Dùng sức mạnh đồng đô la ngăn ngân hàng Trung Quốc hỗ trợ Nga: Kế hoạch của Mỹ liệu có phản tác dụng?
Theo tờ Wall Street Journal, Mỹ đang cân nhắc đưa ra các biện pháp trừng phạt có thể khiến một số ngân hàng Trung Quốc mất khả năng tiếp cận đồng đô la.
- 27-04-2024Là hãng smartphone lớn nhất thế giới nhưng thị phần Samsung vừa chạm ngưỡng 0% tại Trung Quốc
- 27-04-2024Trung Quốc: Phát hiện lăng mộ xa hoa của Sở vương bí ẩn
- 27-04-2024BYD - đối thủ khiến 'superman' Elon Musk phải cúi đầu : Tự coi mình là ‘cường quốc’ sản xuất công nghệ xanh, tham vọng không chỉ dừng lại ở ô tô hay biên giới Trung Quốc
Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 24/4 dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề cho biết, các biện pháp này được thực hiện để ngăn chặn điều mà Mỹ coi là sự hỗ trợ của Trung Quốc cho việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Trung Quốc cung cấp cho Nga các bộ phận công nghệ quan trọng cho ngành công nghiệp vũ khí của nước này.
"Chúng tôi thấy Trung Quốc chia sẻ máy công cụ, chất bán dẫn và các mặt hàng có công dụng kép khác đã giúp Nga xây dựng lại cơ sở công nghiệp quốc phòng mà các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đã làm suy yếu [ngành công nghiệp quốc phòng Nga] rất nhiều", ông Blinken nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp ngoại trưởng các nước G7 tại Ý.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, thương mại giữa nước này và Nga đạt mức cao 240 tỷ USD vào năm 2023, trong đó Trung Quốc trở thành một trong những nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Nga kể từ khi các công ty phương Tây rời khỏi thị trường Nga sau khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ vào năm 2022.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ trước đó đã nói với hãng tin Reuters rằng Trung Quốc không phải là một bên tham gia cuộc chiến ở Ukraine và rằng thương mại thông thường giữa Trung Quốc và Nga không nên bị can thiệp hoặc hạn chế.
Theo WSJ, giữa các báo cáo cho rằng Nga đã phát triển các phương thức để lách các lệnh trừng phạt, Mỹ vào năm ngoái đã tìm cách trừng phạt các ngân hàng và các tổ chức khác tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại của Nga.
WSJ đưa tin rằng, các biện pháp trừng phạt mới đối với các ngân hàng Trung Quốc đang được coi là một lựa chọn ở mức cao hơn trong trường hợp các nỗ lực ngoại giao khác nhằm hạn chế xuất khẩu từ Trung Quốc thất bại.
Kế hoạch có thể phản tác dụng
Theo WSJ, việc ngăn chặn khả năng tiếp cận đồng đô la của các ngân hàng sẽ có tác động rất lớn đối với Trung Quốc, khi nền kinh tế nước này vốn đang trong tình trạng bấp bênh sau cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản.
Nhưng việc này cũng có thể gây tác dụng ngược với Mỹ theo hướng đẩy nhanh nỗ lực phi đô la hóa.
Để đáp lại các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ và phương Tây, Nga và Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực tạo ra các cơ chế giao dịch thương mại không phụ thuộc vào đồng đô la.
Theo WSJ, Bắc Kinh không muốn loại bỏ hoàn toàn đô la Mỹ mà muốn giảm bớt sự thống trị của đồng tiền này và đảm bảo an toàn cho nền kinh tế Trung Quốc nếu Mỹ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt thậm chí còn lớn hơn.
Tờ Financial Times vào tháng 8 năm ngoái đưa tin rằng, các nền kinh tế ở Nam bán cầu, lâu nay vốn chỉ trích sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống tài chính, đang ngày càng quan tâm đến việc sử dụng tiền tệ và các nền tảng giao dịch thương mại không yêu cầu đồng tiền của Mỹ.
Alexandra Prokopenko - một thành viên tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia - nói với WSJ rằng, các ngân hàng khu vực của Trung Quốc đã nổi lên vì ít tham gia vào việc giao dịch bằng đồng đô la.
"Chuỗi thanh toán đang dần được xây dựng lại. Cả người Nga và người Trung Quốc đều không ngừng thích nghi với điều kiện mới", Prokopenko nói.
Các chuyên gia cũng nhận định, Mỹ đang đánh cược rằng các liên kết tài chính của Trung Quốc với Mỹ mạnh mẽ hơn mối quan hệ của nước này với Nga.
Đời sống & pháp luật