trẻ càng dễ bị tổn thương
Có thể thấy thực trạng con người đang ở trong tình trạng "bội thực" thông tin. Trước đây, có ít thông tin, người đọc có thể suy ngẫm, phản biện xem có đúng hay không. Nhưng bây giờ thì thông tin quá nhiều, mọi người chỉ có vài giây để xử lý một khối lượng tin tức khổng lồ. Vì vậy, những thông tin sai lệch khiến người dùng dễ bị thao túng hơn. Không chỉ giới trẻ mà cả những người có trình độ học vấn cao cũng có thể rơi vào cái bẫy của những chiêu trò lừa đảo trên mạng.
Bên cạnh đó, những người sáng tạo nội dung muốn xây dựng kênh riêng, thương hiệu riêng thì luôn có áp lực phải cập nhật thông tin nhanh nhất. Vì phải nhanh nên họ càng ít tư duy, ít kiểm tra, đối chiếu các nguồn để xác thực. Nhiều khi, họ nghe 1 tin đồn và lan truyền theo cơ chế "tam sao thất bản", họ lại thêm thắt các tình tiết để thông tin của mình khác đi, thông tin càng sai lệch và lan rộng. Có một cơ chế tâm lý là khi con người nghe một thứ quá nhiều lần, họ sẽ dần tin đó là sự thật. MXH khiến các bạn trẻ tin rằng việc học tập, trau dồi kiến thức không còn quá quan trọng, chỉ cần làm được những video giật gân, cường điệu, hấp dẫn, phát ngôn gây sốc... là có thể kiếm tiền.
Thực trạng dễ thấy là công nghệ càng phát triển, giới trẻ càng dễ bị tổn thương sức khỏe tâm thần. Lo âu, trầm cảm giờ đây lại trở thành một căn bệnh phổ biến với các bạn trẻ. Họ có thể làm việc với 3-4 chiếc màn hình nhưng cũng rất cả tin và cô đơn. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để quản lý và kiểm soát các thông tin trên không gian mạng, trong đó có thể kể đến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Luật An ninh mạng, Chương trình 830 của Chính phủ để bảo vệ trẻ em khi tương tác trên không gian mạng với sự kết hợp của 4 bộ. Bên cạnh cơ chế xử lý, những nhà cung cấp dịch vụ và chính những nền tảng số cũng cần tham gia cam kết, có trách nhiệm kiểm duyệt theo tiêu chuẩn cộng đồng và theo tiêu chuẩn của từng quốc gia. Mỗi người dân cũng cần ý thức hơn trong việc tố giác những hành vi thiếu chuẩn mực, gây hại đến giới trẻ trên không gian mạng.
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch le Group: Công chúng phải có ý thức tạo ra “lưới lọc” những nội dung xấu, độc
Bên cạnh những khía cạnh tích cực thì MXH đang có rất nhiều thứ xấu xí và chúng ta phải chung sống với những thứ xấu xí ấy. Chẳng hạn như có rất nhiều sản phẩm từ những người chúng ta quen mặt, họ bày cho nhau cách lừa đảo, cách “bom” hàng khi nhận ship… Những video phản cảm, những sản phẩm như thế đang tấn công vào cuộc sống của chúng ta. Nhiều người tưởng rằng những thứ rác đó chỉ để giải khuây, vui chơi nhưng thực ra chúng đang tấn công, ăn mòn tư duy con người. Nếu tiếp nhận liên tục thông tin giả, bôi nhọ cá nhân và gia đình, người chưa rèn được năng lực miễn nhiễm với thông tin xấu độc trên môi trường mạng rất dễ bị sốc tinh thần. Những người trẻ không có khả năng miễn nhiễm với thông tin xấu độc trên mạng hoặc khả năng miễn nhiễm chưa nhiều sẽ rất dễ bị tác động tâm lý.
Một hiện trạng khác cần được quan tâm hiện nay là bất cứ ai lên MXH đều có thể trở thành những quan tòa phán xét cuộc sống của người khác. Những phím bấm trên máy tính, trên điện thoại có thể trở thành vũ khí giết người và đã có người tự sát khi bị tấn công trên mạng và những gia đình “tan đàn xẻ nghé” vì thông tin bịa đặt trên mạng. Vì vậy để hạn chế tình trạng ứng xử thiếu văn minh, hạn chế hành vi lệch chuẩn trên môi trường mạng chúng ta cần từ chối tham gia vào những vụ tranh cãi để nó không có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, để tạo được môi trường mạng thực sự trong sạch thì đầu tiên là những người tham gia, công chúng phải có ý thức tạo ra "lưới lọc" những nội dung xấu, độc ảnh hưởng đến cuộc sống. "Lưới lọc" đó là sự thật, sự tử tế và sự hữu ích của thông tin được nói ra, được tiếp nhận.
Đại đoàn kết