MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng mong giảm lãi suất cho vay!

21-03-2018 - 13:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong điều kiện nguồn cầu về vốn tăng mạnh, lãi suất Mỹ đang có xu hướng tăng thì Việt Nam khó đạt mục tiêu giảm lãi suất.

Hội thảo kinh tế thường niên với chủ đề "Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh" do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã diễn ra sáng 20-3, tại TP HCM.

Các chuyên gia nhận định năm 2018, nền kinh tế sẽ tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, yếu tố lãi suất, dòng tiền khối ngoại sẽ tác động rất lớn đến thị trường tài chính, tiền tệ, đặc biệt là thị trường chứng khoán (TTCK).

Bài toán khó

Trình bày tại hội thảo, chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành cho rằng vấn đề lãi suất và tỉ giá là biến số khó lường nhất trong điều hành chính sách tài chính tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Nghị quyết mới đây của Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang có xu hướng tăng lãi suất USD, áp lực lạm phát đang gia tăng. Do đó, làm sao có thể đạt mục tiêu này mà vẫn kiểm soát lạm phát dưới 4% là điều không hề dễ dàng.

Đừng mong giảm lãi suất cho vay! - Ảnh 1.

Các chuyên gia kinh tế nhận định hiện có nhiều yếu tố khiến lãi suất khó giảm như mục tiêu đề ra Ảnh: TẤN THẠNH

Dưới góc nhìn của TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, giảm lãi suất là mục tiêu, mong muốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp (DN) nhưng nền kinh tế chúng ta kinh doanh trên nợ, tức là nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu, DN muốn đầu tư phải đi vay ngân hàng (NH). Các NH cung cấp vốn ngắn hạn, trung - dài hạn cho nền kinh tế là chủ yếu. Và quan hệ cung - cầu phụ thuộc rất lớn vào NH. Do đó, muốn giảm lãi suất, NH Nhà nước cần mở rộng chính sách tiền tệ, tăng tái chiết khấu, tăng cho vay… nhưng lại phải kiểm soát lạm phát. "Tôi cho rằng trong năm nay, nếu giữ được mức lãi suất như cuối năm 2017 đã là tương đối tốt. Cùng với đó, cộng đồng DN nên cơ cấu lại tài chính để giảm tỉ lệ vay bởi cầu tín dụng tăng mà muốn giảm lãi suất là rất khó" - ông Lịch nói.

Trong khi đó, TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh đến những khó khăn của các NH thương mại trong câu chuyện giảm lãi suất. "Họ vẫn phải giữ chênh lệch đầu ra - đầu vào lãi suất với tỉ lệ tương đối để có chi phí trang trải, cân đối cho các khoản nợ xấu trước đây. Nếu năm nay có giảm lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động. Nhưng hạ rồi lại lo có thu hút được tiền gửi nữa hay không, hay tiền chuyển ra các kênh khác?" - ông Ngoạn đặt vấn đề.

Thực tế, thị trường tài chính chịu tác động rất lớn từ lãi suất, tình hình tài chính, nợ xấu của các NH. Trong khi vẫn còn nhiều NH chưa xử lý xong nợ xấu, thanh khoản còn khó khăn nên mới có chuyện lãi suất của các NH thương mại chênh nhau đến 2%. Vì vậy, theo ông Võ Trí Thành, việc giảm lãi suất thời gian tới thật sự là bài toán khó.

Tiền chảy nhiều vào bất động sản và chứng khoán

Các chuyên gia cũng cho rằng dòng vốn nước ngoài và chứng khoán thế giới vừa qua tác động rất lớn đến TTCK Việt Nam. Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cán cân thanh toán hiện nay tương đối tốt nhưng nếu chứng khoán lại biến động lớn thì có thể nói là đáng quan ngại. Vì cùng một thời gian ngắn, dòng tiền "vào - ra" quá nhanh sẽ ảnh hưởng đến TTCK, tạo sức ép lớn đến lượng dự trữ ngoại hối. "Dự trữ ngoại hối đang ở mức đủ cho 12 tuần xuất nhập khẩu nhưng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK hiện nay không phải quá tốt, chưa an toàn" - ông Hải nhận định.

Nói về vấn đề này, ông Vũ Viết Ngoạn nhận xét thị trường tài chính thế giới và Việt Nam thời gian qua rất "hưng phấn". "Tám năm qua, kể từ 2009 đến nay, các NH trung ương thế giới đã đưa ra một lượng tiền khá nhiều. Trong khi đó, GDP của các nền kinh tế này tăng không tương xứng. Điều này có nghĩa một lượng tiền bơm ra đã không đưa vào nền kinh tế thực mà đổ vào bất động sản và chứng khoán. Muốn điều hành chính sách tiền tệ trở thành bình thường, chắc chắn TTCK sẽ bị ảnh hưởng" - ông Ngoạn đánh giá.

Ông Ngoạn cũng nhấn mạnh quy mô thị TTCK Việt Nam hiện đã lớn với vốn hóa chiếm 70% GDP và tỉ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài lớn hơn rất nhiều so với 10 năm trước. Một khi dòng vốn ngoại bị rút đột ngột sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. "Việt Nam luôn đặt ra yêu cầu phát triển, vĩ mô tốt nhưng các "cú sốc" từ bên ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta nên các nhà đầu tư phải lưu tâm, đừng hưng phấn quá" - ông Ngoạn khuyến cáo.

Theo Sơn Nhung

Theo Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên