MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng để cổ tức thành “tức cổ”

Đừng để cổ tức thành “tức cổ”

Đầu tư để nhận cổ tức là một chiến lược đã được nhiều nhà đầu tư áp dụng thành công trên thế giới, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều "sự ngộ nhận và ngây thơ" đối với chiến lược này dẫn đến hiện tượng đầu tư cổ tức để rồi TỨC CỔ!

Chia cổ tức là hoạt động thường niên của doanh nghiệp sau một năm kinh doanh có lãi. Chia cổ tức có thể được thực hiện bằng cổ phiếu hoặc bằng tiền.

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu được dựa trên nền tảng lợi nhuận để lại của năm liền trước đó (lợi nhuận chưa phân phối). Với phương pháp này nhà đầu tư nhận được về nhiều cổ phiếu hơn với quyền cổ tức trước đó và tỷ lệ xác định được HĐQT đưa ra.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp cho doanh nghiệp giữ lại dòng tiền để tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động hoặc phục vụ các mục tiêu kinh doanh và tài chính khác.

Trong khi đó, chia cổ tức bằng tiền mặt là hình thức doanh nghiệp dùng lợi nhuận kiếm được năm rồi, trích ra một phần chia lại cho toàn bộ cổ đông và các cổ đông nhận về "tiền tươi thóc thật".

Việc chia cổ tức bằng tiền mặt thường được các cổ đông chiến lược với quy mô sở hữu lớn ưa thích vì đây được xem như một phần hoàn vốn đầu tư từ chính doanh nghiệp đó, ngoài ra cũng được các cổ đông sáng lập ưa thích nếu cần rút tiền về để đầu tư cá nhân với mục đích riêng bên ngoài.

Với phương án này thì doanh nghiệp sẽ bị hụt đi một lượng tiền đáng kể và thường những doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trong tương lai ít, quy mô vừa phải họ sẽ hay chọn chia, hoặc những doanh nghiệp làm ăn thu nhập đều đều theo năm (đặc thù) thì sẽ chia đều như VNM, REE,…Và cổ tức bằng tiền mặt sẽ bị khấu trừ thuế thu nhập 5% ngay ngày chi trả.

Phương pháp nào tối ưu cho doanh nghiệp?

Phương pháp chia cổ tức sẽ tuỳ mục đích quản trị chiến lược của doanh nghiệp và áp lực từ các cổ đông chiến lược.

Nếu một doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư mở rộng rất lớn thì sẽ chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu để giữ lại dòng tiền tái đầu tư cho những dự án tương lai của họ và điển hình nhất chính là HPG trong 2 năm 2018-2019 cho siêu dự án Dung Quất.

Ngoài ra cũng có mặt trái của phương pháp này là làm vốn điều lệ tăng lên tương ứng với tỷ lệ chia đó và pha loãng các tỷ số tài chính quan trọng, trong đó có EPS.

Phương pháp nào tối ưu cho nhà đầu tư cá nhân?

Với nhà đầu tư cá nhân thì tuỳ khẩu vị đầu tư mà sẽ lựa chọn phương thức đầu tư vào suất cổ tức bằng tiền hay bằng cổ phiếu.

Nếu là tiền phải là tỷ suất cao, lớn hơn tỷ suất lợi nhuận tiết kiệm hàng năm, đây là phương pháp phổ dụng.

Nếu là cổ phiếu thì phải lựa được doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao ngang ngửa với tỷ suất chia cổ tức để bù đắp độ pha loãng bởi hoạt động này

Ví dụ: MBB chia 35% cổ tức sẽ làm vốn điều lệ của họ tăng lên 35% từ đó làm cho EPS forward giảm tương ứng nếu lợi nhuận không tăng theo, tuy nhiên MBB trình làng kế hoạch 2021 tăng trưởng lợi nhuận cũng hơn 30% nên bù trừ nhau, đó là lý do thúc đẩy động cơ mua vào của thị trường đối với mã cổ phiếu này khi thông tin MBB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chia cổ tức được công bố.

Ngoài ra còn có thêm vài yếu tố về cung cầu khi hàng cổ tức này về tới tài khoản sau đó sẽ mất khoảng thời gian từ 1,5 - 2 tháng. Khi đó, lượng cung sẽ tăng vọt lên do lượng hàng cổ tức bị nén lại.

Vậy tổng quan lại đang có trào lưu đầu tư vào nhóm ngân hàng chia cổ tức cao thật ra cốt lõi cũng chính là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của họ bù đắp được lượng pha loãng này.

Theo quan điểm cá nhân, đầu tư để nhận cổ tức là một chiến lược đã được nhiều nhà đầu tư áp dụng thành công trên thế giới, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều "sự ngộ nhận và ngây thơ" đối với chiến lược này dẫn đến hiện tượng đầu tư cổ tức để rồi TỨC CỔ!

Và đương nhiên sẽ còn rất nhiều lý do sẽ khiến bạn mất tiền trên thị trường, vì vậy trang bị cho mình lượng kiến thức bài bản là vô cùng cần thiết.

Huỳnh Minh Tuấn (Giám đốc môi giới hội sở Mirae Asset Việt Nam)

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên