MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đứng dậy sau đại dịch: Cơn bão mang tên COVID-19

Hơn 3 tháng kể từ khi công tác phòng dịch COVID-19 tại Việt Nam được triển khai, mọi hoạt động của nền kinh tế đảo lộn chưa từng có, đặc biệt khi lệnh cách ly, giãn cách xã hội được triển khai.

Những mạch máu, trụ cột của nền kinh tế bị tổn thương, doanh nghiệp, người lao động điêu đứng vì dịch. Vực dậy nền kinh tế thế nào sau dịch, doanh nghiệp đứng dậy thế nào là những vấn đề đang đặt ra.

Cùng với việc giảm doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhiều nghìn tỷ đồng lợi nhuận tích lũy từ nhiều năm của các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã “bốc hơi” chỉ sau vài tháng, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh và các biện pháp phòng dịch, cách ly xã hội được triển khai.

Đối mặt với giảm 279.767 tỷ đồng doanh thu

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc khoảng 279.767 tỷ đồng doanh thu, hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận dự kiến của 19 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2020 sẽ không còn do tác động của dịch COVID-19. 8 doanh nghiệp mạnh nhất trong các lĩnh vực dự báo lỗ tới 26.234 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD) nếu dịch kéo dài trong năm nay.

Các số liệu mới nhất cho thấy, dịch COVID-19 khiến Tập đoàn Cao su Việt Nam giảm doanh thu tới 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ quý 1 năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế của tập đoàn cũng giảm 44 tỷ đồng, còn 270 tỷ đồng. Lãnh đạo đơn vị cho hay, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng toàn diện đến các ngành hàng của tập đoàn như trồng và khai thác cao su, gỗ, công nghiệp cao su, và khu công nghiệp. Ước tính doanh thu cả năm 2020 của đơn vị giảm khoảng 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 1.800 tỷ đồng (giảm 48%) so với kế hoạch.

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cho hay, 2020 là năm khó khăn của đơn vị với doanh thu dự kiến giảm 5.996 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 496 tỷ đồng so với kế hoạch. Nộp ngân sách của đơn vị cũng sẽ giảm dự kiến 1.926 tỷ đồng. Cũng chịu tác động lớn của dịch COVID-19, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) cho hay, do dịch nên sản lượng và giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của đơn vị có dấu hiệu suy giảm. Dự kiến doanh thu cả năm của đơn vị giảm 1.159 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 243 tỷ đồng so với kế hoạch.

Với ngành khai khoáng, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, doanh thu về khoáng sản của đơn vị giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu dịch COVID-19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng nguy cấp đến nguồn cung nguyên liệu do các đơn vị thuộc tập đoàn chỉ dự trữ đến đầu quý II của năm.

Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, với Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), trong quý đầu tiên của năm 2020, công ty mẹ đã lỗ 15 tỷ đồng. Hợp nhất toàn tập đoàn lỗ 25 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiêu thụ sản phẩm của đơn vị rất khó khăn, giá bán thấp hơn cả giá thành sản xuất mà cũng không cải thiện được tình hình trong khi giá xuất khẩu xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. “Nếu tình hình này kéo dài, năm 2020 tổng công ty khó hoàn thành kế hoạch được giao. Sản xuất kinh doanh lỗ ba năm liên tiếp”, Vinacafe cho hay.

Liêu xiêu, khủng hoảng vì dịch

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xăng dầu, “cơn bão” COVID-19 càn quét vài tháng qua khiến những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dù trải qua đủ thăng trầm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cũng không khỏi lao đao và cảm thấy đáng sợ như dịch COVID-19 lần này.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, năm 2020, giá dầu thô kế hoạch được Quốc hội thông qua ở mức 60 USD/thùng. Tổng doanh thu của PVN năm 2020 ước tính giảm 23.000 tỷ đồng đến 141.000 tỷ đồng. Với diễn biến giá dầu như hiện nay, nộp ngân sách toàn PVN giảm khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng/năm so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng. Đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu thô giảm 1 USD/thùng sẽ khiến doanh thu giảm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng/năm.

Về các giải pháp cho doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho hay, tập đoàn đã chỉ đạo toàn ngành tập trung cắt giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh, giảm lương 10-20%, tăng cường quản trị chi phí tối ưu, triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động. Cùng đó, các đơn vị đánh giá tác động dòng tiền, tái cơ cấu nguồn vốn, giảm chi phí vốn; tiết giảm chi phí lãi vay; tăng cường quản lý thu hồi công nợ, đồng thời giãn dừng các dự án chưa thực sự quan trọng, tìm kiếm cơ hội đầu tư mua mỏ tận dụng giá dầu thấp…

Với lợi thế có hệ thống bán lẻ trực tiếp lên tới hàng nghìn điểm và chiến lược kinh doanh khác, mặc dù Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) “đỡ liêu xiêu” so với nhiều doanh nghiệp khác trong ngành. Tuy nhiên, lãnh đạo Petrolimex xác nhận, dịch COVID-19 khiến tình hình kinh doanh của đơn vị bị ảnh hưởng nặng và tập đoàn đã có báo cáo lên cơ quan chủ quản với các kịch bản dự báo xấu cho năm nay.

Các số liệu cho thấy, trong quý I/2020, tổng doanh thu Petrolimex ước đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ 572 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, trong trường hợp xấu nhất, doanh thu của Petrolimex sẽ giảm 12.517 tỷ đồng, ước suy giảm 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020. Nộp ngân sách nhà nước dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 trong trường hợp dịch kéo dài đến quý 4.

Trong Báo cáo tài chính riêng công bố ngày 20/4, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho hay, quí I/2020, công ty đã lỗ sau thuế 2.332 tỷ đồng. Đây là quí lỗ thứ hai liên tiếp kể từ khi chào bán cổ phiếu đầu năm 2018 đến nay. Theo phân tích của doanh nghiệp, BSR chịu ba khủng hoảng lớn cùng lúc nên thua lỗ là không thể tránh khỏi.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây về tác động của dịch COVID-19, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, dự kiến doanh thu của PVN và Petrolimex năm 2020 giảm khoảng gần 40.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Petrolimex, PVN, PVOil, Bình Sơn và nhiều doanh nghiệp sẽ lỗ nặng nếu dịch kéo dài.

Để đối phó với dịch, các tập đoàn, tổng công ty xăng dầu đã giãn/ giảm các chi phí không trực tiếp liên quan đến sản xuất kinh doanh, ưu tiên cho các chi phí giúp gia tăng sản lượng và hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, tất cả người lao động cùng đồng thuận giảm lương tháng từ 20% - 25% nhằm chia sẻ khó khăn với  công ty.

Theo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, có tới 81 trên tổng số 145 doanh nghiệp mà đơn vị đang quản lý có báo cáo chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Trong đó có 35 đơn vị chịu thiệt hại nặng nề, đáng kể nhất trong số này là Tập đoàn Dệt may Việt Nam do số lao động lớn, không ký được đơn hàng mới và gặp ách tắc trong xuất khẩu các đơn hàng cũ...


Theo T.Quyên

Tiền phong

Trở lên trên