Đừng để nông dân tiếp tục những mùa mía đắng
Khi vào vụ thu hoạch do thời tiết bất lợi, giá mía thấp hơn so với giá thành sản xuất nên người trồng mía thường xuyên thua lỗ.
- 29-10-2018Sau vụ "mía đắng", nguy cơ nông dân ở Phú Yên sẽ bỏ trồng mía
- 16-10-2018Giá giảm sâu, vùng mía ĐBSCL lao đao
- 27-09-2018Ứa nước mắt với hình ảnh nông dân trồng mía trắng tay vì lũ
Phá mía trồng loại cây khác vì giá quá thấp
Ở thời điểm nay, vùng mía nguyên liệu ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên năm nay, tiến độ thu mua mía diễn ra khá chậm. Nước lũ ngập đồng gây thiệt hại về năng suất và chất lượng của cây mía. Cùng với giá mía thấp, thiếu vắng người mua khiến cho phần lớn người trồng mía ở đây đều thua lỗ. Ông Huỳnh Ngọc Tài ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, vừa thu hoạch xong 2 ha mía bán cho thương lái với giá 650 đồng/kg. Trong khi chi phí sản xuất vụ mía này ở mức 756 đồng/kg, nhà ông Tài lỗ gần 30 triệu đồng.
“Giống, vật tư cái gì cũng tăng, giá nhân công cũng lên. Bán mía với giá 650 – 700 đồng/kg nông dân lỗ chắc. Nếu tình trạng mà giá mía vẫn thấp như hiện nay thì nông dân bỏ mía chứ không đeo nổi, vì lỗ quá. Giờ người dân phải chuyển đổi canh tác cây trồng khác” – ông Tài buồn rầu nói.
Không phải bây giờ nông dân ở huyện Phụng Hiệp mới có ý định chuyển đổi từ cây mía sang cây trồng khác. Ở những vụ mía trước, khi liên tục gặp cảnh thua lỗ, nhiều nông dân đã mạnh dạn quay lưng với cây mía. Ông La Văn Nhiều ở ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ huyện Phụng Hiệp cho biết: Cách đây 3 năm do thấy trồng cây mía hoài mà không khá lên nổi, ông mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng sửa sang, bờ liếp chuyển đổi 2 ha đất trồng mía sang trồng mãng cầu xiêm. Do cây mãng cầu xiêm dễ trồng, phù hợp với mọi loại đất kể cả đất xấu, đất phèn nên ông Nhiều có thu nhập cao từ loại cây trồng mới này.
Nước ngập, giá thấp, người trồng mía Hậu Giang năm nay lao đao vì thua lỗ.
Vụ vừa qua, 2 ha mãng cầu xiêm của gia đình ông Nhiều cho thu nhập gần 50 tấn quả và được Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ đứng ra ký kết bao tiêu cho Công ty chế biến nông sản Tiến Thịnh với giá bán 15.000 đồng/kg đối với mãng cầu loại 1, giá 9.000 đồng/kg đối với mãng cầu loại 2. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi ha mãng cầu xiêm, ông Nhiều thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
“Vùng đất Hòa Mỹ này là vùng đất thấp phèn, trồng mía thì nó năng suất không cao, ở đây làm mía cao lắm là khoảng 10 tấn/ha. Riêng cây mãng cầu thì vùng đất phèn hợp hơn, năng suất cao hơn so với cây khác. Thu nhập một công mãng cầu cao hơn gấp 3 lần một công mía” – ông Nhiều nói.
Không riêng gì ông Nhiều, các nông dân khác ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cũng có thu nhập khá cao khi từ bỏ cây mía chuyển sang cây trồng khác. Tại xã Phương Phú, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã từ bỏ cây mía, quy hoạch lại để trồng cây cam xoàn với diện tích hơn 200 ha. Do thích nghi với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, trái cam xoàn nơi đây có vị ngọt thanh hơn các vùng khác, nên giá trị kinh tế mang lại khá cao.
Quy hoạch lại vùng nguyên liệu mía
Tính đến nay, huyện Phụng Hiệp đã vận động người dân chuyển đổi hơn 2.000 ha mía kém hiệu quả ở các khu vực đất thấp, năng suất thấp sang thành các vùng chuyên canh cây ăn trái như: mít Thái, cam xoàn, mãng cầu xiêm… Hầu hết, các mô hình mới này đều cho thu nhập cao hơn trồng mía gấp nhiều lần. Riêng ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, nơi trước đây từng có gần 750 ha mía, trong thời gian qua người dân đã chuyển đổi gần 500 ha mía sản xuất không hiệu quả sang làm lúa kết hợp với nuôi cá ruộng mùa nước nổi.
“Với khu vực mía ngoài vùng nguyên liệu thì năng suất không cao, hiệu quả kinh tế thấp, do đó vận động bà con chuyển đổi sang hai vụ lúa kết hợp với một vụ cá. Vụ lúa đông xuân, vụ hè thu cộng với mùa nước lũ nuôi cá đồng, tức là nuôi cá theo hình thức quảng canh, tăng thu nhập, lợi nhuận cho bà con từ 20 triệu đồng/ha và đầu ra rất ổn định” - ông Nguyễn Thế Tự- Phó Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết.
Từ khi chuyển đổi sang trồng cây mãng cầu xiêm, người dân xã Hòa Mỹ có thu nhập cao gấp mấy lần trồng mía. |
Cây mía không hiệu quả đã được chuyển đổi là một nhu cầu tất yếu để đảm bảo thu nhập cho người dân. Bởi hiện nay, không chỉ Hậu Giang, mà các tỉnh khác trong vùng như Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau…người trồng mía cũng đang điêu đứng khi cây mía đến vụ thu hoạch không có người mua phải bỏ chết khô trên đồng. |
Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 10 nhà máy đường nhưng trong thời gian qua đã có 5 nhà máy đóng cửa do thua lỗ. Tại Hậu Giang có 3 nhà máy là: Nhà máy đường Cồn Long Mỹ Phát, cùng 2 nhà máy của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ là Nhà máy đường Vị Thanh và Nhà máy đường Phụng Hiệp nhưng hiện nay các Nhà máy đường này chỉ hoạt động ở mức cầm chừng, chỉ đảm bảo tiêu thụ khoảng 700.000 tấn/năm tương đương với diện tích hơn 6.000ha.
Chính vì thế, bài toán đặt ra là trong số gần 10.600 ha mía hiện có, Hậu Giang phải mạnh dạn chuyển đổi khoảng 4.000 ha mía ngoài quy hoạch, sản xuất không hiệu quả sang nuôi trồng cây con khác thích hợp mang lại hiệu quả cao. Hướng đi này vừa phù hợp với Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu “tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính.”, vừa giúp cho đời sống của người trồng mía trước đây phát triển hơn.
“Vùng nguyên liệu cho nhà máy cần được quy hoạch lại, diện tích đất còn lại đề nghị đưa vào đề án chuyển đổi cây trồng, trồng cây gì, trồng ở đâu và lúc nào. Trong huyện Phụng Hiệp có những xã chuyển đổi cây trồng rất tốt” - ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nói.
Với 2.000 ha mía đã chuyển đổi sang trồng loại cây khác ở huyện Phụng Hiệp trong thời gian qua đều cho thu nhập cao gấp mấy lần trồng mía. Trong đó, có đến 60% diện tích cho hiệu quả kinh tế hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Chính vì vậy, qui hoạch lại vùng mía nguyên liệu cho phù hợp là giải pháp vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu vừa đủ cho các nhà máy hoạt động, vừa đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân. Tránh tình trạng người dân mãi “ôm” chân cây mía để rồi tiếp tục nếm vị đắng từ những vụ mùa thất bát.
VOV