Đùng một cái gánh nợ dù không vay đồng nào
Chỉ đến khi nhận được tin nhắn đòi nợ của công ty tài chính hoặc đến ngân hàng vay vốn, khách hàng mới ngã ngửa mình đang là con nợ.
- 08-08-2018NHNN: Sẽ thanh tra đột xuất các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng
- 07-08-2018Một năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu
- 06-08-2018Bỗng dưng vướng nợ xấu
- 03-08-2018Kiểm soát nợ công tạo dư địa cho tăng trưởng
Mới đây Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) đã lên tiếng cảnh báo về các chiêu lừa gạt NTD bằng cách giả danh nhân viên của các công ty tài chính (CTTC) để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Các CTTC cũng cho hay đến thời điểm hiện tại đã nhận được hàng trăm đơn tố cáo của khách hàng đối với các đối tượng lừa đảo tại Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long, TP.HCM…
Không vay nhưng gánh nợ
Bà Nguyễn Thị Lan (56 tuổi) ở Vĩnh Long kể: Cuối năm ngoái có một số nhân viên của một CTTC đến tận nhà bà nhắc nợ. Họ nói khoản tiền bà vay để mua laptop đã quá hạn trả nợ từ lâu, giờ đây bị xếp vào nhóm nợ xấu.
“Sự việc khiến tôi sốc thực sự. Thực tế tôi từng có ý định vay tiêu dùng qua một trung tâm cho vay tài chính trên địa bàn nhưng sau khi gửi đầy đủ các giấy tờ như CMND, hộ khẩu, hóa đơn tiền điện… thì nhận được thông báo là tôi không đủ điều kiện để vay. Vậy tại sao bây giờ bỗng dưng nhân viên CTTC lại đến đòi tiền của tôi?” - bà Lan bức xúc.
Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Hùng ở Hà Nội chia sẻ: Cách đây khoảng nửa năm, có một người tự xưng là nhân viên của CTTC gọi điện thoại và tư vấn về các khoản vay tài chính. Do bản thân lúc đó đang có nhu cầu vay nên anh Hùng sẵn sàng làm theo các hướng dẫn của nhân viên này.
“Nhân viên yêu cầu tôi trước mắt chỉ cần gửi hình ảnh giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, hộ khẩu, bảng lương… qua Facebook là được. Sau đó công ty sẽ xem xét hồ sơ, nếu đủ điều kiện vay thì lúc đó tôi mới cần đến công ty ký các giấy tờ để hoàn tất thủ tục vay” - anh Hùng kể.
Nhu cầu vay tiêu dùng để mua ô tô, máy tính, điện thoại… ngày càng tăng mạnh. Ảnh minh họa: TL
Nghe hợp lý nên anh Hùng chụp tất cả giấy tờ mà nhân viên tự xưng của CTTC yêu cầu rồi gửi cho người này. Vài ngày sau anh nhận được thông báo hồ sơ không đủ tiêu chuẩn để vay tiền mặt.
Thế nhưng đùng một cái gần đây khi đến ngân hàng hỏi về thủ tục vay vốn, anh Hùng được nhân viên ngân hàng thông báo rằng “không thể vay nếu không trả xong khoản nợ xấu gồm cả gốc và lãi hơn 20 triệu đồng đang bị treo lơ lửng ở CTTC”.
“Quá hoảng hốt, ngay lập lức tôi liên lạc với CTTC thì được biết là tôi đã vay nhưng chưa từng trả nợ bất cứ một đồng nào. Rất may sau khi chứng minh với CTTC là tôi không hề vay một đồng nào, tôi mới được minh oan” - anh Hùng cho biết.
Theo các CTTC, đối với một số trường hợp bỗng nhiên bị các CTTC đòi nợ trong khi thực tế họ chưa từng làm thủ tục vay vốn thì phía công ty sẽ xem xét, gỡ tên khỏi hệ thống tín dụng. Qua đó để không bỏ sót bất cứ một khách hàng nào bị mắc nợ oan. Tuy vậy, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) cho rằng với những trường hợp như trên, các CTTC sẽ không dễ có cơ sở để hỗ trợ NTD.
Để đừng sập bẫy
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, “chiêu” của đối tượng lừa đảo là liên hệ với NTD qua Facebook, điện thoại, tự nhận là nhân viên CTTC và tư vấn làm hồ sơ vay tiền. Họ đưa ra các thông tin ưu đãi về chương trình cho vay nhằm thuyết phục khách hàng vay.
Đồng thời họ làm giả hợp đồng giải ngân kiêm khế ước nhận nợ với con dấu giả, làm giả bảng ước tính số tiền phải trả hằng tháng để tạo lòng tin cho khách hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Thậm chí họ còn làm giả thẻ nhân viên công ty để chiếm lòng tin của khách hàng.
“Sau khi nộp phí xử lý hồ sơ theo hướng dẫn, NTD không thể liên hệ được với đối tượng. Khi kiểm tra lại thông tin tại công ty thì phát hiện bị đối tượng mạo danh công ty để lừa đảo” - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD nêu rõ.
Đáng chú ý, những đối tượng lừa đảo hoạt động theo đường dây trải dài trên khắp cả nước. Ông Lý Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm An ninh của FE Credit - đơn vị có chức năng kiểm soát gian lận, lừa đảo…, cho biết thêm: Thủ đoạn chung của bọn chúng là khi có khách hàng liên hệ, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp hình ảnh và các giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, bảng lương, hóa đơn tiền điện, nước, bằng lái xe… và gửi qua mạng xã hội. Nhưng các đối tượng báo lại cho khách hàng không đủ điều kiện vay.
“Từ hình ảnh và các giấy tờ tùy thân của khách hàng đã cung cấp, các đối tượng đã sử dụng thông tin giả mạo về nhân thân của người khác, dùng nhiều hộ khẩu, CMND và một số giấy tờ khác sau đó cắt ghép hình ảnh nhằm hoàn thiện thủ tục vay (trong khi khách hàng lãnh đủ - PV)” - ông Anh nói.
Không tiếp nhận tư vấn vay tiêu dùng qua mạng xã hội Nhằm ngăn chặn tình trạng NTD bị lừa đảo khi vay tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD khuyến cáo: NTD không nên tiếp nhận tư vấn vay tiêu dùng qua mạng xã hội hoặc cung cấp các thông tin cá nhân trên mạng xã hội vì đối tượng có thể lợi dụng để khai thác thông tin và lừa đảo; không nên thực hiện việc xử lý hồ sơ tại nhà, chỉ thực hiện tại các điểm giới thiệu dịch vụ của công ty và có thể tham khảo thông tin này trên trang web hoặc tổng đài của công ty. Nên tiếp nhận thông tin tư vấn từ số máy bàn của công ty hoặc tổng đài, hạn chế tiếp nhận thông tin tư vấn từ số điện thoại di động; tìm hiểu kỹ về việc công ty có yêu cầu cung cấp giấy tờ bản gốc hay không… |