MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dùng tiền và quyền lực, Trung Quốc tham vọng chi phối truyền thông toàn cầu và họ đang thành công

11-05-2021 - 11:51 AM | Tài chính quốc tế

Dùng tiền và quyền lực, Trung Quốc tham vọng chi phối truyền thông toàn cầu và họ đang thành công

Thời điểm đại dịch Covid-19 nổ ra ở Vũ Hán trước khi lây lan toàn thế giới, Trung Quốc đã sẵn sàng để kể câu chuyện của riêng họ tới cả thế giới bằng hệ thống mà họ xây dựng nhiều năm.

Vào mùa thu năm 2019, ngay trước khi biên giới toàn cầu buộc phải đóng lại vì đại dịch Covid-19, một hiệp hội nhà báo quốc tế đã ngồi lại và thảo luận với nhau về một chủ đề liên tục xuất hiện trong các cuộc trò chuyện thân mật: Trung Quốc đang làm gì?

Những gì diễn ra trong cuộc thảo luận thật đáng kinh ngạc. các nhà báo từ những quốc gai nhỏ bé như Guinea-Bissau đã được mời ký thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc của họ. Ở Sirbia có ấn phẩm China Daily bằng tiếng Anh và cả tiếng địa phương. Một nhà báo Philippines ước tính rằng hơn một nửa số câu chuyện trên một tờ báo của Philippines có liên quan đến Tân Hoa Xã….

Chính những sự chắp vá câu chuyện ở nhiều quốc gia đã vẽ lên một bức tranh tổng thể, nơi tin tức toàn cầu, vốn bị chi phối bởi báo chí phương Tây, đang dần thay đổi bởi sự nổi lên của Trung Quốc. Với tiền nhiều và ảnh hưởng lớn, Bắc Kinh đang đưa quan điểm của mình xuất hiện trên truyền thông nhiều quốc gia khắp toàn cầu.

Dùng tiền và quyền lực, Trung Quốc tham vọng chi phối truyền thông toàn cầu và họ đang thành công - Ảnh 1.

Ngay lập tức, có một câu hỏi đặt ra là: Trung Quốc sẽ làm gì với thứ quyền lực mới này? Đại dịch Covid-19 phần nào cho thế giới thấy về cách Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng cùa mình với truyền thông toàn cầu để định hướng dư luận.

Ngày 12/5, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế, một tổ chức có trụ sở tại Brussels, Bỉ, sẽ công bố báo cáo cho thấy Trung Quốc muốn làm gì với nền tảng truyền thông toàn cầu mà họ dày công xây dựng lên thời gian qua. Tuy nhiên, một phần báo cáo đã được gửi tới nhiều phóng viên và New York Times đã có cơ hội xem trước.

"Khi đại dịch bắt đầu lan rộng, Bắc Kinh sử dụng ‘cơ sở hạ tầng truyền thông’ của mình trên khắp toàn cầu để lan truyền những câu chuyện tích cực của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tung thêm nhiều chiến thuật mới lạ như đưa ra các thông tin sai lệch", bà Louisa Lim, giảng viên cao cấp tại Đại học Melbourne cho biết trong báo cáo.

Bản báo cáo này được cho là lời cảnh báo cho những gì phương Tây đã bỏ lỡ khi họ ngày càng hướng nội còn Trung Quốc lại ngày càng hướng ngoại. Bắc Kinh cũng không phủ nhận điều này. Họ cho biết chiến lược truyền thông của mình đang áp dụng không khác gì các công ty toàn cầu hùng mạnh đã làm trong hơn một thế kỷ qua.

"Đưa ra cáo buộc với Trung Quốc là điều mà Mỹ đã và đang làm từ trước tới nay", Zhao Lijian, Phó Tổng cục trưởng Cục Thông tin thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trả lời New York Times thông qua tin nhắn WeChat sau khi được mô tả về bản báo cáo sắp được công bố.

Bên cạnh mặt trận truyền thông, Trung Quốc cũng mạnh tay hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng của đại dịch, chẳng hạn cung cấp khẩu trang và đồ bảo hộ, sau đó là vắc xin tới các nước. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tung nhiều biện pháp để đảm bảo thông tin về nguồn gốc đại dịch và chính sách ngoại giao của nước này được mô tả theo hướng có lợi nhất có thể.

Dùng tiền và quyền lực, Trung Quốc tham vọng chi phối truyền thông toàn cầu và họ đang thành công - Ảnh 2.

Vắc xin được sử dụng như một công cụ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu trong đại dịch Covid-19.

Tại Italy, Trung Quốc tạo áp lực để truyền thông đăng tải bài phát biểu mừng Giáng sinh của ông Tập Cận Bình và dịch nó sang tiếng Ý. Tại Tunisia, Đại sứ quán Trung Quốc tặng nước rửa tay và khẩu trang cho các đoàn nhà báo cùng thiết bị truyền hình đắt tiền cho những đơn vị sản xuất nội dung ủng hộ Trung Quốc.

Thực tế, cả chiến dịch truyền thông lẫn những lô vắc xin đều gắn liền với kế hoạch đầu tư toàn cầu có tên Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đang theo đuổi. Nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, Trung Quốc cho nhiều nước vay tiền đi kèm với các yếu tố ràng buộc cùng với việc kỳ vọng Bắc Kinh sẽ nhận được ủng hộ trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, con đường của Bắc Kinh không thực sự dễ dàng. Hàng loạt các vấn đề nội tại của Trung Quốc đang khiến nhiều quốc gia đưa ra yêu cầu chặt chẽ hơn với truyền thông nhà nước Trung Quốc khi hoạt động trên lãnh thổ của họ. Thậm chí, cơ quan quản lý truyền thông ở Vương quốc Anh đã thu hồi giấy phép của một trong những đài truyền hình lớn của Trung Quốc.

Dẫu vậy, điều này không tạo ra nhiều ảnh hưởng với chính sách của Trung Quốc. Bắc Kinh tập trung vào những quốc gia không có sức mạnh văn hóa và tài chính như các nước châu Âu nhưng lại có phiếu bầu ở Liên Hợp Quốc. Những hành động, tưởng chừng rời rạc và đơn lẻ, đều có sự tính toán kỹ lưỡng.

Trong khi đó, Trung Quốc gây nhiều khó khăn cho phóng viên nước ngoài tác nghiệp bên trong lãnh thổ của họ. Điều này khiến nhiều hãng thông tấn ngày càng phụ thuộc vào nguồn tin chính thống từ Trung Quốc. Những phóng viên đang hoạt động cũng dễ dàng bị rút phép nếu đưa những thông tin không có lợi cho Trung Quốc. Thậm chí, một tổ chức phi chính phủ còn cho biết Trung Quốc chi hàng trăm triệu USD để lan truyền thông tin về họ.

Ở phương Tây, người ta gần như không thấy ảnh hưởng nhưng ở nhiều quốc gia và nền kinh tế nhỏ, có thể nhận ra sự thiên vị dành cho Trung Quốc.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên