MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dùng đập Tam Hiệp sai cách: Tự hại chính mình, TQ sẽ hối không kịp với đại hồng thủy trên toàn Trường Giang

18-07-2020 - 11:11 AM | Tài chính quốc tế

Việc đập Tam Hiệp ngăn lũ vừa và nhỏ để giảm sức ép cho ở hạ lưu sông Dương Tử được cho là biện pháp không cần thiết và tiềm ẩn nhiều rủi ro - theo các chuyên gia Trung Quốc.

Năm nay, cảnh báo màu đỏ đầu tiên về lũ lụt trên sông Dương Tử (Trường Giang) xuất hiện ở khu vực hồ Bà Dương, thuộc tỉnh Giang Tây.

Cục Thủy lợi Ủy ban Thủy lợi Trường Giang, thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc, ngày 10/7 đã nâng cảnh báo lũ màu đỏ đối với khu vực hồ Bà Dương và các sông ngòi lân cận. Đây là mức cảnh báo hồng thủy (lũ) cao nhất của Trung Quốc. Cảnh báo đỏ tiếp tục được công bố một ngày sau đó.

01.

Cảnh báo đại hồng thủy trên toàn lưu vực Trường Giang

Bà Dương là hồ nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nước lũ ở lưu vực sông Dương Tử.

Nước từ 5 nhánh sông lớn ở lưu vực hồ Bà Dương đổ về hồ này, từ đó đổ ra Trường Giang sau khi được điều tiết lưu lượng. Trong giai đoạn Trường Giang đón "Hồng thủy Số 1" thời gian qua, nước lũ từ sông này còn đổ ngược vào hồ Bà Dương, nhờ đó giúp giảm nhẹ sức ép xả lũ ở thượng nguồn con sông dài nhất Trung Quốc.

Trường hợp nước lũ Trường Giang đổ ngược vào hồ Bà Dương xảy ra lần đầu tiên trong năm nay vào hôm 7/7 vừa qua, khiến mực nước hồ dâng cao đáng kể. Đến 17h ngày 11/7, mưa lớn, nước lũ,... khiến hơn 5.21 triệu người ở lưu vực hồ bị ảnh hưởng, 430.000 người được sơ tán khẩn cấp, 4.55 triệu km2 diện tích canh tác bị thiệt hại. 

Phân tích trên tuần san China Newsweek - do Quốc vụ viện Trung Quốc quản lý, nhà nghiên cứu Châu Kiến Quân, thuộc Sở nghiên cứu sinh thái sông, Học viện kỹ thuật xây dựng thủy lợi, Đại học Thanh Hoa, nói rằng hiện tượng nước lũ Trường Giang đổ ngược vào hồ Bà Dương là bình thường và tình hình hiện nay so với các năm trước thì chưa có gì nghiêm trọng, mực nước ở trạm Hồ Khẩu vẫn chưa vượt qua mức bảo đảm, trong khi tình hình lưu lượng nước tại hồ đã có chiều hướng giảm.

"Điều này cho thấy không gian [để xả lũ] ở hạ lưu Trường Giang vẫn còn. Các địa phương như An Huy, thành phố Nam Kinh của tỉnh Giang Tô,... hiện không có vấn đề lớn," ông Châu nói.

Tuy nhiên, ông cảnh báo kịch bản đáng lo lúc này là mưa lớn bất ngờ ở vùng thượng lưu Trường Giang. Tình hình có thể nghiêm trọng nếu siêu đập Tam Hiệp không thể ngăn lũ thành công, khiến nước lũ ở thượng và hạ nguồn Trường Giang hợp nhất.

Dự báo khí tượng ở Trung Quốc cho hay, trong giai đoạn 13-16/7, phạm vi mưa lớn sau một thời gian ngắn dịch chuyển về phía bắc thì đã trở lại các vùng phía nam, hoành hành ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, trong khi lưu vực hồ Bà Dương tiếp tục đối mặt nguy cơ mưa lớn.

Ông Châu phân tích, nếu lũ ở thượng và hạ nguồn Trường Giang không xảy ra trùng nhau thì tình huống sẽ không quá nghiêm trọng. Lòng sông này có thể đón nhận lưu lượng nước thông qua lên đến 80.000 m3/s, cho phép an toàn xả lũ từ hồ Bà Dương.

Ông Trình Hiểu Đào - ủy viên Ủy ban chuyên gia giảm nhẹ thiên tai quốc gia (Trung Quốc), nguyên giám đốc Sở nghiên cứu phòng chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai, thuộc Viện nghiên cứu khoa học thủy điện thủy lợi Trung Quốc - nói với China Newsweek, đại hồng thủy (lũ lớn) ở lưu vực Trường Giang thông thường có hai dạng: "Đại hồng thủy hạ", tức mưa lớn chủ yếu phân bố ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, thường xảy ra vào tháng 6; và "Đại hồng thủy thượng", chủ yếu xảy ra vào tháng 7 và tháng 8 tại các địa phương ở thượng nguồn như Tứ Xuyên, Trùng Khánh.

Trong nạn lũ lịch sử năm 1998, Đại hồng thủy hạ xảy ra muộn vào tháng 7 và "gặp nhau" với Đại hồng thủy thượng, gây ra lũ lụt nghiêm trọng trên toàn bộ lưu vực sông Dương Tử.

"Đỉnh lũ trong nạn lũ năm 1998 không quá lớn, nhưng là đỉnh lũ này nối tiếp đỉnh lũ khác, liên tục 8 trận lũ," ông Trình lý giải.

Ông Châu Kiến Quân cho biết nửa cuối tháng 7 là giai đoạn then chốt, có khả năng chứng kiến kịch bản năm 1998 lặp lại. Hiện nay lũ lụt chủ yếu tập trung ở phía nam sông Dương Tử, tại các vùng trung và hạ lưu sông; đến đầu táng 8 mưa lũ sẽ chuyển dịch về phía bắc và thượng nguồn sông.

Theo ông Châu, tình hình lũ lụt ở thượng nguồn Trường Giang nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn và cần nhà chức trách cấp bách tiến hành các biện pháp ổn định.

Dùng đập Tam Hiệp sai cách: Tự hại chính mình, TQ sẽ hối không kịp với đại hồng thủy trên toàn Trường Giang - Ảnh 1.

Đập Tam Hiệp mở cửa xả lũ ngày 29/6/2020 (Ảnh: Chinanews)

02.

Mối nguy khi lạm dụng đập Tam Hiệp

Nhằm giảm nhẹ sức ép đối với hạ lưu sông Dương Tử, từ ngày 11/7 Ủy ban Thủy lợi Trường Giang (CJW) bắt đầu điều tiết hồ chứa đập Tam Hiệp, lưu lượng xả lũ từ mức bình quân ngày 25.000 m3/s giảm xuống 22.000 m3/s.

Dù vậy, Phó tổng công trình sư của Ủy ban, ông Trần Quế Á cho biết việc điều tiết lũ ở đập Tam Hiệp không có nhiều tác dụng điều tiết mực nước ở hồ Bà Dương, bởi khoảng cách hai địa điểm xa xôi và lượng nước tự đến từ hệ thống chi nhánh của hồ lớn.

Châu Kiến Quân lý giải, đập Tam Hiệp giữ hoặc xả lũ trên thực tế không có nhiều ảnh hưởng đối với vùng hạ lưu Trường Giang.

"Khách quan mà nói thì đập Tam Hiệp chắc chắn đã hỗ trợ giảm nhẹ sức ép cho vùng hạ lưu, nhưng cách làm như thế là không phù hợp, cần phải thảo luận. Theo quy trình điều tiết của Tam Hiệp, dự án này không nên can thiệp xử lý quá nhiều các vấn đề của hạ nguồn, mà chỉ tập trung ngăn chặn đại hồng thủy, giữ an toàn cho Kinh Giang - tên gọi đoạn sông Dương Tử dài khoảng 360km, chảy từ thành phố Nghi Đô (tỉnh Hồ Bắc) tới huyện Nhạc Dương (tỉnh Hồ Nam).

Đến ngày 12/7, mực nước ở đập Tam Hiệp là 152.16m. Theo ông Châu, về nguyên tắc hồ chứa đập Tam Hiệp trong mùa lũ sẽ được kiểm soát mực nước ở mức 145m, căn cứ theo chế độ phòng chống lũ lụt, nhằm bảo đảm đẩy đủ dung tích hồ chứa để chống lũ.

Ông Châu Kiến Quân lo ngại, việc điều tiết của Tam Hiệp trong thời gian qua đã lãng phí dung tích hồ chứa, trong bối cảnh mưa lớn có thể dịch chuyển từ hạ nguồn Trường Giang lên thượng nguồn vào đầu tháng 8, kéo theo khả năng xảy ra đại hồng thủy ở các địa bàn tại đây.

Từ tháng 6, hồ chứa đập Tam Hiệp bắt đầu được kích hoạt để tham gia phòng chống lũ trên sông Dương Tử. Con đập lần đầu tiên mở cửa xả lũ trong năm vào hôm 29/6 để đón đợt lũ mới.

Ngày 2/7, trận lũ "Trường Giang Số 1" chảy vào hồ chứa với lưu lượng lên tới 53.000 m3/s và được giữ lại, giữ an toàn cho vùng hạ lưu sông. Song ông Châu Kiến Quân nhận định đập Tam Hiệp không nên tiến hành chặn lũ ngày 2/7, bởi trận lũ không tạo thành đe dọa đối với vùng hạ lưu.

"Đập Tam Hiệp dùng để phòng chống đại hồng thủy ở Kinh Giang, ngăn ngừa khả năng xảy ra thủy tai mang tính hủy diệt," ông Châu nói. Theo quy hoạch phòng chống lũ của Tam Hiệp, khi lưu lượng nước chảy vào thấp hơn 56.700 m3/s thì hồ chứa không cần ngăn lũ mà cho phép xả lũ tự do.

"Trường Giang Số 1" chưa đạt đến mức lưu lượng như tiêu chuẩn quy hoạch và chỉ là hồng thủy cỡ vừa và nhỏ, đập Tam Hiệp không cần thiết chặn lũ. Các địa phương ở trung và hạ nguồn Trường Giang chỉ cần tuân theo các tiêu chuẩn và yêu cầu về chống lũ là có thể xử lý được trận lũ này mà không gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Dùng đập Tam Hiệp sai cách: Tự hại chính mình, TQ sẽ hối không kịp với đại hồng thủy trên toàn Trường Giang - Ảnh 2.

Một số nhà cửa bị nước lũ hủy hoại ở huyện bà Dương, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, sáng ngày 12/7/2020 (Ảnh: visual.people.cn)

03.

Hạ nguồn Trường Giang cần được trải nghiệm "lũ an toàn"

Châu Kiến Quân từng nghiên cứu chuyên sâu về mối liên hệ giữa các yếu tố của công trình Tam Hiệp với chống lũ Trường Giang. Ông nhiều lần kêu gọi vùng trung-hạ lưu sông cần thường xuyên đón nhận các trận "lũ an toàn", và vận hành tuân theo quy hoạch của Tam Hiệp.

Tuy nhiên, tình hình thực tế theo ông mô tả là: "Những năm gần đây, chúng ta đặt ra yêu cầu rất cao khi xây dựng công trình thủy lợi, đòi hỏi nâng tiêu chuẩn phòng chống lũ lên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Nhưng khi đưa vào sử dụng thì ngay cả những trận lũ 5 năm hay 1 năm gặp 1 lần cũng muốn xử lý. Điều này chẳng những không đạt được mục tiêu về phòng lũ, mà còn phá hoại nghiêm trọng với sinh thái dòng sông."

Ông Châu nhận định, hiện trạng này xảy ra do một số đô thị ở trung và hạ lưu Trường Giang không có đủ kiến thức về chuyên môn. Một quan điểm phổ biến được đưa ra là: Đập Tam Hiệp ngăn lũ vừa và nhỏ sẽ giúp giảm sức ép chống lũ cho bản địa. Điều này gây ra sự ỷ lại quá mức vào hồ chứa Tam Hiệp. Ngoài ra, nguyên nhân kinh tế cũng là một phần lý do, bởi việc chặn lũ giúp bảo đảm hiệu suất phát điện của dự án Tam Hiệp.

"Hồng thủy trên toàn lưu vực [Trường Giang] có xảy ra hay không là điều không ai dám chắc. Nếu như gặp phải đại hồng thủy như năm 1954 thì với dung tích ngăn lũ của đập Tam Hiệp hiện nay là hết sức 'giật gấu vá vai'."

Ông Châu lưu ý, việc đập Tam Hiệp thường xuyên ngăn lũ vừa và nhỏ không chỉ làm gia tăng rủi ro phòng chống lũ của dự án này, mà còn khiến vùng trung-hạ lưu sông không đón nước lũ trong thời gian dài, dẫn đến lòng sông thu hẹp, làm gia tăng nguy cơ khi đập Tam Hiệp xả lũ.

Các vị trí mực nước cao của đê sông Dương Tử, theo Châu Kiến Quân, có nhiều nơi đến 4-5m đê chưa từng bị nước dâng tới. Những đê này cần trải nghiệm các trận lũ an toàn để kiểm tra, phát hiện và sửa chữa những lỗ hổng nếu có. Lũ an toàn được hiểu là những trận lũ với lưu lượng được thiết kế và kiểm soát, giúp bảo đảm khả năng xả lũ của lòng sông.

Trao đổi với China Newsweek, Viện sĩ Viện công trình Trung Quốc, tổng phụ trách thiết kế công trình Tam Hiệp, ông Trịnh Thủ Nhân cũng cảnh báo việc Tam Hiệp điều tiết lũ với lưu lượng xả nước bình quân năm dưới 45.000 m3/s có thể khiến lòng sông ở trung và hạ lưu thu hẹp và thoái hóa.

Ông Trịnh khuyến cáo các nhà vận hành dự án nên tiến hành xả lũ với lưu lượng 55.000 m3/s theo định kỳ giãn cách vài năm, trong các điều kiện cho phép, nhằm kiểm tra toàn diện khả năng của hệ thống đê điều Kinh Giang cũng như năng lực xả lũ của lòng sông, đồng thời ngăn ngừa lòng sông bị thu hẹp.

Theo Hải Võ

Tổ quốc

Trở lên trên