MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng mặc định tín dụng tiêu dùng thì lãi suất phải cao

20-05-2020 - 15:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS. Cấn Văn Lực, sau Covid-19, các doanh nghiệp và công ty tài chính đã đến lúc rà soát lại chiến lược kinh doanh của mình. Bởi lẽ tư duy khách hàng giờ đây đã khác, có nhiều xu hướng mới, thị hiếu mới xuất hiện và các tổ chức tín dụng phải có những sản phẩm mới may đo phù hợp với khách hàng

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
287 bài viết

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm trực tuyến về Thúc đẩy cho vay cá nhân hậu Covid-19 diễn ra sáng 20/5 trên kênh thông tin tài chính CafeF, TS. Cấn Văn Lực và Luật sư Trương Thanh Đức đều chung nhận định rằng tiềm năng của cho vay tiêu dùng vẫn còn rất lớn. "Có thể năm nay sẽ bị ảnh hưởng đôi chút do tác động của dịch bệnh nhưng vài năm tới thì tín dụng tiêu dùng vẫn là gà đẻ trứng vàng, thậm chí còn đẻ nhiều và trứng to" - luật sư Trương Thanh Đức nhận xét vui.

TS. Cấn Văn Lực phân tích, tiềm năng triển vọng về tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam còn tương đối sáng sủa so với nhiều nước, đâu đó khoảng 4 -5% - là mức cao nhất trong khu vực. Trong khi đó quy mô của tiêu dùng cá nhân là rất lớn, tương đương 80% GDP. Hiện cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, tính cả cho vay mua nhà sửa nhà, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ, còn nếu bóc tách ra tín dụng bất động sản nhà ở thì cho vay tiêu dùng chỉ khoảng 12% tổng dư nợ - ở mức thấp so với trung bình, so với Trung Quốc 21%. Bởi vậy dư địa để tín dụng tiêu dùng phát triển là rất đáng kể.

Ngoài ra, văn hóa vay mượn của người tiêu dùng cũng thay đổi. Người sẽ sẵn sàng đi vay nhiều hơn cho nên cũng sẽ là điều kiện để thúc đẩy cho vay tiêu dùng.

Nhưng làm sao để thúc đẩy được tài chính tiêu dùng? Theo Luật sư Trương Thanh Đức, muốn cho vay nhiều thì phải có thủ tục nhanh chóng, đơn giản, dễ dàng, tức là phải có phần mềm, chuyên gia để tập hợp dữ liệu, chấm điểm tiêu chí khách hàng phù hợp, an toàn. Riêng các công ty tài chính muốn đẩy mạnh tài chính tiêu dùng mà cứ ngồi chờ khách hàng tìm đến như ngân hàng thì khó cho vay được.

Đừng mặc định tín dụng tiêu dùng thì lãi suất phải cao - Ảnh 1.

Luật sư cũng lưu ý các doanh nghiệp cần phải tạo ra nhiều sản phẩm, chương trình, đặc biệt cần liên kết với các nhà cung ứng, bán hàng. "Khi vay tiêu dùng, khách hàng rất hạn chế mang tiền về rồi tiêu pha không rõ ràng. Do đó, cần có sự liên kết với nhà phân phối để có thể hỗ trợ nhau quản lý".

Ngoài ra, Luật sư Đức đặc biệt lưu ý đến việc phải tạo ra sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Theo ông hiện nay số lượng tổ chức cho vay tín dụng tiêu dùng chính chưa nhiều, dẫn đến ít cạnh tranh. Trong khi đó nhu cầu vay vốn của người dân lại lớn, đặc biệt là những người không đủ điều kiện để vay ngân hàng, nên tín dụng đen phát triển là tất yếu vì không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Bởi vậy cần phải phát triển thêm các tổ chức tín dụng cả về số lượng và mô hình. Để có được điều đó thì cơ quan quản lý cần phải khuyến khích về cơ chế, về thị trường để nhiều người tham gia vào.

TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng, sau Covid-19, đã đến lúc các doanh nghiệp và công ty tài chính rà soát lại chiến lược kinh doanh của mình. "Tư duy giờ đã khác rồi vì nhiều xu hướng mới, thị hiếu mới xuất hiện và phải có những sản phẩm mới may đo phù hợp với khách hàng" - ông nói.

Ngoài ra, các công ty tài chính cũng phải quan tâm hơn đến phát triển nền tảng công nghệ. Nhiều công ty hiện vẫn còn quản lý thủ công, tốn kém, dẫn đến buộc phải đẩy lãi suất cao lên. "Các công ty tài chính cần cân đối giữa rủi ro và lãi suất. Không mặc định tín dụng tiêu dùng thì lãi suất phải cao (hiện nay dải lãi suất tiêu dùng từ 20 - 50%/năm). Nếu quản lý hiệu quả, giảm được các gánh nặng trong vận hành thì vẫn đưa ra được mức lãi suất hợp lý cho người dân, tăng mối quan hệ bền vững với người dân".

Nhóm PV

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên