MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quên tuần mới lại có thêm hơn trăm triệu cổ phiếu lên sàn

Hơn 100 triệu cổ phiếu mới sẽ lên giao dịch trên sàn UpCOM trong tuần tới hứa hẹn sẽ có một tuần giao dịch sôi động.

Sau một tuần sôi động với hơn 1 tỷ cổ phiếu gia nhập sàn chứng khoán, nhà đầu tư cũng đừng quên tuần mới từ 8/1 đến 12/1/2018 lại có thêm 10 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM với tổng cộng hơn 110 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, trong đó có rất nhiều mã cổ phiếu nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư như Tổng công ty May 10, như Thủy điện A Vương, như Cấp nước Gia Lai…

Thủy điện A Vương chào sàn tuần tới với giá tham chiếu 24.000 đồng/cổ phiếu

Thủy điện A Vương thành lập năm 2007 với 3 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Điện lực việt Nam, Công ty điện lực 3 và Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi. Hiện công ty có vốn điều lệ hơn 750,52 tỷ đồng tương ứng hơn 75 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch. Trước khi lên sàn, Thủy điện A Vương có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Phát điện 2 – Công ty TNHH MTV sở hữu 87,45% vốn và cá nhân ông Đặng Thanh Bình sở hữu 7,39% vốn.

Thủy điện A Vương hiện đang khai thác và vận hành Nhà máy thủy điện A Vương – dự án có tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng. Nhà máy có tổng công suất 210MW gồm 2 tổ máy, điện lượng bình quân hàng năm 815 triệu kWh.

Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 122,5 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước đó. Tuy nhiên năm 2017 là năm khởi sắc khi không những doanh thu tăng mạnh, mà riêng 9 tháng đầu năm Thủy điện A Vương đã báo lãi sau thuế hơn 288 tỷ đồng tăng gấp đôi cả năm 2015. Nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận năm 2017 tăng mạnh do thời tiết thuận lợi.

Hơn 75 triệu cổ phiếu AVC sẽ chính thức giao dịch trên UpCOM từ 8/1/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 24.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng mức vốn hóa công ty ngày lên sàn hơn 1.800 tỷ đồng.

Thêm một doanh nghiệp ngành nước lên sàn

Trong giai đoạn hàng loạt doanh nghiệp ngành nước lên sàn, tuần này sàn UpCOM lại đón thêm 1 doanh nghiệp trong ngành là Cấp nước Gia Lai. 18 triệu cổ phiếu GLW sẽ lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 13.200 đồng/cổ phiếu.

Cấp nước Gia Lai tiền thân là Nhà máy nước Pleiku, được thành lập năm 1992 nhằm phục vụ nước sinh hoạt hàng ngày cho địa phương. Đến tháng 7/2017 phiên IPO diễn ra, có 8.386.700 cổ phần được đưa ra đấu giá nhưng chỉ 3.300 cổ phần được bán với giá bán thành công bình quân 14.176 đồng/cổ phần.

Tháng 1/2017 công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 180 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn. Hiện tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn là cổ đông lớn nhất sở hữu 51% vốn, còn UBND tỉnh Gia Lai sở hữu 4678% vốn điều lệ.

Trên BCTC kiểm toán giai đoạn từ 1/1/2016 đến 4/1/2017, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về một số khoản nợ phả thu, nợ phải trả; về việc công ty chuyển toàn bộ quỹ đầu tư phát triển, chênh lệch đánh lại giá tài sản, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để tăng mục "vốn góp chủ sở hữu" là chưa đúng.

Tính đến 30/4/2017 trên BCTC công ty thể hiện Cấp nước Gia Lai còn lỗ lũy kế gần 1 tỷ đồng – là khoản lỗ phát sinh ngay trong kỳ kế toán từ 5/1 đến 30/4/2017. Bên cạnh đó công ty vẫn còn gần 8 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Một doanh nghiệp khác lên giao dịch trên sàn UpCOM trong ngày 10/1 cũng liên quan ngành nước, môi trường đô thị là CTCP Môi trường đô thị Đông Anh với 1,2 triệu cổ phiếu MDA tương ứng vốn điều lệ 12 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên bằng đúng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tổng công ty May 10 chào sàn với giá tham chiếu 22.800 đồng/cổ phiếu

Ngày 10/1 toàn bộ 18,9 triệu cổ phiếu M10 của Tổng công ty May 10 – CTCP (Garco10) sẽ chính thức giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 22.800 đồng/cổ phiếu. Đây là một trong những cổ phiếu được các nhà đầu tư chờ đợi từ lâu khi năm 2016 May Việt Tiến lên sàn thành công, tạo ra một "sóng" lớn trong ngành dệt may.

May 10 tiền thân là các công xưởng sản xuất quân trang đặt tại chiến khu Việt Bắc, ra đời từ năm 1946 để phục vụ bộ đội kháng chiến chống Pháp. Tháng 1/2004 Tổng công ty May 10 chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, trực thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam. Hiện tại May 10 đang sở hữu 11 nhà máy trải dọc từ Hà Nội tới Quảng Bình.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến 20/11/2017 Tổng công ty May 10 có 2 cổ đông lớn năm giữ 39,55% vốn điều lệ, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam sở hữu 33,82% vốn, do bà Nguyễn Thị Thanh Huyền và ông Phạm Duy Hạnh làm người đại diện phần vốn góp. Ngoài ra cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng sở hữu hơn 1,08 triệu cổ phần M10 tương ứng tỷ lệ 5,73%.

Về kinh doanh, sản phẩm áo sơmi chiểm tỷ trong doanh thu lớn nhất của công ty, ước khoảng 40% đến 46% tổng doanh thu trong các năm gần đây. Sản phẩm áo Jacket cũng mang lại khoảng 24% đến 27% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ mặt hàng quần và veston..

Doanh thu thuần hợp nhất năm 2016 đạt hơn 2.923 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó 2 mảng mang lại doanh thu chính cho công ty là bán hàng và gia công. Riêng 9 tháng đầu năm 2017 doanh thu đạt hơn 2.247 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt được gần 47,5 tỷ đồng.

Trên BCTC hợp nhất quý 3/2017 thể hiện, tính đến 30/9/2017 tổng tài sản May 10 đạt 1.148 tỷ đồng; tổng nợ phải trả 790 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 357,3 tỷ đồng. May 10 còn có hơn 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hơn 76 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và hơn 46 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Đồng loạt 2 "đứa con của Tổng công ty 28 lên sàn

Tuần tới sàn UpCOM không chỉ đón nhận May 10, mà một doanh nghiệp ngành may khác, CTCP 28 Hưng Phú, cũng đưa 2 triệu cổ phiếu lên sàn với mã chứng khoán HPU. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 16.000 đồng/cổ phiếu.

Hưng Phú tiền thân là xí nghiệp may 28 cơ sở 2 thành lập năm 1991 với nhiệm vụ sản xuất quân trang phục vụ quân đội và tham gia làm hàng kinh tế xuất khẩu, hạch toán phụ thuộc vào Xí nghiệp X28.

Nhằm thực hiện chủ trương cổ phần hóa, tháng 10/2006 phiên IPO đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng được tổ chức. 155.500 cổ phần được bán với giá đấu thành công bình quân 10.501 đồng/cổ phần. Tháng 12/2006 công ty cổ phần thành lập với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến 29/5/2017 Hưng Phú có 2 cổ đông lớn, trong đó công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28 sở hữu 53,32% vốn và cá nhân ông Nguyễn Văn Tuấn sở hữu 5,78% vốn.

Hoạt động kinh doanh chủ lực của công ty là sản xuất và gia công sản phẩm áo sơmi nam/nữ cao cấp. Ngoài ra công ty còn cho thuê kho hàng và mặt bằng xây Trung tâm điện máy Thiên Hòa Gò Vấp và thực hiện nhiệm vụ giao nhận xuất nhập khẩu.

Doanh thu năm 2015 đạt 341 tỷ đồng, thì năm 2016 tăng 15%, lên mức 393 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2017 doanh thu đạt 335,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9 tỷ đồng. Giá trị sổ sách đạt 18.638 đồng/cổ phiếu.

Năm 2017 công ty đặt mục tiêu đạt hơn 395,1 tỷ đồng doanh thu và gần 9,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu năm 2018 phấn đấu tăng 11%, lên mức 435 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu về khoảng 7,75 tỷ đồng.

"Đứa con" thứ 2 của Tổng công ty 28 là CTCP 28.1 cũng lên sàn vào ngày 10/1 tới đây với mã chứng khoán AG1, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phần. CTCP 28.1 là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc, tiền thân là Cơ sở 1 – Xí nghiệp may X28, Tổng cục hậu cần. Công ty chuyên sản xuất quân phục cho các quân, binh chủng trong quân đội.

Tháng 7/2016 phiên IPO diễn ra, 976.258 cổ phần được mang ra chào bán và bán hết với giá trúng thành công bình quân 10.048 đồng/cổ phần. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 9/2016 với vốn điều lệ ban đầu hơn 48,63 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn.

Hiện Tổng công ty 28 cũng là cổ đông lớn duy nhất sở hữu 65% vốn điều lệ.

Một “đứa con” của Habeco nữa sẽ lên sàn trong tuần tới

Ngày 9/1 sàn UpCOM cũng sẽ đón nhận thêm 5,8 triệu cổ phiếu BQB của CTCP Bia Hà Nội – Quảng Bình – một “đứa con” của Habeco, do Habeco sở hữu 62,05% vốn điều lệ. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.400 đồng/cổ phiếu. Trước lúc lên sàn công ty còn có 1 cổ đông lớn khác là một cá nhân, ông Trần Thanh Hùng, sở hữu 5,52% vốn.

Công ty sản xuất kinh doanh chính các sản phẩm mang thương hiệu Habeco. Doanh thu năm 2016 đạt trên 106,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,2 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu nawm2 017 công ty đạt gần 77 tỷ đồng doanh thu và 2,28 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Ngoài ra tuần tới sàn UpCOM còn đón nhận thêm 1,3 triệu cổ phiếu TSD của CTCP Du lịch Trường Sơn Coecco và hơn 1,57 triệu cổ phiếu IKH của CTCP In Khoa học kỹ thuật.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên