Đừng cố làm bạn, bố mẹ hãy là "VỊ SẾP TỐT", có thế con mới đi vào kỷ luật mà không cần hình phạt nào
Nhiều người cho rằng, phạt trẻ bằng các hình thức hà khắc là một cách giáo dục mà bố mẹ nên áp dụng nếu muốn rèn giũa con nên người. Nhiều người khác lại tin rằng, phạt trẻ bằng những hình thức nhân văn sẽ khiến trẻ dễ nghe lời bố mẹ hơn mà không biết chính xác đâu mới là mấu chốt của vấn đề.
- 26-09-2021Hóa ra người Nhật không phải lúc nào cũng giỏi dạy con, đất nước này có 1 dịch vụ kỳ quặc khiến trẻ em mãi không trưởng thành
- 23-09-2021"Nuôi dạy con cái bằng lợi thế gia đình": Chia sẻ gây bão từ chuyên gia tiếp thêm động lực cho hàng ngàn phụ huynh trong việc đồng hành cùng con
- 22-09-2021Cha Do Thái dùng 3 chiếc bình dạy con gái tư duy về 3 thái độ sống: Học thuần thục, tin chắc ngày bạn 'trở mình' không còn xa!
Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình trở thành một "phiên bản" hoàn hảo nhất, từ chuyện ăn uống, học hành cho tới chuyện đối nhân xử thế ngoài xã hội. Và chắc chắn, cách bố mẹ định hình hành vi của một đứa trẻ phức tạp hơn nhiều so với việc nghĩ rằng, điều đó vốn dĩ chỉ là một tập hợp các tiêu chuẩn hay thước đo về hành vi.
Song, có một thực tế là hầu hết các mô hình nuôi dạy con cái mà các ông bố bà mẹ đang áp dụng với con cái mình đều dựa vào những tiêu chuẩn hay thước đo này. Bởi lẽ đó, chuyện giáo dục một đứa trẻ trở thành vấn đề được quan tâm của các bậc cha mẹ và việc cần không những "hình phạt" để rèn giũa trẻ hay chỉ " giáo dục bằng khuyên nhủ " là đủ thu hút sự chú ý là điều rất đỗi dễ hiểu.
Tại sao "giáo dục bằng khuyên nhủ" lại không hiệu quả?
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi học đường, PGS. TS Trần Thành Nam – Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam – chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định:
"Nếu có ai đó nói rằng, giáo dục bằng khuyên nhủ không hiệu quả thì đó là bởi vì chưa hiểu hết được bản chất của kỷ luật tích cực là gì và yếu tố nào để những lời khuyên của bố mẹ - thậm chí không cần nói ra vẫn khiến trẻ tự giác làm. Điều đó có nghĩa là, cái chúng ta đang chú ý vào chỉ là tính kỷ luật mà thôi".
Giải thích rõ hơn, PGS. TS Trần Thành Nam cho hay, khái niệm "kỷ luật tích cực" ở đây cần được hiểu đầy đủ là, đó không phải là phạt con trẻ, mà là đưa con vào một khuôn khổ và ở đó trẻ có thể tự thực hiện những thỏa thuận, thống nhất giữa trẻ và bố mẹ (hoặc thầy cô) trong quá trình kỷ luật một cách tự nguyện, vui vẻ chứ không phải bất cứ hình phạt nào.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, điều quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái chính là thái độ của bố mẹ. Và việc 1 đứa trẻ trở nên hỗn láo, ngang bướng hay không chính là bởi hành vi của bố mẹ, bởi bố mẹ không phải tấm gương tốt để con noi theo và chưa thực sự có mối quan hệ gần gũi với trẻ.
Những hình phạt văn minh hơn không phải là "kỷ luật tích cực"!
Trước khi nói thêm về vấn đề này, PGS. TS Trần Thành Nam nêu rõ, có thể mọi người hay nghĩ phạt là một cách giáo dục con cái. Tuy nhiên, thông thường, trong tâm tưởng và suy nghĩ của bố mẹ, hầu hết các hình thức phạt đó đều là những cách truyền thống: Đó có thể là làm đứa trẻ cảm thấy xấu hổ để không tiếp tục tái diễn hành vi mà bố mẹ không mong muốn. Đó cũng có thể là so sánh đứa trẻ với một ai khác rồi hạ thấp nhân cách của trẻ. Hoặc cũng có khi là khiến trẻ đau đớn về thể xác như: đánh, mắng, đe dọa và yêu cầu con đứng một góc hoặc quỳ, hoặc nhốt trẻ trong căn phòng tối…
Song, với PGS. TS Trần Thành Nam, tất cả những điều này chỉ làm cho trẻ thêm sợ hãi, lo lắng, thậm chí là đau đớn.
"Trước đây chúng ta vẫn coi đó là hình phạt và cho đến nay, tất cả những hình thức kỷ luật tiêu cực như chúng ta vừa nói là kỷ luật truyền thống nêu trên đều không còn thích hợp và phù hợp với bối cảnh hiện tại – khi mà cả xã hội đang thực hiện các quyền trẻ em." - PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thầy Nam cũng chia sẻ về những hiểu lầm của không ít người sau khi tìm hiểu về bản chất của kỷ luật tích cực.
"Họ cứ nghĩ rằng kỷ luật tích cực là phạt trẻ, và phạt bằng những hình thức nhân văn hơn, ví dụ như là giao cho con những nhiệm vụ khó chịu bằng lời lẽ như: "Vì con mắc lỗi này nên con sẽ phải dọn nhà, lau nhà vệ sinh, đi đổ rác,…" và coi đó là những hình phạt văn minh hơn, là kỷ luật tích cực mà không hiểu rõ bản chất của nó là gì. Vậy nên khi áp dụng mới có chuyện không hiệu quả với đứa trẻ!"
Dường như quá khó để phân định rạch ròi khái niệm "kỷ luật tích cực" và thực hiện đúng. Vậy, bố mẹ phải làm sao để đưa đứa trẻ tự giác vào môi trường kỷ luật mà không cần hình phạt?
Cũng theo PGS. TS Trần Thành Nam, khen ngợi là một phần quan trọng của kỷ luật tích cực, nhưng nếu các bậc phụ huynh khen con quá nhiều thì cũng dẫn đến việc đứa trẻ sẽ chủ quan, không cố gắng thực hiện nữa thì đó cũng là sai lầm trong phương pháp này.
Dưới đây là những gợi ý từ PGS. TS Trần Thành Nam mà bố mẹ cần nắm chắc, cân nhắc và thực hiện để có thể khiến trẻ tự giác vào môi trường kỷ luật mà không cần dùng tới các hình phạt.
- Đầu tiên, chúng ta phải kéo gần mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò. Để trẻ cảm thấy bố mẹ, thầy cô là người luôn luôn công bằng, thân thiện và mối quan hệ giữa hai bên là tích cực, là tốt đẹp. Trong đó, thầy Nam đặc biệt nhấn mạnh về việc bố mẹ cần trở thành VỊ SẾP TỐT của con.
Nếu bố mẹ cũng luôn đối xử với con như một vị sếp tốt với nhân viên thì đứa trẻ sẽ tự giác thực hiện các mong muốn, đi vào nền nếp trong một bầu không khí tích cực và không cần phải xuất hiện hình phạt.
Mục tiêu của cha mẹ là muốn con hành xử tích cực. Sự chú ý của cha mẹ vào những hành vi tích cực, nhận ra và khen ngợi sự cố gắng là cách hiệu quả nhất để tăng các hành vi tích cực.
- Thứ hai, hãy học cách khen thưởng trước những cố gắng của con, hiểu được con mình có những điểm mạnh gì, chú ý vào hành vi tốt của con để đứa trẻ thấy rằng mình có khả năng làm việc tốt, có năng lực và giá trị tốt.
Ngoài ra, trong những trường hợp phải đối diện với hành vi sai trái của đứa trẻ, bố mẹ cần làm gì cũng là điều khiến nhiều người băn khoăn, và PGS. TS Trần Thành Nam cũng đã đưa ra câu trả lời.
"Đối với trường hợp này, bố mẹ chỉ cần làm một việc vô cùng đơn giản là thể hiện rằng không ai quan tâm đến đứa trẻ cả. Chúng vốn dĩ quen được bố mẹ quan tâm nên ngay khi không được chú ý đến nữa, tự nhiên đứa trẻ sẽ nhận thức được rằng hình như việc mà chúng làm khiến bố mẹ không hài lòng.
Ví dụ, khi bố mẹ muốn con dọn dẹp phòng, không cần thiết phải đưa ra hình phạt hay ép buộc trẻ phải làm điều đó như kiểu: "Vì hôm nay con hư nên nhiệm vụ tuần tới của con là dọn dẹp nhà cửa, đổ rác...". Thay vào đó, hãy nói với chúng rằng, vì bố mẹ tốt với con, mong muốn của bố mẹ là con có thể giữ sạch sẽ phòng và không gian chung trong nhà.
Khi đó, đứa trẻ sẽ tự nảy sinh cảm giác muốn làm hài lòng bố mẹ và tự giác thực hiện điều bố mẹ mong muốn. Lúc này, nếu con bắt tay vào làm việc nhà, hãy khen ngợi hành động đó của con.
Như vậy, cùng là 1 mục tiêu nhưng 2 hình thức dạy khác nhau đã nêu bật sự rõ ràng trong việc hành vi của bố mẹ dễ khiến con nhầm tưởng rằng việc mình đang làm là thực hiện hình phạt thay vì được khuyến khích vì con đã biết giúp đỡ bố mẹ, anh chị và lớn hơn như thế nào trong mắt bố mẹ.
Điều đó chính là không có trừng phạt mà đứa trẻ vẫn đi vào quy củ, chứ trừng phạt không có nghĩa là bỏ mặc con, không đưa ra bất cứ định hướng nào. Như vậy có nghĩa là bố mẹ bỏ mặc con cái rồi, mà bỏ mặc con cái nghĩa là đang BẠO HÀNH LẠNH con rồi!"
Trí thức trẻ