Đừng hỏi VĐV Việt Nam chuyện thưởng Tết, họ sẽ cáu đấy: Đã không có tiền lại còn phải đóng "phí"... liên hoan Tất niên
Từ bao lâu nay, các vận động viên (VĐV) Việt Nam luôn phải chịu thiệt thòi trong chuyện lương thưởng. Họ chăm chỉ luyện tập, thi đấu từ ngày này qua ngày khác nhưng chẳng bao giờ nhận được thưởng Tết Nguyên đán.
- 12-01-2020Doanh nghiệp "xù" tiền thưởng tuyển nữ Việt Nam: Một mực khẳng định không sai, xóa luôn bài viết công bố số thưởng nóng
- 12-01-2020Bị "tổn thương", "xúc phạm", tuyển nữ VN chấp nhận để doanh nghiệp "xù" 500 triệu tiền thưởng
- 31-12-2019Làm việc cả năm chờ nhận thưởng Tết thì bị cho nghỉ việc: Đừng vội "nổi điên", hãy trả lời câu hỏi này trước đã
Có một sự thật khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là việc vận động viên thể thao không được coi là một nghề nghiệp theo quy định của nhà nước. Vì thế, những người tập luyện và thi đấu đỉnh cao nhất cũng không bao giờ có chế độ "thưởng Tết" như những công nhân - viên chức bình thường khác.
Chính vì lý do này, các sở VH-TT&DL và cả Trung tâm đào tạo vận động viên ở địa phương luôn gặp bối rối mỗi khi Tết đến xuân về. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh, các lãnh đạo đều phải tìm cách lo cho các VĐV có được một chút tiền dù ít dù nhiều. Và cũng từ đây, những chuyện dở khóc dở cười bắt đầu xuất hiện.
Như ở đội điền kinh Nam Định, trước dịp Tết, các VĐV ở ngoài thành phố được thưởng... 100 nghìn đồng, gọi là tiền xe về quê. Còn những ai có nhà ở thành phố thì coi như không có gì. Câu chuyện này đã diễn ra cả chục năm nay và chưa có dấu hiệu gì sẽ thay đổi. Hay như các VĐV Muay Thái tại Hà Nội, họ thậm chí còn chưa được thanh toán tiền thưởng khi tham gia các giải đấu từ tháng 5/2019. Rồi khi Tết nguyên đán cận kề, họ còn phải đóng tiền để tổ chức... ăn Tất niên. Đối với họ, "thưởng Tết" chẳng khác nào một giấc mơ còn khó đạt được hơn cả vô địch Olympic.
Các VĐV giành được thành tích tốt tại SEA Games thì coi như có thưởng Tết, với những người còn lại thì đó là chuyện chẳng bao giờ nghĩ đến.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở các câu lạc bộ bóng đá nữ. Đội nào có nhiều nguồn tài trợ thì có tiền thưởng, như TP. HCM chẳng hạn, còn đội nào thuộc diện "nghèo" thì coi như không có gì.
Bởi lẽ chẳng bao giờ có chế độ nên tiền được nhận nhờ đạt thành tích cao ở các giải đấu, đặc biệt là SEA Games được các VĐV coi như là một khoản thưởng Tết. Những người giành huy chương vàng như Nguyễn Thị Oanh (môn điền kinh) được nhận trên dưới 200 triệu đồng từ các nguồn khác nhau, coi như có một cái Tết ấm no, nhưng khi nói đến chuyện thưởng Tết thì cô chỉ lắc đầu, từ chối không nhắc đến vì "thưởng SEA Games cũng coi như thưởng Tết rồi". Còn những VĐV không có thành tích thì sao? Họ cũng đã đánh đổi bao sự vất vả, mồ hôi thậm chí cả nước mắt, nhưng có lẽ với họ Tết còn xa lắm.
Tuổi nghề của các VĐV đỉnh cao thường chỉ kéo dài 10-15 năm, thế nhưng họ vẫn đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Mới đây, mức đãi ngộ cho các VĐV và huấn luyện viên cũng được nâng cao hơn nhưng thế là chưa đủ để họ có được một cái Tết đủ đầy. Việc chưa được xếp vào hạng chức danh nghề nghiệp là một bất công cần được xóa bỏ càng sớm càng tốt trong tương lai để thể thao Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Nhiều VĐV ở các môn thể thao, thậm chí là cả bóng đá cũng chưa nhận được đãi ngộ xứng đáng
.
Trí thức trẻ