Đừng mua thịt nóng, mua thịt đông lạnh mới được ăn thịt sạch!
“Đối với khâu tiêu thụ sản phẩm, phải để người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng thịt nóng sang sử dụng thịt mát, cấp đông”.
- 14-09-2016Bắt giữ 2 tấn thịt trâu đông lạnh nhập lậu vào Việt Nam
- 03-04-2016Trét máu heo lên thịt trâu đông lạnh để thành... thịt bò
- 24-11-2015Bắt hơn 3 tấn thịt đông lạnh tạm nhập tái xuất quay lại Việt Nam
Theo chủ tịch Hiệp hội siêu thị Việt Nam- Đinh Thị Mỹ Loan, mặc dù chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn nhưng trong bối cảnh thị trường thực phẩm hiện nay, người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn khi lựa chọn thực phẩm sạch cho gia đình.
Tại một sự kiện kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thực phẩm an toàn, chất lượng, bà Loan đánh giá, liên kết giữa các nhà sản xuất- phân phối bán lẻ còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Hiện nay thực phẩm tiêu thụ chủ yếu qua kênh truyền thống (chợ, chợ cóc..) chiếm gần 85%, khó kiểm soát được chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh hiện đại như siêu thị, đại siêu thị mới chỉ chiếm 15%.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chia sẻ, hiện nay có nhiều điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi sống ở các khu dân cư, chợ truyền thống, chợ cóc, chợ dân sinh do chi phí thấp nên mặc dù chất lượng vệ sinh ATTP có thể chưa đảm bảo nhưng cạnh tranh về giá đối với cửa hàng thực phẩm bảo đảm.
Hệ thống cửa hàng tiện ích là nơi tiêu thụ chính sản phẩm của chuỗi nhưng ở nước ta 69.000 người mới có 1 cửa hàng tiện tích, còn ở Hàn Quốc là 1.800 dân có 1 cửa hàng.
Bên cạnh đó, đối với khâu giết mổ, sơ chế bảo quản: các cơ sở giết mổ công nghiệp với dây chuyền lớn, hiện đại được nhập khẩu từ các nước phát triển hiện nay không hoạt động được do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân do chưa liên kết tốt từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, vì hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và các cơ sở chế biến tự nhập lợn mảnh của các lò thủ công về gói bán.
Về phía người tiêu dùng, ông Đăng cho rằng tập quán người tiêu dùng, người dân chưa quen sử dụng thịt mát, thịt cấp đông và có thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống.
Vì thế đưa ra giải pháp tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất ông Đăng cho rằng cần tổ chức tuyên truyền thay đổi tập quán thói quen của người tiêu dùng sử dụng thịt mát, cấp đông.
Các doanh nghiệp cũng cần tiếp cận ngay công nghệ sản xuất này, hiện nay các sản phẩm thịt mát, cấp đông chưa sản xuất theo đúng quy trình. Theo đó, quy trình làm mát thịt từ sau khi giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, thịt sẽ tự động chuyển vào khu làm mát từ 0 đến 4 độ, trong thời gian 8-12 tiếng sau đó mới pha lóc đóng khay thịt mát hoăc đóng gói thành sản phẩm đưa vào cấp đông.
Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc công ty CP thực phẩm Vinh Anh cho biết, công ty có dây chuyền giết mổ với công suất 1.000 con/ngày. Nhà máy có khu xử lý nước thải tự động, hệ thống kho mát, sơ chế đóng gói... Tuy nhiên hiện nay mỗi ngày nhà máy chỉ giết mổ được 80- 100 con. Do thói quen của thị trường dùng thịt nóng, không phù hợp với mô hình giết mổ công nghiệp.
Theo ông, để đảm bảo VSATTP, vệ sinh môi trường hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều giết mổ công nghiệp thịt sau khi giết mổ làm mát mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Trong khi đó ở Việt Nam, thịt tươi được bán ở các chợ truyền thống là chủ yếu, chiếm 80% thị phần, khó đảm bảo VSATTP.
Tại Hội nghị, ông Tạ Văn Tường, Giám đốc trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng nếu chúng ta sợ làm thịt cấp đông không cạnh tranh được với thịt nước ngoài là sai lầm. Nếu cứ giữ quan điểm như vậy ngành chăn nuôi sẽ chết dần chết mòn. Mặt khác, ông Tường cũng khẳng định rằng thịt ôi chính là thịt ở chợ truyền thống còn thịt tươi chính là thịt cấp đông.
Infonet