MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quên yếu tố Hàng tồn kho, nó đã từng giúp nhiều cổ phiếu tăng phi mã

18-04-2016 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Đừng quên yếu tố Hàng tồn kho, nó đã từng giúp nhiều cổ phiếu tăng phi mã

Nhắc đến kinh doanh của một doanh nghiệp, nhiều người biết đến cụm từ doanh thu, lợi nhuận và đa số mọi người hiểu được sơ bộ nó là cái gì, dù chưa thực sự sâu sắc.

Điều ít được nhắc đến hơn nhưng không kém phần quan trọng đó là Hàng tồn kho.

Khái niệm hàng tồn kho cũng khá gần gũi với mọi người khi mà những cụm từ như: Hôm nay buôn bán ế quá, còn tồn một đống hoa quả; trong kho còn dư một đống đồ, mãi không bán được....

Hàng tồn kho theo cách hiểu dân dã của mọi người đó là hàng hóa của công ty nhưng vì một lý do gì đó chưa bán. Hàng tồn kho có thể sờ được, trông thấy được hoặc đơn giản nó chỉ là một con số đang theo dõi.

Còn theo "chính tắc" khái niệm hàng tồn kho thì đây là một khoản mục thuộc tài sản ngắn hạn trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Ý nghĩa của hàng tồn kho rất nhiều, tùy từng trường hợp mà người sử dụng chỉ số này có thể phân tích nó tốt hay xấu cho doanh nghiệp.

Những quan điểm sai về hàng tồn kho:

-Nếu nói tồn kho cao, bạn nghĩ ngay rằng doanh nghiệp ế hàng? Đúng trong nhiều trường hợp và sai trong nhiều trường hợp. Nếu không bán được hàng thì đúng là tồn kho mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Còn nếu doanh nghiệp chủ đích tích trữ hàng hóa, nguyên vật liệu...khi giá còn đang rẻ lại là chuyện khác. Đừng ngoại trừ khả năng doanh nghiệp đang ấp ủ tham vọng mua thấp, đợi giá lên, bán cao và thu lợi lớn.

-Tồn kho thấp là tốt, mức tồn kho cao là xấu? Hàng tồn kho mang đậm tính chất ngành nghề kinh doanh nên không phải cứ mức tồn kho thấp là tốt, mức tồn kho cao là xấu. Ví dụ, bạn không thể mua sấu tươi vào mùa rét nhưng bạn có thể mua nước uống chế biến từ sấu gần như quanh năm. Để làm được điều này, doanh nghiệp sản xuất nước uống chế biến từ sấu phải mua sấu từ đúng vụ và tất nhiên không thể sản xuất hết trong vài ngày, họ tích trữ, bảo quản và điều này tạo nên hàng tồn kho. Kể cả họ sản xuất nhanh thì việc hàng tồn kho vẫn xuất hiện trong hạng mục tồn kho thành phẩm bởi họ không thể bán hết ngay được.

-Tồn kho bất ngờ tăng cao là bất thường? Không hẳn thế. Bạn phải nhìn vào yếu tố mùa vụ và lịch sử xử lý hàng tồn kho của doanh nghiệp trước khi vội vàng bán cổ phiếu vì nhìn thấy con số tồn kho bất thường. Để đánh giá tốc độ luân chuyển hàng tồn kho, người ta thường sử dụng hệ số vòng quay hàng tồn kho. Hệ số này được xác định bằng giá vốn hàng bán chia cho hàng tồn kho trung bình. Hệ số này thường được so sánh qua các năm để đánh giá năng lực quản trị hàng tồn kho là tốt hay xấu qua từng năm.

-Hệ số vòng quay hàng tồn kho càng cao càng cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều. Điều này trăm phần trăm là tốt? Không! Nhiều nhà kinh tế học lại không nhìn nhận như thế. Đối với một số trường hợp, các nhà phân tích cho rằng nếu lượng hàng dự trữ trong kho không nhiều và nếu nhu cầu thị trường tăng đột ngột thì rất có khả năng doanh nghiệp bị mất khách hàng và bị đối thủ cạnh tranh giành thị phần. Hơn nữa, dự trữ nguyên liệu vật liệu đầu vào cho các khâu sản xuất không đủ có thể khiến dây chuyền sản xuất bị ngưng trệ.

Tôi lấy ví dụ một thực tế đang nóng hiện tại là ngành thép. Giá thép và nhu cầu thép đang tăng đột biến, nếu doanh nghiệp đã bán sạch hàng tồn kho từ trước thời cơ bất ngờ này thì đúng là thảm họa. Đối thủ có chiến lược tích trữ hàng từ khi giá còn thấp ngồi vểnh râu đếm tiền vào két trong khi doanh nghiệp anh "sụp đổ" niềm tự hào bán đắt hàng trước đó vẫn tự đắc và đáng lo hơn, anh đã không phục vụ được khách hàng trong khi anh cần nhất. Khách hàng rời bỏ anh dần.

-Nếu nhiều doanh nghiệp lãi to nhờ xử lý hàng tồn kho thế thì tôi cũng sẽ mua, tích trữ khi giá giảm? Làm thế nào cũng được, tùy bạn. Nhưng đừng quên là nếu giá giảm nữa thì bạn sẽ lỗ nặng. Đừng quên có thể bạn ôm hàng và không bán nổi về sau. Cũng đừng quên rằng bạn có thể đang phải trả chi phí lãi vay khổng lồ để mua hàng, khoản chi phí này ngốn dần lợi nhuận của bạn cho đến khi bán được hàng.

Nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh nhờ...hàng tồn kho

Khi cổ phiếu TLH của Thép Tiến Lên tăng vài chục phần trăm rồi thì nhiều nhà đầu tư mới vỡ lẽ: Vì không đọc kỹ báo cáo tài chính của Thép Tiến Lên nên đã lỡ một cơ hội lớn. Năm ngoái, Thép Tiến Lên phải trích lập mấy chục tỷ đồng cho đúng khoản tồn kho này. Với cổ đông, tất nhiên, khi phải trích lập dự phòng nghĩa là ghi vào chi phí, nghĩa là lợi nhuận giảm, nghĩa là quyền lợi họ giảm. Họ chẳng thiết tha gì mấy cổ phiếu TLH thời điểm đó.

Nhưng chuyện đã khác vào năm nay, giá thép, nguyên liệu thép tăng mạnh vù vù. "Của nợ" hàng tồn kho năm ngoái đã thành "cục vàng" cho nhà đầu tư kỳ vọng. Hơn 800 tỷ đồng hàng tồn kho ngày xưa đã có giá trị thị trường tương đương ~1.200 tỷ. Hàng hóa cũng dễ bán hơn khi mà ngành thép thăng hoa. Cổ đông của Thép Tiến Lên không chỉ trông chờ vào hoàn nhập dự phòng từ khoản dự phòng đã trích mọi năm mà còn sung sướng khi doanh nghiệp có biên lãi gộp cao hẳn lên nhờ giá vốn hàng tồn kho đem ra bán thấp.

Một câu chuyện nữa, chắc nhà đầu tư chưa vội quên, đó là sóng giá cổ phiếu bất động sản năm 2015. Con sóng này đáng gọi là sóng thần. Những năm trước 2015, bất động sản bất động để lại khoản tồn kho ngút trời trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Không phải nghìn tỷ, mấy chục nghìn tỷ mà đến mấy trăm nghìn tỷ bất động sản không tiêu thụ được của thị trường cứ kéo cả nền kinh tế ì ạch.

Đến năm 2015, van tín dụng mở ra, dòng tiền trong dân tích lũy nhiều năm bắt đầu hoạt động. Nhu cầu tăng lên đẩy giá bất động sản tăng lên từng ngày, từng giờ. Và, những doanh nghiệp tồn kho bất động sản cao được dịp mang hàng ra bán, được dịp khoe lãi to và tất nhiên, cổ phiếu tăng giá ầm ầm.

Kinh tế vì sao lại khó? Vì nó không như toán học, 1+1 phải bằng 2. Mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành hàng, mỗi thời điểm, mỗi cơ hội....đến theo những cách hàng nhau và ứng xử với nó thế nào mới là thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Không có khuôn nào đúc nên doanh nghiệp cả, nếu có thì đã không có cảnh hàng ngàn doanh nghiệp bị giải thể mỗi quý và đã có nhiều hơn những doanh nghiệp thành công tỷ đô như Vinamilk, Vingroup....

Tuyến bài viết phân tích những điều cơ bản trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Những bí quyết kinh doanh của doanh nghiệp của chúng tôi hy vọng sẽ giúp độc giả có thêm kiến thức cho bản thân trong quá trình phân tích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đầu tư cổ phiếu.

Mọi bài viết cộng tác, ý kiến góp ý xin gửi về huongnguyenthithanh@vccorp.vn

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên