Dùng ô tô riêng tại Nhật: 'Quá khổ vì thuế phí và chỗ đỗ'
Việc sở hữu và sử dụng ô tô riêng tại Nhật cực kỳ tốn kém và phức tạp. Các loại thuế liên quan tới ô tô tại Nhật Bản đều khá nặng và nhiều thủ tục, giấy tờ, bất chấp sửa đổi hỗ trợ người dân mới thực hiện hồi năm 2019.
- 15-12-2022Thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 hướng tới mốc doanh số chưa từng có
- 14-12-2022Ô tô chở tiền được thanh lý với giá siêu rẻ, chỉ hơn 200 triệu đồng
- 13-12-202210 ô tô bán chạy nhất tháng 11/2022: Corolla Cross dẫn đầu, tân binh đến từ Ford "gây sốt"
Sở hữu ô tô riêng tại Nhật là một việc nhiêu khê và tốn kém hơn rất nhiều so với tưởng tượng - Ảnh: Jalopnik
Nhật Bản có thể là nơi sinh ra những thương hiệu xe lớn nhất thế giới, nhưng người dùng nước này nếu muốn sử dụng ô tô không phải xe kei cỡ nhỏ, đều gặp phải những rào cản không dễ vượt qua. Phóng viên tờ Jalopnik trong tháng 11 đã có dịp trải nghiệm thực tế những nỗi khổ của người Nhật Bản trong việc sở hữu ô tô.
Đầu tiên, các loại thuế liên quan tới ô tô tại Nhật Bản đều khá nặng và nhiều thủ tục, giấy tờ, bất chấp sửa đổi hỗ trợ người dân mới thực hiện hồi năm 2019. Ngay khi mua xe, người dùng sẽ phải trả thuế tiêu thụ có giá trị từ 5 - 8% một lần duy nhất.
Tiếp đến, họ phải trả thuế... cân nặng. Trọng lượng xe sẽ bị đánh thuế 4.100 yen (716.000 đồng) mỗi nửa tấn, ví dụ một người mua Toyota Camry sẽ phải đóng khoảng 2,15 triệu đồng. Vấn đề là loại thuế này không phải đóng một lần duy nhất như thuế tiêu thụ đặc biệt, người dùng phải đóng một lần mỗi 3 năm với con số tăng dần. Khi xe bước sang tuổi thứ 18, thuế trên sẽ tăng gấp rưỡi (6.300 yen/500kg).
Xe kei được người dân Nhật chuộng cũng là vì bắt buộc vì dung tích động cơ nhỏ và trọng lượng nhẹ, giúp chúng giảm được rất nhiều thuế phí đi kèm - Ảnh: Jalopnik
Loại thuế tiếp theo áp lên ô tô là thuế động cơ hằng năm: 29.500 yen (khoảng 5,15 triệu đồng) cho xe chạy động cơ dung tích dưới 1.000cc. Thuế này khiến những ai muốn chơi xe thể thao phải rất cân nhắc, chẳng hạn Chevy Camaro SS chạy động cơ V8 6.2L buộc người dùng phải đóng 111.000 yen (khoảng 19,4 triệu) hằng năm. Sau 13 năm dùng xe, thuế trên tự động tăng 20%.
Chưa dừng lại ở đó, mỗi tỉnh ở Nhật lại có thêm một (hoặc nhiều) thuế liên quan tới ô tô khác. Để tiện cho người dùng tính toán, website các hãng thậm chí còn có cả... bộ tính thuế tổng cho phương tiện họ mua.
Bỏ qua vấn đề thuế, việc tìm chỗ đỗ và chi phí tại Nhật, nhất là ở các thành phố lớn, là không dễ dàng (đặc biệt là khi Nhật không cho phép đỗ xe ngoài đường qua đêm). Theo Hãng Japan Property Central, người dùng xe tại Tokyo mất trên 100.000 yen (17,5 triệu đồng) để đỗ xe hằng tháng, tăng lên 170.000 yen (29,7 triệu đồng) tại các khu dân cư cao cấp.
Phí và quy trình kiểm duyệt The Shaken cũng là yếu tố khiến nhiều người muốn mua xe (đặc biệt là ai muốn độ xe) cảm thấy chùn bước. Mỗi xe được đăng kiểm đều phải trải qua công đoạn kiểm duyệt gắt gao từ kiểm tra thiệt hại/gỉ sét, gạt mưa, lốp, mâm, khí thải...
Chỗ đỗ xe và chi phí đi kèm tại các đô thị lớn ở Nhật Bản không hề dễ chịu - Ảnh: Jalopnik
Xe mới mua được kiểm duyệt một lần cho 3 năm đầu, sau đó mỗi 2 năm người dùng phải mang xe đi kiểm duyệt tiếp. Khi xe vượt quá 10 tuổi, quá trình này phải được thực hiện mỗi năm một lần. Dù mất phí (khoảng 500 USD/lần), quy trình kiểm duyệt này cũng sẽ tự động thay mới một số linh kiện cơ bản cho người dùng để đảm bảo chất lượng xe luôn ở mức đạt chuẩn.
Những chủ xe độ muốn phương tiện kiểm duyệt thành công thường phải... đưa xe về nguyên bản rồi lại độ lại sau mỗi lần kiểm duyệt.
Cuối cùng, phí cầu đường của Nhật Bản được cho là cũng khá khắc nghiệt với túi tiền người dùng. Phóng viên Jalopnik lái xe trên cao tốc 3 tiếng từ Tokyo tới Nagano và riêng khoản phí họ phải trả là 80 USD.
Tuổi Trẻ