MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quên dành tiền cho tuần mới, có 8 mã với hơn 176 triệu cổ phiếu chào sàn

Tuần mới từ 21/8 đến 25/8 thị trường chứng khoán sẽ đón nhận 8 mã cổ phiếu với hơn 176 triệu cổ phiếu mới lên giao dịch trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCOM.

Tuần mới từ 21/8 đến 25/8 thị trường chứng khoán sẽ đón nhận 8 mã cổ phiếu với hơn 176 triệu cổ phiếu lên sàn. Trong Đó có cổ phiếu PLP của Nhựa Pha Lê niêm yết trên HoSE, PPH của Tổng công ty Phong Phú, có cổ phiếu DS3 của CTCP Quản lý đường sông số 3...

Hiệu ứng cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng lên sàn tuần vừa rồi vẫn còn chưa hết “sốc” với các nhà đầu tư. Hơn 46 triệu cổ phiếu khớp lệnh ngay trong phiên ATO, và tổng cộng 58,3 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên giao dịch đầu tiên với tổng giá trị tương đương 2.255 tỷ đồng đã phá vỡ kỷ lục về giá trị giao dịch trong 1 phiên của cổ phiếu GEX ngày 25/12/2016. Phiên đó, có 122,5 triệu cổ phiếu GEX khớp lệnh với tổng giá trị 2.177 tỷ đồng.

VPBank lên sàn cũng khiến TOP 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam xáo động mạnh. 5 “người nhà” của VPB lọt TOP 20, đẩy 5 tên tuổi khác ra khỏi nhóm.

Tuần này, dự kiến không có nhiều bất ngờ như tuần trước, nhà đầu tư cũng đang cần cân bằng lại sau mấy phiên đua lệnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư đừng quên, những cổ phiếu chào sàn tuần này cũng rất đáng chú ý.

Doanh nghiệp dệt hàng đầu Việt Nam lên sàn

Ngày 23/8, Tổng Công ty Phong Phú sẽ đưa hơn 73,35 triệu cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán PPH. Giá chào sàn của Tổng công ty Phong Phú được xác định 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa doanh nghiệp ngày chào sàn xấp xỉ 1.830 tỷ đồng.

Tổng công ty Phong Phú tiền thân là Nhà máy dệt Sicovina Phong Phú, trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam do chính quyền Sài Gòn cũ trực tiếp quản lý, được thành lập năm 1964. Hiện Tổng công ty Phong Phú là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam, chuyên sản xuất chỉ may, chỉ thêu, vải dệt, sản xuất hàng may sẵn…

Lần gần đây nhất, tháng 5/2014 công ty phát hành cổ phiếu hoán đổi để sáp nhập 2 công ty con CTCP Dệt vải Phong Phú và CTCP Dệt gia dụng Phong Phú, tăng vốn điều lệ lên 733,5 tỷ đồng như hiện nay.

Tính đến 27/6/2017, TCT Phong Phú có 3 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 69,8% vốn điều lệ, trong đó Tập đoàn dệt may Việt Nam sở hữu 51% vốn, còn lại Công ty TNHH Xây dựng Phong Phú sở hữu 8,8% và CTCP Thương mại Đầu tư BĐS Dương Trần sở hữu 10% vốn.

Tính đến hết quý 1/2017, tổng cộng tài sản công ty đạt 4.927 đồng; vốn chủ sở hữu đat 1.588 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt được riêng quý 1/2017 trên 56 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2017 TCT Phong Phú đặt mục tiêu tổng doanh thu 4.270 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế ước đạt 213 tỷ đồng. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ từ 10-12%.

Doanh nghiệp Nhựa Pha Lê sẽ niêm yết trên HoSE

Đầu tuần, ngày 21/8, CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê sẽ đưa 15 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE. Giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên 12.000 đồng/cổ phiếu. Biên độ giao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên +-20%.

Nhựa Pha Lê tiền thân là CTCP Khoáng sản Pha Lê, thành lập năm 2008. Khởi đầu từ một nhà máy khai khoáng nhỏ, đến nay công ty sở hữu 5 mỏ khoáng sản, 2 mỏ Granite tại Ninh Thuận, 3 mỏ đá cẩm thạch trắng tại Nghệ An và đặc biệt có mỏ đá CaCo3 tại Quỳ Hợp có diện tích trên 10ha – là một trong những mỏ đá cẩm thạch có chất lượng tốt nhất trên thế giới xét về độ sáng và độ trắng.

Năm 2016 công ty đã hoàn thành lắp đặt và đi vào vận hành 04 dây chuyền sản xuất hạt nhựa phụ gia CaCO3 Filler Masterbatch. Đến tháng 5/2017 tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng như hiện nay.

Nhựa Pha Lê cũng là công ty duy nhất tại Việt Nam có thể thực hiện chuỗi quy trình khép kín từ khai thác, chế biến, sản xuất đến cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng cuối. Các nguyên liệu khai thác từ các mỏ của công ty sẽ được vận chuyển về các xưởng, xí nghiệp khai thác đá, xưởng nghiền đá chíp, các sản phẩm phụ từ CaCO3, từ các xưởng xẻ và xưởng mài đá ốp lát…và các nhà máy bột siêu mịn CaCO3, nhà máy hạt CaCO3 Filler MasterBatch bằng hệ thống logistics thuận tiện.

Mai Linh Miền Bắc lên sàn

Ngày 25/8, toàn bộ hơn 48,62 triệu cổ phiếu MLN của Mai Linh Miền Bắc sẽ chính thức giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 11.500 đồng/cổ phiếu.

Mai Linh Miền Bắc là đơn vị do CTCP Tập đoàn Mai Linh nắm quyền kiểm soát, gồm 17 công ty thành viên và 1 chi nhánh, có trụ sở tại 17 tỉnh thành Miền Bắc từ Hà Nội vào đến Hà Tĩnh. Tập đoàn Mai Linh hiện nắm giữ 47,86% vốn điều lệ Mai Linh Miền Bắc. Ngoài ra còn 2 cổ đông lớn khác là các cá nhân là ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT công ty, sở hữu 1,18% vốn và ông Hồ Chương sở hữu 10,21% vốn.

Doanh thu công ty chủ yếu đến từ kinh doanh dịch vụ taxi, ngoài ra, còn có khoản doanh thu từ dịch vụ cho thuê xe, dịch vụ nhượng bán tài sản, cho thuê tài sản, dịch vụ sửa chữa…

Cơ cấu doanh thu năm 2016 của Mai Linh Miền Bắc, doanh thu từ dịch vụ xe Taxi đạt gần 900 tủ đồng, chiếm 80,32% tổng doanh thu. Riêng quý 1/2017 doanh thu dịch vụ xe Taxi cũng đạt gần 256 tỷ đồng.

Tính đến 3/1/2017 tổng số lao động của Mai Linh Miền Bắc là 1.423 người, trong đó có 1.071 lao động phổ thông. Mức thu nhập bình quân 2 năm liên tiếp 2015 – 2016 đều khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Sovilaco, doanh nghiệp sở hữu nhiều lô đất đắc địa tại TP Hồ Chí Minh

CTCP Nhân lực Quốc tế Sovilaco được chấp thuận đăng ký giao dịch 3.270.858 cổ phiếu trên UpCOM từ 24/8/2017 với mã chứng khoán SVL. Giá tham chiếu trong ngày chào sàn 18.900 đồng/cổ phiếu.

Sovilaco chuyên hoạt động trong ngành cung ứng, quản lý nguồn lao động, đưa lao động Việt Nam đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, ngoài ra còn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tư vấn du học….Sovilaco tiền thân là Công ty dịch vụ lao động ngoài nước phía Nam, được thành lập năm 1991, thuộc Bộ LĐTBXH. Quá trình hình thành, đến năm 2015 công ty tiến hành cổ phần hóa, trong đó Nhà nước chiếm 75% vốn, đưa 10,59% vốn chào bán cho người lao động và đấu giá bán ra bên ngoài 14,41% vốn.

Đáng chú ý, hiện Sovilaco đang sở hữu nhiều khu đất đắc địa ngay Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm khu đất làm văn phòng rộng 986,5m2 tại phường 2, quận Tân Bình, là đất thuê trả tiền hàng năm; lô đất làm trường Trung cấp dạy nghề rộng 1.110,5m2 tại Phường 2 quận tân Bình, cũng là đất thuê trả tiền hàng năm; lô đất làm Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ rộng 1.370m2 tại phường 12 quận Gò Vấp, là đất giao không thu tiền sử dụng đất; và lô đất rộng 619m2 tại phường 7 quận 3, làm văn phòng Trung tâm đào tạo định hướng nghề, cũng là đất giao có thu tiền sử dụng đất.

Trong ngày 21/8 còn có CTCP Vật tư Hậu Giang (Hamaco) đưa hơn 6,22 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán HAM. Giá chào sàn của cổ phiếu HAM là 15.000 đồng/cổ phiếu. Thêm một tin vui cho cổ đông Vật tư Hậu Giang là ngay sau khi lên sàn, ngày 23/8 HAM cũng sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về thêm 700 đồng.

Hamaco chuyên kinh doanh buôn bán sắt thép, xi măng, gạch ngói, cát đá sỏi, vật liệu xây dựng các loại…ngoài ra còn kinh doanh xăng dầu nhờn, khí hóa lỏng các loại…được thành lập năm 1976 trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị bao gồm Công ty Vật tư tỉnh Cần Thơ, Công ty VTKT Tp Cần Thơ, Công ty xăng dầu Tp Cần Thơ, Công ty Xăng dầu tỉnh Cần Thơ, Công ty Xăng dầu tỉnh Sóc Trăng.

Đến thời điểm cuối năm 2016, Vật tư Hậu Giang có 181 cổ đông đều là các cá nhân, trong đó không có cổ đông lớn nào.

Năm 2017 công ty đặt mục tiêu đạt 1.870 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế ước đạt 16 tỷ đồng và phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 14%.

Trong tuần này, CTCP Quản lý đường sông số 3 (DS3), CTCP An Thịnh (ATB) và CTCP Sách và Thiết bị giáo dục Miền Bắc (NBE) cũng sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong đó cổ phiếu DS3 của CTCP Đường sông số 3 sẽ niêm yết trên HNX. Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu DS3 vào 21/8/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.000 đồng/cổ phiếu.

Trong số 8 cổ phiếu chào sàn tuần mới này, có Nhựa Pha Lê niêm yết trên HoSE, có DS3 niêm yết trên HNX, còn lại là các mã cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UpCOM.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên