Đứng top 30 diện tích trồng, Việt Nam vẫn nhập khẩu không ngừng nghỉ loại hạt này: 7 tháng đã mua gần 6 triệu tấn
Không thiếu đất trồng nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu lượng lớn mặt hàng này mỗi năm.
Nhằm phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi, Việt Nam liên tục nhập khẩu lượng lớn ngô trong những năm qua.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt trên 5,74 triệu tấn, trị giá trên 1,43 tỷ USD. Sản lượng và kim ngạch đều tăng nhưng giá nhập khẩu trung bình lại giảm 24,1% so với 7 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, riêng tháng 7/2024 tăng 36,4% về lượng, tăng 35,3% kim ngạch so với tháng 6/2024; so với tháng 7/2023 thì tăng mạnh 49,4% về lượng, tăng 21,2% về kim ngạch.
Argentina là đối tác thương mại chính của Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu ngô, đạt gần 3,19 triệu tấn, tương đương trên 772,29 triệu USD, tăng 130% về lượng, tăng 71% kim ngạch so với cùng kỳ. Thị trường này chiếm 55,5% trong tổng lượng và chiếm 54% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước.
Thị trường lớn thứ 2 là Brazil, chiếm 28% trong tổng lượng và chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước. Tăng trưởng 14% về lượng, nhưng giảm 12% về kim ngạch và giá giảm 23% so với 7 tháng đầu năm 2023.
Lào là thị trường lớn thứ 3, đạt 74.589 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, chiếm 1,3% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước.
Ngô là mặt hàng quan trọng trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngô thường chiếm khoảng 25-40% trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm tùy theo giai đoạn phát triển, trạng thái sinh lý của cơ thể của loại vật nuôi. Mặt hàng này cũng gắn chặt với chăn nuôi, với những nước sản lượng ngô càng nhiều, chăn nuôi càng phát triển.
Theo Statista, Việt Nam thuộc một trong số 30 quốc gia trồng ngô lớn nhất trên thế giới nhưng đồng thời cũng nằm trong nhóm các quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới đứng sau Trung Quốc, châu Âu, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ai Cập.
Việt Nam từng sản xuất sản lượng ngô khổng lồ. Theo báo cáo của USDA, sản lượng ngô của Việt Nam bắt đầu tăng lên từ những năm 1980, tuy nhiên xu hướng bắt đầu giảm dần từ năm 2015/2016, đồng nghĩa với việc lượng ngô nhập khẩu tăng đột biến.
Việc nhập khẩu ngô với số lượng lớn không chỉ tạo ra áp lực lên cán cân thương mại mà còn đặt ra nhiều thách thức về an ninh lương thực và sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của việc tăng cường nhập khẩu là do sản lượng ngô trong nước không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là từ ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc.
Hiện tại, ngô còn được xem là nguồn nguyên liệu quan trọng để tạo ra ethanol, đặc biệt là tại Ấn Độ. Nỗ lực sản xuất nhiều ethanol từ ngô của Ấn Độ đã biến quốc gia xuất khẩu ngô hàng đầu châu Á thành quốc gia nhập khẩu ròng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, gây sức ép lên các nhà sản xuất gia cầm địa phương và làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhu cầu quá lớn khiến quốc gia Nam Á đẩy mạnh nhập khẩu và giảm xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu truyền thống như Việt Nam, Bangladesh, Nepal và Malaysia, vốn mua ngô từ Ấn Độ vì nguồn cung sẵn có, hiện buộc phải tìm nguồn cung từ Nam Mỹ và Hoa Kỳ.
Ấn Độ từng nằm trong top 3 nhà cung cấp ngô lớn nhất cho Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, nước ta đã cắt giảm lượng ngô nhập khẩu từ thị trường này gần đây vì giá ngô của Ấn Độ quá cao.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Made in Vietnam
Xem tất cả >>- Thế giới đang cạn kiệt loại hạt đặc biệt này: Giá tăng gấp 2 nhu cầu vẫn không giảm, Việt Nam lại đang trồng ngày càng nhiều, hương vị top đầu thế giới
- Việt Nam vừa ghi nhận một kỷ lục lịch sử, Mỹ và Trung Quốc đóng góp nhiều nhất
- "Mỏ vàng" của Việt Nam tiếp tục "mang tiền về cho mẹ", có cơ hội thu về 16 tỷ USD trong năm nay
- Lộ diện ‘khách sộp’ chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu rau quả Việt Nam
- Một mỏ vàng của Việt Nam đang được Mỹ, Trung Quốc, Campuchia liên tục săn đón: Nước ta có sản lượng hơn 20 triệu tấn, các đại bàng liên tục rót vốn đến đầu tư