Đừng quên dành tiền cho tuần mới, có 3 mã chứng khoán với gần 100 triệu cổ phiếu mới sẽ lên sàn
Đáng chú ý, cổ phiếu SKH của Sanest Khánh Hòa chào sàn với giá tham chiếu 27.800 đồng/cổ phiếu.
- 20-10-2017Lần đầu tiên có doanh nghiệp lên sàn ngay sau IPO, khi vẫn còn là Công ty TNHH MTV
- 15-10-2017Đừng quên tuần mới có 4 mã chứng khoán với 180 triệu cổ phiếu "hot" sẽ lên sàn
- 24-09-2017Đừng quên dành tiền cho tuần mới, có đến 8 mã chứng khoán với 320 triệu cổ phiếu sẽ lên sàn
- 12-09-2017IPO Sanest Khánh Hòa: Khối lượng đặt mua gấp 3 lần, giá đấu bình quân cao hơn 21% giá tham chiếu
Tuần mới từ 23/10 đến 27/10/2017 có 3 mã chứng khoán với gần 100 triệu cổ phiếu lên sàn. Cả 3 mã chứng khoán này đều đăng ký giao dịch trên UpCOM.
Sanest Khánh Hòa
Đáng chú ý, tuần tới một “hiện tượng” lạ - Công ty TNHH MTV nước giải khát Sanest Khánh Hòa sẽ đưa cổ phiếu lên sàn với mã chứng khoán SKH. Ngày giao dịch đầu tiên 25/10/2017. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 27.800 đồng/cổ phần.
Nói “lạ” bởi Sanest Khánh Hòa là doanh nghiệp đầu tiên lên sàn khi chưa hoàn tất quá trình cổ phần hóa. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên lên sàn chứng khoán khi đang là Công ty TNHH MTV. Sanest Khánh Hòa là một trong 2 "đứa con" của Yến Sào Khánh Hòa tiến hành IPO trong thời gian gần đây.
Sanest Khánh Hòa tiến hành IPO hơn 1 tháng trước, vào thời điểm giữa tháng 9. Lúc đó Sanest Khánh Hòa đưa 7.951.640 cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng với giá khởi điểm 23.000 đồng/cổ phần. Kết quả, có 293 nhà đầu tư tham gia phiên IPO, khối lượng đặt mua gấp 3 lần khối lượng chào bán, trong đó có nhà đầu tư đã đặt giá 80.000 đồng/cổ phiếu.
Phiên đấu giá kết thúc, toàn bộ cổ phần được bán hết với giá đấu thành công bình quân 27.937 đồng/cổ phần.
Trong phương án cổ phần hóa Sanest Khánh Hòa đưa ra trước đó, sau cổ phần hóa Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ. Ngoài lượng cổ phần đưa ra bán đấu giá công khai ra công chúng, Sanest Khánh Hòa cũng sẽ bán 6,93 triệu cổ phần, tương đương 21% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược với mức giá dự kiến 23.000 đồng/cp, bên cạnh đó là bán cho người lao động hơn 1,24 triệu cổ phiếu.
Chỉ hơn 1 tháng sau IPO, Sanest Khánh Hòa chưa hoàn tất quá trình cổ phần hóa đã vội đưa cổ phiếu lên sàn. Đáng chú ý, Sanest Khánh Hòa có vốn điều lệ 330 tỷ đồng tương ứng tổng 33 triệu cổ phần. Song số cổ phần đăng ký giao dịch chỉ hơn 7,9 triệu đơn vị - đúng bằng số cổ phần đem bán ra công chúng trong phiên IPO.
Đóng tàu Sông Cấm chào sàn với giá tham chiếu 13.000 đồng/cổ phiếu
Cũng trong ngày 25/10, sàn UpCM còn đón nhận thêm gần 62 triệu cổ phiếu SCY của CTCP Đóng tàu Sông Cấm. Tiền thân của Đóng tàu Sông Cấm là Xí nghiệp Hải Phòng cơ khí, được thành lập từ tháng 5/1959. Đến tháng 4/2008 công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu hơn 142,27 tỷ đồng.
Lần gần đây nhất công ty tiến hành tăng vốn điều lệ từ tháng 8/2014, từ đó đến nay Đóng tàu Sông Cấm chưa tiến hành tăng thêm vốn.
Cơ cấu cổ đông của công ty cũng rất cô đặc khi 2 cổ đông lớn Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy và Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng đã nắm giữ 97,62% vốn điều lệ, trong đó Tổng công ty công nghiệp tàu thủy là công ty mẹ sở hữu 90,08% vốn.
Kết quả kinh doanh, năm 2016 Đóng tàu Sông Cấm đạt hơn 448 tỷ đồng doanh thu, giảm 234 tỷ đồng so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế cũng giảm 53 tỷ đồng so với năm trước đó, còn gần 34 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016 tổng cộng tài sản công ty đạt 1.104 tỷ đồng; tổng nợ phát trả gần 288 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 816 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu đạt gần 620 tỷ đồng.
Coma đưa gần 24 triệu cổ phiếu lên sàn
Ngày 27/10, Tổng công ty cơ khí xây dựng – CTCP (Coma) sẽ đưa 23,85 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán TCK. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu.
Hình thành từ năm 1899 với tên gọi ban đầu là Công ty Thổ địa Bắc Kỳ. Trải qua hơn 100 năm hoạt động, tháng 7/2017 công ty tiến hành đưa cổ phần ra đấu giá lần đầu ra công chúng. Có 80.000 cổ phần được bán thành công với giá đấu thành công trung bình 10.200 đồng/cổ phần. Tháng 11/2016 Tổng công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 238,5 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn điều lệ.
Sau cổ phần hóa, Bộ Xây Dựng vẫn là công ty mẹ - cổ đông lớn nhất sở hữu 98,86% vốn. Số cổ phần còn lại thuộc quyền nắm giữ của 137 cổ đông trong nước. Hiện Coma có 7 công ty con và 3 công ty liên kết.
Kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2017 Coma đã ghi nhận lỗ hơn 20 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 30/9/2017 lên hơn 67 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản đạt 1.370 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ phải trả 1.146 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn 244 tỷ đồng và vay nợ dài hạn hơn 20 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 223 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu 238,5 tỷ đồng.
Tài chính Plus