Dùng giấy bạc, giấy nến để nấu ăn có an toàn không?
Nhiều thông tin cho rằng, sử dụng giấy bạc trong chế biến thực phẩm có thể gây bệnh ung thư.
- 31-05-2023Khác biệt nhỏ trong nấu ăn giúp người Nhật có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới
- 16-04-2023Ngô Thanh Vân ngày càng ra dáng vợ đảm: Trước được phục vụ đồ ăn tận giường, giờ đích thân vào bếp nấu ăn chăm chồng
- 29-03-20236 thói quen nấu ăn rước hoạ ung thư gần như gia đình nào cũng phạm phải: Từ bỏ ngay!
Khi sử dụng nồi chiên không dầu để nướng thịt, nướng cá... nhiều gia đình có thói quen bọc đồ ăn trong một lớp giấy bạc. Lý do bởi: Giấy bạc giúp cho quá trình vệ sinh nồi sau khi nấu ăn dễ dàng hơn; giúp cho phần nước từ thực phẩm không bị chảy ra bên ngoài; hay có thể giúp cho đồ ăn chín nhanh hơn.
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng bạc là kim loại, do đó việc sử dụng giấy bạc trong nấu ăn sẽ gây ra các hậu quả không tốt cho sức khỏe. Thậm chí có thể gây nên bệnh ung thư. Vậy thực hư điều này thế nào?
Dùng giấy bạc, giấy nến để nấu nướng có an toàn không?
Trước câu hỏi "liệu giấy bạc có an toàn để sử dụng khi nấu ăn hay không", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) khẳng định: Nó an toàn. Không như nhiều người nghĩ, giấy bạc thực chất là giấy nhôm. Giấy bạc mỏng, nhẹ, giá rẻ vì thế sử dụng để bọc hay gói thức ăn trước khi chế biến rất tiện lợi. Vị chuyên gia cho biết, nguyên liệu để sản xuất ra giấy bạc chính là nhôm (Al) có độ tinh khiết rất cao. Nhờ vậy mà có thể tạo ra màng nhôm rất mỏng.
Lớp màng nhôm có ưu điểm là dẫn nhiệt tốt, giúp cho đồ ăn được chín đều, thơm ngon hơn. Từ xưa, nồi nhôm đã được sử dụng để nấu ăn, và giấy bạc cũng có hiệu quả tương tự như thế. Do đó không có chuyện dùng giấy bạc nấu nướng gây ung thư.
Dù đã có nghiên cứu cho thấy chất liệu nhôm có thể gây ra nhiễm độc thần kinh trên chuột. Tuy nhiên chuyên gia Turhan S của Đại học Ondokuz Mayis (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết: Lượng nhôm thôi vào từ giấy nhôm không gây rủi ro đến sức khỏe người dùng khi nấu nướng thực phẩm.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC Hoa Kỳ cũng cho rằng, lượng nhôm từ giấy bạc không gây rủi ro đến sức khỏe người dùng khi nấu ăn.
Nếu các gia đình không muốn sử dụng giấy bạc để bọc thực phẩm thì có thể dùng thay thế bằng giấy nến. Loại giấy này đã được tráng một lớp silicon để chịu nhiệt.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, giấy nến còn được gọi là giấy sáp. Giấy được tráng một lớp silicon để chịu nhiệt, thường được dùng trong việc làm bánh, nấu nướng và an toàn trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý rằng giấy nến chỉ nên dùng tối đa ở nhiệt độ khoảng 250 độ C.
Bên cạnh đó, các gia đình cũng không nên ăn đồ chiên, nướng quá thường xuyên. Thay vào đó phương pháp chế biến hấp, luộc... được các chuyên gia khuyến khích hơn. Trong thực đơn mỗi ngày cũng cần cung cấp đầy đủ các nhóm chất như chất xơ, tinh bột, lipid, vitamin và khoáng chất, protein.
Một vài lưu ý khi sử dụng giấy bạc trong chế biến thực phẩm
- Không để mỡ chảy tràn trên giấy, làm cho thức ăn cháy hay bị khét. Lúc này đồ ăn vừa không ngon vừa gây hại cho sức khỏe.
- Không bọc quá chặt thực phẩm vào giấy bạc, sẽ khiến đồ ăn chín không đều.
- Không nên tái chế giấy bạc. Bởi sau mỗi lần dùng giấy bạc có thể bị cháy, hoặc rách.
- Nên lựa chọn loại giấy bạc nướng đồ ăn có độ dày, tốt.
- Giấy bạc không nên cho vào lò vi sóng. Bởi giấy bạc sẽ ra gây hiện tượng bắn các tia lửa điện khi nấu trong lò vi sóng.
- Không dùng giấy bạc để lót dưới lò nướng vì có thể làm hỏng lò.
- Tốt nhất mọi người không nên dùng giấy bạc để gói thực phẩm có tính axit, có độ chua. Bởi theo các chuyên gia axit trong thực phẩm có thể phản ứng với giấy bạc nhôm. Điều này vừa khiến món ăn có hương vị kém ngon, vừa tạo điều kiện cho ion nhôm xâm nhập vào cơ thể nhanh, nhiều hơn.
Phụ nữ Việt Nam