Đừng quên tuần mới có 4 mã chứng khoán với 180 triệu cổ phiếu "hot" sẽ lên sàn
Trong số đó có sự trở lại chứng trường sau hơn 2 năm vắng bóng của "vua tôm" Minh Phú.
- 09-10-2017Dù vẫn là "vua tôm" nhưng muốn lợi nhuận bao nhiêu cũng có không còn là quyền của Minh Phú
- 05-10-2017"Vua tôm" Minh Phú (MPC) quay lại sàn chứng khoán sau 2 năm với giá tham chiếu 79.000 đồng/cổ phiếu
- 24-09-2017Đừng quên dành tiền cho tuần mới, có đến 8 mã chứng khoán với 320 triệu cổ phiếu sẽ lên sàn
- 21-08-2017Đừng quên dành tiền cho tuần mới, có 8 mã với hơn 176 triệu cổ phiếu chào sàn
Tuần mới từ 16/10 đến 20/20, sàn UpCOM đón nhận 4 mã cổ phiếu với gần 180 triệu cổ phiếu lên sàn. Đáng chú ý, hầu hết các mã cổ phiếu lên sàn tuần này đều là các mã chứng khoán khiến nhà đầu tư mong đợi như sự trở lại chứng trường của “vua tôm” Minh Phú, một công ty sứ kỹ thuật lên sàn, hay sự gia nhập sàn chứng khoán của gần 50 triệu cổ phiếu Điện nước An Giang….
Sự trở lại sau 2 năm vắng bóng của “Vua tôm” Minh Phú
Ngay thứ 2 đầu tuần, ngày 16/10, toàn bộ 70 triệu cổ phiếu MPC của CTCP Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú với mã chứng khoán MPC sẽ giao dịch trên sàn UpCOM. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 79.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa ngày lên sàn trên 5.500 tỷ đồng.
Nhìn lại hơn 2 năm trước, tháng 3/2015 Minh Phú bất ngờ hủy niêm yết tự nguyện trên HoSE với mức giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng 122.000 đồng/cổ phiếu để “tìm đối tác chiến lược và tái cơ cấu Tập đoàn, đảm bảo nguồn vốn để phát triển”.
Sau 2 năm trở lại, Minh Phú chào sàn với giá chưa đến 65% giá chốt phiên cuối trên HoSE, và về cơ cấu cổ đông vẫn không có nhiều thay đổi. Có chăng chỉ là sự rút lui của Red River Holdings và VI (Vietnam Investments) Fund I, L.P, còn lại vẫn là những cái tên cũ như bà Chu Thị Bình, ông Lê Văn Quang, Earls Court Enterprises Limited, Quỹ đầu tư Việt Nam, CTCP Đầu tư Long Phụng và bà Phạm Ngọc Hồng Thu.
Kết quả hoạt động kinh doanh của Minh Phú.
Về kết quả kinh doanh, năm rời sàn HoSE 2015, hợp nhất Minh Phú lỗ gần 7 tỷ đồng dù riêng công ty mẹ có lãi 130 tỷ đồng. Sang năm 2016 Minh phú đã báo lãi hợp nhất gần 82 tỷ đồng.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017 Minh Phú đạt trên 6.342 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế trên 158 tỷ đồng. Dù vậy, so với kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất 841 tỷ đồng thì con số phải thực hiện trong 6 tháng còn lại là một thách thức rất lớn.
Dù sao, việc Minh Phú quay lại sàn chứng khoán sau 2 năm hủy niêm yết cũng là một điều mong đợi của nhà đầu tư, dù chỉ là đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM chứ không phải thị trường niêm yết như trước đó.
Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn
Cũng trong ngày 16/10, sàn UpCOM còn đón nhận thêm gần 5,44 triệu cổ phiếu HLS của CTCP Sứ Kỹ Thuật Hoàng Liên Sơn. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 16.800 đồng/cổ phiếu.
CTCP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn tiền thân là Nhà máy sứ Hoàng Liên Sơn, một doanh nghiệp quốc doanh. Công ty có trụ sở chính tại tỉnh Yên Bái, nơi có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, trữ lượng lớn dùng cho sản xuất sứ cách điện.
Năm 2004 công ty tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ ban đầu gần 8,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 56% vốn. Đến tháng 6/2016 cổ đông Nhà Nước, Tổng công ty công ty Công nghiệp Tàu thủy đã thoái vốn tại Sứ Kỹ Thuật Hoàng Liên Sơn với việc bán đấu giá thành công 473.960 cổ phần với giá đấu thành công bình quân 25.200 đồng/cổ phần.
Hiện tại Sứ Hoàng Liên Sơn có 6 cổ đông lớn nắm giữ 48,95% vốn điều lệ, đều là các cá nhân, và hầu hết trong số đó là các lãnh đạo công ty.
Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn chuyên Sản xuất các sản phẩm sứ, chủ yếu là các loại sứ đỡ đường dây cấp điện, sứ cầu dao, sứ cầu chì và các loại sứ khác…
Doanh thu năm 2015 đạt trên 109 tỷ đồng, sang năm 2016 tăng thành 1156 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thế đạt được năm 2016 hơn 18 tỷ đồng, giảm 34% so với con số gần 27,4 tỷ đồng đạt được năm 2015.
Bước sang năm 2017 Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đặt mục tiêu đạt 110 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thế 22 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2018 lãi sau thuế 24 tỷ đồng.
Sứ Hoàng Liên Sơn cũng là một trong những doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức cao cho cổ đông. Năm 2014 cổ đông công ty nhận 40% bằng tiền mặt; năm 205 là 68,5% và sang năm 2016 là 70%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 60% bằng cổ phiếu. Tất cả các cổ tức này đều đã thanh toán đầy đủ.
Vinaincon mang theo khoản lỗ lũy kế gần 800 triệu đồng lên sàn
Ngày 17/10, một Tổng công ty của Bộ Công thương – là CTCP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) – cũng sẽ đưa 55 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán VVN. Vinaincon hiện do Bộ Công Thương nắm giữ 82,75% vốn.
Xét về doanh thu, năm 2014 và 2015 đều đạt trên 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là 2 năm công ty báo lỗ lớn. Cụ thể năm 2014 lỗ 148 tỷ đồng còn năm 2015 lỗ hơn 346 tỷ đồng. Năm 2016 doanh thu giảm đột biến, còn 5.134 tỷ đồng, song đây lại là năm công ty báo lãi sau thuế hơn 506 tỷ đồng.
Riêng 6 tháng đầu năm 2017 Vinaincon đạt 1.795 tỷ đồng doanh thu; đồng thời cũng báo lỗ 47,4 tỷ đồng, trong đó lỗ ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ gần 65 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến 30/6/2017 lên đến hơn 797 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2017, vốn chủ sở hữu công ty còn chưa đến 10 tỷ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu 550 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả gần 6.340 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn hơn 505 tỷ đồng và vay nợ dài hạn trên 3.542 tỷ đồng.
Điện nước An Giang (DNA) chào sàn với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu
Trong tuần tới, sàn UpCOM còn đón nhận thêm 48,66 triệu cổ phiếu DNA của CTCP Điện nước An Giang. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 13.500 đồng/cổ phiếu. Trong số đó có 250.000 cổ phiếu thuộc sở hữu của Công đoàn công ty đang thuộc diện bị hạn chế giao dịch.
Điện nước An Giang tiền thân là Ban quản lý và Phát triển Điện Nông thôn, thành lập với nhiệm vụ triển khai thi công đường dây cao thế 110KV đến Châu Đốc và đường dây cao thế 35KV đến tất cả các huyện thị. Đến năm 1995 công ty kiêm nhiệm luôn cả nhiệm vụ phát triển nước sạch nông thôn.
Tháng 3/2011 công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 486,6 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn. Tính đến 28/6/2017 thì UBND tỉnh An Giang vẫn là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 90,12% vốn điều lệ.
Doanh thu công ty chủ yếu đến từ cung cấp điện, chiếm trên 70% tổng doanh thu. Doanh thu từ cung cấp nước sinh hoạt chiếm khoảng 24 đến 26%, còn lại là doanh thu khác.
Cụ thể, tổng doanh thu năm 2015 đạt hơn 1.201 tỷ đồng, sang năm 2016 đạt 1.322 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 doanh thu đạt hơn 680 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt hơn 90 tỷ đồng, năm 2016 đạt trên 102 tỷ đồng và sang 6 tháng đầu năm 2017 đã lãi sau thuế trên 58 tỷ đồng.
Hiện công ty đang thực hiện 2 dự án do UBND tỉnh giao là Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Tp Châu Đốc và Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Tp Long Xuyên.
Trí Thức Trẻ