MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quên tuần mới rất nhiều mã chứng khoán "hot" lên sàn

Trong số đó có cổ phiếu CIA của Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh, có VPI của Văn Phú Invest...

Tuần mới từ 27/11 đến 1/12/2017 có tới 6 doanh nghiệp sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trong đó có nhiều cái tên khiến nhà đầu tư quan tâm như Văn Phú Invest hay CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh…

CIA – mã chứng khoán của CTCP Dịch vụ Sân Bay Quốc tế Cam Ranh

CTCP Dịch vụ Sân Bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS) được chấp thuận niêm yết 8 triệu cổ phiếu trên HNX với mã chứng khoán “rất quen” CIA. Ngày giao dịch đầu tiên 29/11/2017. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 45.000 đồng/cổ phiếu.

CIAS tiền thân là công ty con của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Năm 2015 Nhà nước thoái toàn bộ vốn tại CIAS. Lần gần đây nhất, tháng 8/2017 công ty tiến hành tăng vốn từ 60 tỷ đồng lên thành 80 tỷ đồng như hiện nay bằng cách phát hành 1,45 triệu cổ phiếu chào bán ra công chúng thông qua việc đấu giá qua Sở GDCK Hà Nội và phát hành 550.000 cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Toàn bộ số cổ phần chào bán ra công chúng đã được nhà đầu tư đặt mua hết với giá đấu thành công bình quân 50.245 đồng/cổ phần.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến 5/10/2017 CIAS có 3 cổ đông lớn năm giữ 33,51% vốn điều lệ. Trong đó CTCP Dịch vụ đân bay (ASG) là cổ đông lớn nhất sở hữu 21,53% vốn điều lệ.

Doanh thu của CIAS phần lớn đến từ bán hàng miễn phí, đóng góp từ 75 đến 80% tổng doanh thu. Tiếp đến là doanh thu từ mảng phục vụ ăn uống và bán hàng hóa. Tuy nhiên, ngược lại với đà tăng của bán hàng miễn thuế, thì doanh thu từ mảng này lại giảm dần trong mấy năm trở lại đây.

Đáng chú ý, dịch vụ taxi là một trong những mảng tạo doanh thu lớn trong năm 2015 thì từ năm 2016 và sang đến năm 2017 đều đã không còn. Theo lý giải của CIAS, tỷ lệ sinh lời của mảng này thấp nên công ty đã ngừng cung cấp dịch vụ trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Thay vào đó, công ty con Công ty TNHH Dịch vụ mặt đất hàng không đi vào hoạt động đã đóng góp doanh thu đáng kể cho công ty.

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2017 đạt trên 328 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước đó do lượng khách đến sân bay Quốc tế Cam Ranh tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế đạt 42,2 tỷ đồng.

Văn Phú Invest xóa hết lỗ lũy kế ngay trước khi lên sàn

Một doanh nghiệp niêm yết trên HNX tuần tới nữa là Văn Phú Invest. Toàn bộ 160 triệu cổ phiếu của công ty sẽ chính thức giao dịch trên HNX từ 28/11 với mã chứng khoán VPI. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 27.600 đồng/cổ phiếu.

Tiền thân là chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Quảng Ninh, đến năm 2008 công ty chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức công ty cổ phần với 100% vốn tư nhân. Vốn điều lệ ban đầu 45,8 tỷ đồng, qua 6 lần tăng giảm vốn, đến nay Văn Phú Invest có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng, trong đó lần gần đây nhất tăng vốn là tháng 7/2017.

Riêng lần tăng vốn “khủng” trước thềm niêm yết thực hiện vào tháng 7 vừa qua, Văn Phú Invest sử dụng gần 1.000 tỷ vốn góp thêm để thanh toán các khoản vay cá nhân, ngân hàng; đầu tư tài chính vào các công ty như CTCP Đầu tư và phát triển thương mại Văn Phú, CTCP Văn Phú số 1, Công ty cổ phần tài nguyên và môi trường Trường Minh; ngoài ra, công ty dùng tiền để bổ sung vốn cho công ty con - Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú-Giảng Võ và bổ sung vốn lưu động.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến 31/10/2017, Văn Phú Invest có 3 cổ đông lớn, trong đó có 1 tổ chức là CTCP Đầu tư THG Holdings sở hữu 23,44% VĐL. 2 cổ đông lớn còn lại là Chủ tịch HĐQT công ty, ông Tô Như Toàn sở hữu 25% vốn và Tổng Giám đốc công ty, ông Tô Như Thắng, sở hữu 7,06% vốn.

Năm 2016 Văn Phú Invest đạt hơn 772 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỷ đồng. Bước sang năm 2017, mới 9 tháng đầu năm doanh thu thuần đạt 667 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu về 251 tỷ đồng. Số lãi này đã giúp Văn Phú Invest xóa hết lỗ lũy kế ngay trước khi lên sàn, còn “ghi dương” 227 tỷ đồng LNST chưa phân phối tính đến 30/9/2017.

Văn Phú Invest được nhắc đến nhiều từ dự án KĐT mới Văn Phú Hà Đông. Khu đô thị này bắt đầu giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng từ năm 2007, rộng hơn 94ha với tổng số hơn 3.000 căn nhà, tổng mức đầu tư 18.000 tỷ. Đến nay, sau 10 năm, khu đô thị Văn Phú hầu như đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

Văn Phú Invest cũng được biết đến khi có khá nhiều rắc rối quanh một số dự án như The Van Phu – Victoria hay chung cư Home City – là các dự án do Văn Phú Invest làm chủ đầu tư. Ví dụ như mới đây nhất cư dân Home City đang bức xúc việc lối đi ra hướng Trung Kính bị bịt lại, trong khi lối ra hướng Nguyễn Chánh lại thường xảy ra tai nạn. Vụ việc chưa được giải quyết thỏa đáng và đang chờ phản hồi từ cơ quan chức năng…

Danh sách những dự án đã, đang và sẽ thi công của Văn Phú cũng còn rất dài, trong đó phần lớn dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2019 và 2020, một số dự án còn dự kiến hoàn thành vào năm 2021 và 2023.

Bwaco cũng hoàn thành tăng vốn ngay trước khi lên sàn

Ngày 28/11, ngoài Văn Phú Invest niêm yết trên HNX còn 3 doanh nghiệp khác đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM là Cấp nước Bà Rịa Vũng Tàu, Thành An 665 và CTCP TRT.

Cấp nước Bà Rịa Vũng Tàu (Bwaco) được cấp mã chứng khoán BWS, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.400 đồng/cổ phiếu. Bwaco tiền thân là Xí nghiệp cấp thoát nước Vũng Tàu – Bà Rịa, thành lập năm 1982. Đến năm 2007 công ty chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 465 tỷ đồng.

Ngay trước thời điểm lên sàn, Bwaco đã phát hành 13,5 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phần, tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng.

Tính đến 9/10/2017 thì UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vẫn là cổ đông lớn nhất sở hữu 49,11% vốn điều lệ. Cổ đông lớn còn lại là CTCP Cấp nước Phú Mỹ sở hữu 5,32% vốn.

Doanh thu từ cấp nước cũng là nguồn đóng góp trên 90% tổng doanh thu Bwaco trong những năm gần đây. Đây cũng là mảng mang lại lợi nhuận chính cho công ty. Kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2017 doanh thu Bwaco đạt 287 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 78,6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp hoạt động trong kĩnh vực kinh doanh cafe, nông nghiệp và logistic - CTCP TRT

CTCP TRT được đăng ký giao dịch 10 triệu cổ phiếu trên UpCOM với mã chứng khoán ILA từ 28/11/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.300 đồng/cổ phiếu.

TRT thành lập năm 2014 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư công nghệ Trường Thịnh, hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, thương mại café và dịch vụ xúc tiến đầu tư. Tháng 11/2016 công ty đổi tên thành CTCP TRT, đánh dấu bước ngoặt mới khi tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với các sản phẩm café, kinh doanh cơ điện. Trong hoạt động đầu tư, hiện công ty đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, logistic… Tháng 3/2017 công ty tăng vốn lên 100 tỷ đồng như hiện nay, tương ứng 10 triệu cổ phiếu đăng ký lưu ký chứng khoán.

Tính đến 13/10/2017 TRT có 4 cổ đông lớn sở hữu 30,6% vốn điều lệ, trong đó cổ đông lớn nhất CTCP ILAHoldings sở hữu 15% vốn. Còn lại 3 cổ đông lớn khác đều là các cá nhân.

10 triệu cổ phiếu ILA của CTCP TRT

CTCP TRT được đăng ký giao dịch 10 triệu cổ phiếu trên UpCOM với mã chứng khoán ILA từ 28/11/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.300 đồng/cổ phiếu.

TRT thành lập năm 2014 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư công nghệ Trường Thịnh, hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, thương mại café và dịch vụ xúc tiến đầu tư. Tháng 11/2016 công ty đổi tên thành CTCP TRT, đánh dấu bước ngoặt mới khi tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với các sản phẩm café, kinh doanh cơ điện. Trong hoạt động đầu tư, hiện công ty đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, logistic… Tháng 3/2017 công ty tăng vốn lên 100 tỷ đồng như hiện nay, tương ứng 10 triệu cổ phiếu đăng ký lưu ký chứng khoán.

Tính đến 13/10/2017 TRT có 4 cổ đông lớn sở hữu 30,6% vốn điều lệ, trong đó cổ đông lớn nhất CTCP ILAHoldings sở hữu 15% vốn. Còn lại 3 cổ đông lớn khác đều là các cá nhân.

Thành An 665 lên sàn

Trong ngày 28/11 sàn UpCOM còn đón nhận thêm 1 tân binh là CTCP Đầu tư và Xây lắp Thành An 665 với mã chứng khoán TA6. Thành An 665 sẽ đưa 3 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.000 đồng/cổ phiếu.

Thành An 665 tiền thân là đoàn 600 thuộc Cục kiến thiết cơ bản – Tổng cục Hậu cần, thành lập năm 1983. Năm 2009 công ty chuyển đổi từ mô hình công ty Nhà nước sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu gần 14,14 tỷ đồng. Lần gần đây nhất tháng 11/2016 công ty tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng như hiện nay.

Hiện tại Tổng công ty Thành An vẫn đang nắm cổ phần chi phối 52,67%. Ngoài ra còn 3 cổ đông lớn khác đều là các cá nhân.

Ngoài ra, tuần tới sàn UpCOM còn đón nhận thêm gần 3,3 triệu cổ phiếu HAV của CTCP Rượu Hapro. Ngày giao dịch đầu tiên 30/11/2017. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 6.500 đồng/cổ phiếu.

Tổng cộng tuần tới 6 doanh nghiệp sẽ đưa gần 250 triệu cổ phiếu mới lên sàn. Trong đó có đến 168 triệu cổ phiếu niêm yết trên HNX của Văn Phú Invest và Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh. Số còn lại là 4 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UpCOM.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên