Đừng để “giấy phép con” làm khó doanh nghiệp
Theo Thống kê của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), hiện có tới 7.000 giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp. Theo Luật Đầu tư 2014, đến ngày 1.7, các điều kiện kinh doanh quy định ở cấp thông tư nếu không được đưa lên thành nghị định, đương nhiên sẽ bị loại bỏ.
- 19-06-2016Giấy phép con “hạ gục” doanh nghiệp
- 14-06-2016Hàng loạt giấy phép con có nguy cơ biến tướng
- 02-06-2016Giảm giấy phép con: Rút can thiệp của các bộ, ngành với nền kinh tế
Thế nhưng, chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm hàng ngàn điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ bị bãi bỏ, vậy nhưng rất nhiều trong số đó đang được các bộ, ngành tìm cách “giữ” lại.
Điển hình là việc theo Điều 7, Luật đầu tư 2014 thì Thông tư 20 nằm trong danh sách giấy phép con “hành” doanh nghiệp, thế nhưng thông tư này lại được Bộ Công Thương nâng cấp và đưa vào nghị định để bảo vệ cho lợi ích nhóm của những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe lớn.
Tình trạng tấp nập nâng cấp Thông tư lên Nghị định đang diễn ra ở hầu hết các bộ , ngành. Tại hội thảo về rà soát điều kiện kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 do Bộ Tư pháp tổ chức, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT, bày tỏ “Chưa bao giờ làm việc tấp nập làm ngày làm đêm như thời gian qua”. Kết quả là kịp nâng cấp 29 thông tư lên thành Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Còn theo thống kê mới nhất của Bộ Tư pháp cho thấy tính đến ngày 3.6, Bộ Tư pháp đã nhận hồ sơ thẩm định của 48/49 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong đó, có tới 23 nghị định quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh nâng từ thông tư lên, 5 nghị định sửa đổi bổ sung nghị định hiện hành vừa nâng từ thông tư lên… Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời báo chí mới đây cho biết, theo Luật Đầu tư năm 2014, có 19 ngành, nghề đầu tư đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, Bộ Y tế dự kiến xây dựng 12 Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh bao trùm các lĩnh vực quản lý của Bộ để trình Chính phủ ban hành, nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cùng Chính phủ nỗ lực rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các “giấy phép con”.
Việc nâng toàn bộ các quy định từ cấp độ thông tư lên nghị định bị vướng mắc khi nhiều nội dung chi tiết và chỉ mang tính kỹ thuật đơn thuần lại thường xuyên thay đổi theo tiến bộ khoa học, kỹ thuật, như các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Được biết, đến nay 17 bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, và về cơ bản đã xác định số lượng nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định, như Bộ NN&PTNT tích hợp 38 thông tư, Bộ GD&ĐT tích hợp 23 thông tư, Bộ Công Thương tích hợp 23 thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 thông tư…
Điều mà dư luận đang đòi hỏi của việc “nâng” thông tư thành nghị định phải đảm bảo tinh thần công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật, bởi nếu không đáp ứng yêu cầu này thì việc nâng cấp các điều kiện kinh doanh lên thành Nghị định chỉ là chuyện cơ học hóa, cứng hóa các điều kiện, trói chặt hơn việc làm khó doanh nghiệp bằng các nghị định. Điều này sẽ không phù hợp tinh thần đổi mới, tháo gỡ rào cản cho DN, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho sản xuất kinh doanh như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lao động