MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng kỳ vọng giá phân bón sẽ về lại mức trước Covid

21-01-2022 - 07:42 AM | Thị trường

Đừng kỳ vọng giá phân bón sẽ về lại mức trước Covid

Giá phân bón thế giới đầu năm 2022 tăng chậm lại, trong đó phân MAP giảm nhẹ. Tuy nhiên, với chi phí sản xuất vẫn cao và nhu cầu mạnh, dự báo hoàn lưu của cơn ‘bão giá’ phân bón của năm 2021 sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022.

Thị trường phân bón thế giới năm 2021 rơi vào vòng xoáy của bão giá trong cảnh chi phí sản xuất tăng mạnh do khủng hoảng lượng và tắc nghẽn vận tải, trong khi nhu cầu phân bón tăng mạnh đến từ nhu cầu cao đối với hàng loạt nông sản sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.

Trong số 8 loại phân bón giao dịch chủ yếu trên thế giới, có tới 5 loại tăng giá trên 100% trong năm 2021, trong đó anhydrous tăng trên 200%, UAN28 tăng 180%, urea tăng khoảng 150%, potash (kali) tăng 120%, là những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.

Đừng kỳ vọng giá phân bón sẽ về lại mức trước Covid - Ảnh 1.

Giá phân bón trong nước năm 2021 cũng tăng cao theo xu hướng giá thế giới. Tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp, giá các loại phân bón tăng từ 30% đến 40% trong năm 2021. Theo đó, phân urea Hà Bắc kết thúc năm ở mức trên 800.000 đồng/bao 50 kg; phân lân Lâm Thao – 513 ở mức 160.000 đồng/bao 25 kg; phân kali ở mức 360.000 đồng/bao 50 kg, phân NPK từ 5.000 đồng/kg tăng lên 7.000 đồng/kg.

Có nhiều yếu tố kết hợp cùng lúc đã tạo nên một "cơn bão hoàn hảo" cho thị trường phân bón thế giới năm qua.

Trước hết là giá hàng hóa cao, nhu cầu nông sản tăng khiến nông dân tăng cường sử dụng phân bón cho cây trồng ngay từ cuối năm 2020, khiến giá phân bón thế giới cũng bắt đầu tăng từ lúc đó.

Việc gia tăng bón các chất dinh dưỡng cho cây trồng đã làm cạn kiệt hầu hết các kênh cung cấp và đẩy giá phân bón tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 2/2021, một cơn lốc xoáy đã khiến nhiệt độ giảm sâu ở khắp nước Mỹ, và tình trạng mất điện diễn ra phổ biến ở các vùng phía nam, đặc biệt là ở Texas và Louisiana. Các cơ sở sản xuất phân bón ở Louisiana nằm trong số các nhà máy phải ngừng hoạt động kéo dài vì đường ống nước bị đóng băng và không có điện.

Sau đó, vào tháng 3/2021, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) đã ra phán quyết rằng nhập khẩu phân lân từ Ma-rốc và Nga đã gây ảnh hưởng đến thị trường Mỹ. Nhà sản xuất phân bón Mosaic là đơn vị thúc đẩy vụ kiện tụng này, dẫn đến mức thuế nhập khẩu lên tới từ 9% đến 47% khi vào thị trường Mỹ.

Cơn bão Ida đã đổ bộ vào khu vực Bờ biển Vịnh Mỹ trong vài ngày cuối tháng 8 và vài ngày đầu tháng 9. Giống như cơn lốc xoáy ở vùng cực vào tháng Hai, cơn bão đã gây ra thiệt hại lớn trong khu vực và một lần nữa các cơ sở sản xuất phân bón tại đây lại phải đóng cửa trong vài tuần.

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là lý do chính đẩy giá phân bón tăng trên toàn cầu.

Vào tháng 9, khi giá phân bón toàn cầu tiếp tục leo thang, Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu phân kali nhất cho đến tháng 6 năm 2022, thổi bùng cơn "sốt" giá phân bón trên toàn cầu, do Trung Quốc là nước sản xuất nhiều loại phân bón lớn trên thế giới.

Và mấu chốt của vấn đề từ đây thuộc về chi phí sản xuất. Chi phí năng lượng ngày càng tăng đã khiến chi phí sản xuất phân bón cũng tăng đáng kể. Điều này đặc biệt rõ ràng ở châu Âu, nơi các nhà sản xuất phân bón buộc phải đóng cửa các cơ sở do không có lợi nhuận. Tắc nghẽn vận tải khiến cho tình hình càng thêm nghiêm trọng.

Giá than và khí đốt tự nhiên cao kỷ lục lịch sử dẫn đến cuộc khủng hoảng điện nghiêm trọng từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc trong năm 2021.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á đã tăng hơn 200%, trong khi giá hợp đồng tham chiếu của mặt hàng than cũng trên thị trường Châu Á tăng gấp đôi. Nhu cầu LNG toàn cầu tăng 20 triệu tấn trong năm 2021 so với năm liền trước, trong đó châu Á chiếm gần như toàn bộ mức tăng này, trong đó hơn 20% mức tăng nhu cầu đến từ Trung Quốc, khiến thị trường này trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới, vượt qua Nhật Bản.

Tương tự dầu, giá khí tự nhiên tại Mỹ có năm tăng mạnh nhất 5 năm, chủ yếu do nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh. Theo đó, giá khí tự nhiên trên sàn New York tăng 47% năm 2021, là năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.

Giá than đá năm qua cũng tăng hơn 60% do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu.

Giá dầu toàn cầu cũng tăng khoảng 50% đến 60% trong năm 2021, theo đó dầu Brent đạt 86,7 USD/thùng – cao nhất kể từ năm 2018 và dầu WTI đạt 85,41 USD/thùng – cao nhất kể từ năm 2014.

Đừng kỳ vọng giá phân bón sẽ về lại mức trước Covid - Ảnh 2.

Giá các loại phân bón chủ chốt.

Bước sang năm 2022, thị trường phân bón thế giới có dấu hiệu tăng chậm lại. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ lại nóng lên, giá khí gas và than đá vẫn ở mức cao, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải mất một thời gian nữa mới được khơi thông về mức bình thường trong khi nhu cầu nông sản tiếp tục mạnh sẽ khiến tình trạng mất cân đối cung – cầu phân bón còn tiếp tục kéo dài thêm nhiều tháng.

Giá kali trên thị trường thế giới có thể sẽ tăng nhanh trở lại sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Công ty Kali Belarus (BPC). Trong khi đó, để đảm bảo nguồn cung trong nước, các nước sản xuất phân bón lớn như Trung Quốc, Nga hay Ai Cập vẫn đang hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu phân urea. Tại Trung Quốc, nhằm mục tiêu giữ cho bầu trời xanh trong vào dịp Thế vận hội mùa đông sắp tới, nước này vẫn đang sẵn sàng yêu cầu các nhà máy phải tạm dừng sản xuất trong một giai đoạn nhất định để hạn chế ô nhiễm không khí. Năm ngoái, quốc gia này đã hạn chế xuất khẩu phân bón từ cuối năm ngoái để giúp bảo vệ nguồn cung trong nước.

Với việc các yếu tố thúc đẩy giá phân bón tăng trong năm 2021 vẫn tồn tại kéo dài sang năm 2022, dự báo thị trường phân bón thế giới năm nay sẽ vẫn trong tình trạng giá cao và nguồn cung khan hiếm.

Tham khảo: DTN

https://cafef.vn/dung-ky-vong-gia-phan-bon-se-ve-lai-muc-truoc-covid-2022012022502116.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên