MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng nghĩ hồ sơ xin việc cứ có ngoại ngữ là tốt, bạn chỉ nên ghi vào trong duy nhất trường hợp này

23-11-2018 - 07:19 AM | Sống

Ngoại ngữ vẫn luôn là một yếu tố cần thiết trong hồ sơ xin việc của mỗi ứng viên. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng có thể trở thành “con dao hai lưỡi” ngăn cản bạn đến với công việc trong mơ của mình nếu không được dùng một cách đúng đắn.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như hiện nay, việc nói được ngoại ngữ thực sự rất có giá trị. Nhưng nếu bạn đang muốn thêm vào hồ sơ xin việc của mình một ngôn ngữ mà bạn còn chẳng dùng từ năm lớp 7, thì đây là lời khuyên: đừng!

Nếu bạn không nói được trôi chảy, mà đó cũng không phải là ngôn ngữ bạn học để phục vụ cho nghề nghiệp chuyên môn, thì “nó không nên có trong hồ sơ xin việc của bạn”, Amanda Augustine – một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp của TopResume cho biết.

Để xác định trình độ ngoại ngữ, Augustine khuyên chúng ta nên tự hỏi bản thân: Liệu tôi có thể đi du lịch đến một đất nước mà ở đó chỉ nói duy nhất một thứ tiếng, và liệu tôi có thể giao tiếp trôi chảy với họ mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào?

Nếu câu trả lời của bạn là không, bạn nên bỏ ngay ngôn ngữ đó ra khỏi hồ sơ của mình.

Đừng nghĩ hồ sơ xin việc cứ có ngoại ngữ là tốt, bạn chỉ nên ghi vào trong duy nhất trường hợp này - Ảnh 1.Nếu bạn không nói được trôi chảy một ngoại ngữ, đừng ghi nó vào trong hồ sơ xin việc của mình.

Theo Augustine, việc biết nói hai hay nhiều ngoại ngữ khác nhau rất có lợi, nhưng bạn sẽ mất nhiều hơn là được nếu bạn không thành thạo ngôn ngữ đó như bạn nói.

“Điều đó còn phụ thuộc vào việc nó có vai trò thế nào đối với bạn”, vị chuyên gia tư vấn nghề nghiệp này cho biết. Theo bà, nếu bạn thành thạo một ngoại ngữ nhưng ngoại ngữ đó lại không giúp ích gì cho công việc của bạn, thì đừng thêm vào trong hồ sơ xin việc làm gì.

Hãy cẩn thận vì rất có thể nhà tuyển dụng cũng nói cùng một ngoại ngữ giống bạn. Họ sẽ muốn kiểm tra năng lực ngoại ngữ của bạn, nhất là với những ngoại ngữ thông dụng. Nếu bạn không thể giao tiếp một cách trôi chảy, họ sẽ nghi ngờ bạn và cả những gì bạn viết trong hồ sơ của mình.

Nếu bạn được tuyển mà không cần phải kiểm tra đầu vào thì cũng đừng vội mừng. Đến một lúc nào đó, rất có thể công ty bạn sẽ mở rộng sang một quốc gia khác và làm ăn với các đối tác không nói cùng một ngôn ngữ. Khi ấy, cấp trên của bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra việc bạn nói dối, và đó không phải là một điều đáng để bạn mạo hiểm, nhất là khi ngay từ đầu công việc của bạn không hề đòi hỏi ngoại ngữ đó.

Theo Augustine, đối với những công việc mà ngoại ngữ hai là yêu cầu bắt buộc và có vai trò quan trọng, bạn nên tự hỏi bản thân liệu rằng bạn có thoải mái khi thực hiện buổi phỏng vấn bằng ngoại ngữ đó hay không. Bà cũng khuyến khích các ứng viên tự hỏi liệu rằng họ có thể tiến hành một thương vụ kinh doanh bằng ngoại ngữ hai đó hay không.

Đừng nghĩ hồ sơ xin việc cứ có ngoại ngữ là tốt, bạn chỉ nên ghi vào trong duy nhất trường hợp này - Ảnh 2.Bạn nên tập trung vào những kỹ năng liên quan đến công việc, hơn là một ngoại ngữ mà bạn dùng đến.

Đối với những người có thể nói trôi chảy như người bản xứ, việc thể hiện khả năng của mình hoàn toàn không gây bất lợi gì. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, hồ sơ xin việc không có nhiều chỗ trống nên bạn vẫn nên ưu tiên các kỹ năng khác liên quan đến công việc hơn.

Nếu bạn vẫn muốn bổ sung ngoại ngữ vào hồ sơ, đừng quên cho nhà tuyển dụng biết chính xác mức độ thành thạo của bạn, chẳng hạn như bạn có thể nói trôi chảy hay chỉ đủ để giao tiếp thông thường. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng, những miêu tả như vậy là hoàn toàn chủ quan và có thể gây hiểu nhầm.

Dù bạn quyết định như thế nào đi chăng nữa, nếu bạn cứ cố gắng giả vờ như mình giỏi ngoại ngữ hơn trình độ thực sự thì “bạn chẳng thể nào có được công việc đó đâu”, Augustine khẳng định.

“Bạn cần phải tự quảng bá bản thân mình, đúng vậy. Nhưng nếu nó không thực sự giúp ích cho hồ sơ của bạn, hãy mạnh dạn bỏ nó đi” - Augustine khuyên.

Ngọc Hà

CNBC

Trở lên trên