MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quên có đến 7 mã cổ phiếu với gần 440 triệu cổ phiếu lên sàn trong tuần tới

Trong số đó có những cổ phiếu đang được nhà đầu tư chờ đợi như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cấp nước của Vinaconex…

Tuần mới sàn UpCOM sẽ đón nhận đến 7 mã cổ phiếu mới với gần 437,3 triệu cổ phiếu mới chào sàn. Trong số đó có nhiều mã cố phiếu đặc biệt được các nhà đầu tư quan tâm.

Tập đoàn Lộc Trời (LTG) được định giá khoảng 3.700 tỷ đồng khi lên sàn

Đáng chú nhất trong tuần tới có lẽ là Tập đoàn Lộc Trời. Lên giao dịch trên UpCOM ngay từ thứ 2 đầu tuần với giá chào sàn 55.000 đồng/cổ phiếu – Lộc Trời được định giá khoảng 3.700 tỷ đồng.

Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, doanh nghiệp đứng đầu ngành Bảo vệ thực vật cả nước. Năm 2010 Lộc Trời bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực chế biến và kinh doanh lúa gạo với các sản phẩm như gạo thực dưỡng Vibigaba, rượu Vibigaba, nước uống dinh dưỡng từ gạo…và đang nổi tiếng với thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời.

Sau khi đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch, Lộc Trời sẽ trở thành công ty nông nghiệp lớn nhất trên cả 3 sàn chứng khoán HOSE, HNX và UPCOM tính theo doanh thu năm 2016.

Xét về thị phần, tập đoàn là nhà sản xuất và phân phối thuốc bảo vệ thực vật và các hợp chất dinh dưỡng cây trồng lớn nhất và là nhà cung cấp giống lớn thứ 2 Việt Nam. Lợi nhuận thu về 2 năm gần đây của công ty lần lượt 319 tỷ đồng và 348 tỷ đồng. Doanh thu lần lượt 7.855 tỷ đồng và 7.783 tỷ đồng.

Công ty kinh doanh nước của Vinaconex chào sàn với giá 60.600 đồng/cổ phiếu

Ngày 26/7 CTCP Viwaco – công ty kinh doanh nước của Vinaconex sẽ đưa 8 triệu cổ phiếu VAV lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 60.600 đồng/cổ phiếu. Với giá này, Viwaco được định giá khoảng 480 tỷ đồng ngày chào sàn.

Viwaco được thành lập tháng 12/2004 với mục đích tiếp nhận và phân phối 1 phần nước sạch tại dự án xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đà. Hiện Viwaco đang cung cấp nước cho gần 130.000 khách hàng với công suất cấp nước đạt 180.000m3/ngày đêm.

Năm 2016 Viwaco đạt 464 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế thu về trên 90 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với năm trước đó.

CTCP Đầu tư Kinh doanh Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (HTE)

CTCP Đầu tư Kinh doanh Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (Tradincorp) sẽ đưa 23.608.165 cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ 24/7/2017 với mã chứng khoán HTE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.000 đồng/cổ phiếu.

Tradincorp thành lập tháng 9/2007 với vốn điều lệ đăng ký 450 tỷ đồng sau đó đến tháng 12/2008 đã điều chỉnh theo vốn điều lệ thực góp hơn 234 tỷ đồng, với 7 cổ đông sáng lập bao gồm Tổng công ty Điện lực Tp HCM (EVNHCMC), Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPS), Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico), CTCP Siêu Thanh (ST8), CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), CTCP Quản lý và Đầu tư Tín thác Á Châu. Sang tháng 12/2011 công ty tăng vốn điều lệ lên hơn 236 tỷ đồng như hiện nay.

Tính đến 20/3/2017 Tradincorp có 3 cổ đông lớn sở hữu tổng cộng 43,95% vốn điều lệ bao gồm EVNHCMC, EVNSPS và Savico.

Doanh thu thuần các năm 2015 và 2016 đạt lần lượt gần 224 và 252 tỷ đồng, còn lợi nhuận cũng đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng.

Thực phẩm Hà Nội (HAF)

CTCP Thực phẩm Hà Nội (HAF) sẽ đưa 14,5 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán HAF lên giao dịch trên UpCOM từ 24/7/3027 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong số đó có hơn 3,2 triệu cổ phiếu đang thuộc diện bị hạn chế chuyển nhượng.

Thực phẩm Hà Nội là doanh nghiệp chuyên chế biến, bảo quản và cung cấp các sản phẩm từ thịt, thủy sản, rau củ quả….Doanh nghiệp được thành lập năm 1957. Đến tháng 1/2015 công ty tiến hành đưa cổ phiếu ra đấu giá lần đầu ra công chúng với tổng số 3.450.800 cổ phiếu được chào bán thành công. Giá đấu thành công bình quân 15.292 đồng/cổ phần.

Tháng 5/2015 công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 145 tỷ đồng và từ đó đến nay chưa tiến hành tăng vốn điều lệ.

Tính đến 24/3/2017 công ty có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 88,043% vốn. Trong đó Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sở hữu 51,56% vốn, Vàng bạc đá quý Doji (Doji) sở hữu 22% vốn, phần còn lại thuộc sở hữu của 2 cá nhân.

Doanh thu năm 2015 đạt hơn 191 tỷ đồng còn năm 2016 giảm nhẹ còn gần 173 tỷ đồng. Các sản phẩm của công ty chủ yếu là Giò, nem, giấm với nguồn nguyên liệu được cung cấp bởi những doanh nghiệp trong và ngoài nước như Dầu thực vật Tường An, Đồ hộp Hạ Long, CTCP Hàng xuất khẩu Cầu Tre...

Năm 2015 công ty lãi sau thuế gần 6 tỷ đồng nhưng năm 2016 lại báo lỗ hơn 16 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 lên 31,5 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc (DHB)

Thêm 3 doanh nghiệp cùng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM tuần tới với đặc điểm chung là có giá chào sàn thấp dưới mệnh giá rất xa là Đạm Hà Bắc, Cảng Cái Lân và Minh Hai Jostoco.

Ngày 26/7 CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc sẽ đưa 272,2 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM với mã chứng khoán DHB. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 6.800 đồng/cổ phiếu.

Nguyên nhân do đâu Đạm Hà Bắc được định giá dưới mệnh giá rất nhiều? Một trong những nguyên nhân có lẽ là khoản lỗ lũy kế “khủng” mà Đạm Hà Bắc đang gánh. Nếu như năm 2015 Đạm Hà Bắc báo lỗ gần 660 tỷ đồng thì sang năm 2016 công ty tiếp tục lỗ với con số lên đến 1.051 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến hết năm 2016 lên hơn 1.720 tỷ đồng.

Năm 2017 được dự đoán sẽ là năm lỗ tiếp theo khi công ty dự kiến lỗ tiếp khoảng 850 tỷ đồng. Riêng quý 1 vừa qua đã lỗ thêm 218 tỷ đồng nâng tổng lỗ lũy kế đến hết quý 1/2017 lên 1.939 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc là 1 trong 12 doanh nghiệp yếu kém đang được Bộ Công Thương xây dựng, hoàn thiện các phương án xử lý để trình Thường trực Chính phủ thảo luận và sớm gửi Bộ Chính trị cho ý kiến.

Cảng Cái Lân (CPI): Lỗ lũy kế 440 tỷ đồng, âm vốn chủ 64 tỷ đồng

Ngày 28/7 tới đây CTCP Cảng Cái Lân (CICT) cũng sẽ đưa 36.505.000 cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán CPI. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 5.900 đồng/cổ phiếu.

Cảng Cái Lân được thành lập năm 2007 với 3 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh (Quangninhport) và CTCP XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) với mục tiêu tạo ra chuỗi khép kín cung cấp dịch vụ cảng và logistic tại cảng Cái Lân – Quảng Ninh. Với tổng vốn đầu tư 155,3 triệu USD – Cảng Cái Lân là một trong những cảng nước sâu hiện đại nhất Miền Bắc.

Tính đến 5/1/2017 Cảng Cái Lân có 2 cổ đông lớn là Vinalines và CTCP Cảng Quảng Ninh nắm giữ tổng cộng 66,06% vốn điều lệ.

Công ty bắt đầu hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ tháng 8/2012. Tuy nhiên trái với kỳ vọng, CICT liên tục lỗ từ năm 2014 đến nay, nguyên nhân một phần cũng do khoản vay nợ và lãi vay lớn, đồng thời thị trường hàng container đang gặp nhiều khó khăn.

Năm 2016 công ty tiếp tục lỗ hơn 1,3 tỷ đồng, con số cải thiện hơn rất nhiều so với số lỗ hơn 154,7 tỷ đồng năm 2015. Tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 lên đến 443 tỷ đồng. Bên cạnh đó Cảng Cái Lân còn âm vốn chủ sở hữu hơn 64 tỷ đồng.

Minh hai Jostoco: Lỗ lũy kế 394 tỷ đồng, âm vốn chủ 137 tỷ đồng

Thêm một doanh nghiệp lên giao dịch trên sàn UpCOM ngày 28/7 tới đây được định giá cổ phần dưới mệnh giá nữa là CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Minh Hải (Minh Hai Jostoco – JOS). Cổ phiếu của Minh Hải được định giá 2.400 đồng/cổ phiếu ngày lên sàn.

Minh Hai Jostoco chính thức cổ phần hóa và đi vào hoạt động từ năm 1995 – là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành thủy sản Việt Nam được cổ phần hóa. Vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 51% vốn. Công ty tiến hành tăng vốn lần gần đây nhất vào tháng 12/2008, lên hơn 153,22 tỷ đồng như hiện nay.

Tính đến 5/9/2016 Minh Hai Jostoco có 5 cổ đông lớn nắm giữ 79,55% vốn điều lệ trong đó Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín sở hữu 6,39% vốn còn lại là 4 cá nhân.

Kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2016 của công ty đạt hơn 177,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 56 tỷ đồng đạt được năm 2015. Tuy nhiên giá vốn tăng cao, cộng thêm các loại chi phí phát sinh nên năm 2016 Minh Hai Jostoco lỗ sau thuế hơn 34,6 tỷ đồng. Trước đó năm 2015 công ty cũng lỗ hơn 50,6 tỷ đồng. Còn năm 2014 cũng đã lỗ hơn 20 tỷ đồng.

Đây cũng không phải là những năm lỗ đầu tiên của Minh Hai Jostoco, bởi tính đến 31/12/2016 Minh Hai Jostoco ghi nhận số lỗ lũy kế gần 394 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm gần 137 tỷ đồng.

Tổng cộng tài sản công ty đến cuối năm 2016 cò 257 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi đó tổng nợ phải trả lên đến gần 394 tỷ đồng. Công ty ghi nhận khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 268 tỷ đồng.

Trên BCTC kiểm toán năm 2016 kiểm toán viên có đưa ra ý kiến ngoại trừ do công ty chưa trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn. Nếu khoản này thực hiện đúng theo chỉ tiêu tài chính, thì tổng lợi nhuận trước thuế của công ty sẽ giảm đi một khoản khoảng 103,39 tỷ đồng.

Ngoài ra kiểm toán cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu 136,8 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 349,3 tỷ đồng – nên kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh có lãi và việc tiếp tục hỗ trợ các cổ đông trong tương lai.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên