Dùng thuốc tùy tiện, nhiều người trả giá
Hàng chục trường hợp nhiễm độc do sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường dạng viên tễ không rõ nguồn gốc.
- 07-04-2019Mua thuốc hết dễ như mua rau?
- 03-04-2019Gần 1.600 nhà thuốc ở TP.HCM có nguy cơ bị đóng cửa
- 22-02-2019Buôn bán hàng cấm, niêm yết giá thuốc cao gấp 10 lần
Ca mới nhất đang được Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM cứu chữa do nhiễm độc phenformin trong tự điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) là bà Đ.T.M (65 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM). Bà M. đang theo dõi và điều trị ĐTĐ tại BV địa phương. Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, nghe người quen mách bảo về loại thuốc gia truyền kiểm soát đường huyết cấp tốc nên bà M. chuyển sang dùng thuốc không rõ nguồn gốc có dạng viên với nhiều màu sắc.
Các loại thuốc viên tròn không nguồn gốc nhiều người tự dùng trị đái tháo đường và nhập viện
Dùng được một thời gian, bà M. thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, sức khỏe ngày càng suy giảm dần. Khi người nhà đưa vào viện cấp cứu thì bệnh nhân đã rơi vào tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, toan máu nặng...
Cũng do dùng thuốc tùy tiện mà một trường hợp trả giá bằng mạng sống là bà V.T.N (63 tuổi, ngụ Hà Nội). Bà N. mắc ĐTĐ nhưng không điều trị theo toa mà uống 8 viên tiểu đường hoàn, dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, suy đa tạng và tử vong. Bác sĩ điều trị cho biết bệnh nhân N. bị toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng do ngộ độc phenformin trên nền ĐTĐ type 2.
Trước đó không lâu, Khoa Hồi sức tích cực - BV Bạch Mai tiếp nhận 3 bệnh nhân ĐTĐ với cùng biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, suy tim, suy thận... và được lọc máu nhưng không đáp ứng khiến 2 người tử vong.
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa I Trần Minh Triết, Khoa Nội tổng hợp - BV Đại học Y Dược, dù nỗ lực tối đa để giành lại sự sống cho người bệnh nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Đối với những trường hợp dùng thuốc quá lâu, đến BV cũng không cứu được. Điều đáng nói là nhiều người trong số này đang được điều trị và kiểm soát ĐTĐ rất tốt, song lại bỏ ngang và sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, nghe theo lời quảng cáo truyền miệng, tự đẩy mình tình cảnh tiền mất tật mang.
Thời gian gần đây, vấn đề sử dụng phenformin để sản xuất thuốc điều trị ĐTĐ ngày càng phức tạp, đa dạng và khó kiểm soát. Các loại thuốc điều trị ĐTĐ có chứa phenformin được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau: Dạng viên thuốc gia truyền, thuốc tễ, tiểu đường hoàn, viên tiểu đường…
BS Bùi Văn Long, Khoa Khám bệnh - BV Nội tiết Trung ương, cho biết trong quá trình thăm khám, điều trị, các BS gặp khá nhiều người bệnh tiểu đường vì tâm lý "sợ thuốc tây" nên cứ nghe mách bảo dùng loại thuốc nam, thuốc tễ xanh đỏ chữa khỏi ĐTĐ là tin tưởng dùng và bỏ thuốc tây đang điều trị. Điều này rất nguy hiểm và thực tế đã có không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng đường huyết cao vọt, thậm chí hôn mê.
Ẩn họa phenformin
Theo các chuyên gia, phenformin được phát hiện vào năm 1957 dùng để điều trị ĐTĐ. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, người ta nhận thấy phenformin giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, vào những năm 1970, phenformin dần bị hạn chế sử dụng và bị cấm lưu hành ở Mỹ cũng như các nước khác vào năm 1978.
Dù vậy, tại Việt Nam cũng như một vài nước châu Á khác thì phenformin vẫn lén lút được sản xuất và lưu hành dưới dạng thuốc cặp điều trị ĐTĐ. "Chừng nào không ngăn chặn được dạng thuốc trộn tân dược này thì cộng đồng còn đối diện những ẩn họa chết người không lường trước" - một chuyên gia khuyến cáo.
Người lao động