MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đứng top đầu lĩnh vực xuất khẩu mực sushi, EPS hơn 3.000 đồng, Kihusea liệu có đáp ứng kỳ vọng tăng trưởng 62% so với giá chào sàn?

Năm 2016, doanh thu và lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đạt lần lượt là 904 tỷ đồng và 24 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 3.903 đồng – một con số trong top cao so với các DN thủy sản đang niêm yết khác.

Ngày 26/12/2017, CTCP Kiên Hùng (Kihusea) đưa 10,7 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HNX với giá chào sàn 14.500 đồng/cp, mã chứng khoán KHS. Đây là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản với mặt hàng chủ lực là mực sushi và cá đông lạnh. Kiên Hùng cũng được biết đến là doanh nghiệp chế biến bột cá với nhà máy có công suất trong top lớn nhất Việt Nam (33.000 tấn/năm).

Với giá chào sàn 14.500 đồng/cp, giá trị vốn hóa của Kihusea đạt mức hơn 155 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư tổ chức vào ngày 25/12, CTCK VietinBank cho rằng giá cổ phiếu KHS có thể lên tới 23.500 đồng/cp (cao hơn 62% so với giá chào sàn) trong vòng 12 tháng tới, tương ứng giá trị vốn hóa hơn 250 tỷ đồng, tức tương đương CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), vượt qua nhiều công ty thủy sản khác trên sàn như Thủy sản số 4 (TS4), XNK An Giang (AGM)…

Các nhà đầu tư đặt câu hỏi: Kihusea có xứng đáng với mức giá đó?

Theo VietinbankSc, điều có thể nhìn thấy ngay là con số về kết quả kinh doanh của Kihusea. Năm 2016, doanh thu và lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đạt lần lượt là 904 tỷ đồng và 24 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 3.903 đồng – một con số trong top cao so với các DN thủy sản đang niêm yết khác. Năm 2017, doanh thu và LNST công ty mẹ dự kiến vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng lần lượt 22% và 13,4%. Mặc dù đã tăng vốn lên 107 tỷ đồng, EPS năm 2017 của Kihusea vẫn ở mức hơn 3.000 đồng.

Quan trọng hơn, Kihusea được đánh giá có triển vọng tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 3 năm tới, với tốc độ tăng trưởng bình quân CAGR của doanh thu và LNST dự kiến đạt 15% và 20%, đến từ sự đóng góp của Nhà máy đông lạnh mới với công suất tăng gấp đôi, đạt 3.000 tấn/năm.

Theo giới thiệu, DN này tập trung vào mặt hàng đông lạnh giá trị gia tăng (GTGT) mà chủ yếu là sushi mực. Tỷ trọng hàng GTGT đang có xu hướng tăng dần qua các năm, từ 20% lên 35% trong 3 năm trở lại đây và dự kiến sẽ đạt trên 50% trong năm 2018 (cao hơn mức bình quân ngành khoảng 35%).

Tuy có quy mô nhỏ nhưng xét trong ngành xuất khẩu mực, Kiên Hùng là doanh nghiệp đứng đầu. Mặt hàng sushi tươi sống của công ty đã có mặt tại thị trường Nhật Bản 13 năm. Tính đến hết tháng 11 năm 2017, KHS là doanh nghiệp số 1 Việt Nam về sản lượng xuất khẩu mực sushi vào thị trường Nhật. Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu khách hàng thường xuyên vượt quá năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, định hướng đẩy mạnh mặt hàng này sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng lớn khi dự án nhà máy đông lạnh mới đi vào hoạt động cuối năm 2018 và dự án nuôi tôm công nghệ cao được triển khai.

Bên cạnh đó, sản phẩm surimi cũng đang trong quá trình định hướng chiến lược phát triển mới, với công suất mới đạt 9.000 tấn/năm (tăng so với mức 5.000 tấn), dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào Doanh thu và lợi nhuận của DN khi bước vào giai đoạn ổn định.

Về sản phẩm bột cá, hiện Kiên Hùng đang cung ứng ra thị trường các sản phẩm với độ đạm 55%, 60%, 65% và 67% cho thị trường đầu ra là ngành Thức ăn chăn nuôi. Bột cá chính là nhóm sản phẩm giúp DN đa dạng hóa nguồn thu, giảm thiểu rủi ro trước những biến động ngành thủy sản. Theo số liệu trong bản công bố thông tin, tỷ trọng đóng góp của mảng bột cá vào doanh thu thường chiếm trên 50%, quy mô hiện khoảng 500 tỷ đồng/năm.

VietinbankSc kỳ vọng rằng mảng bột cá sẽ mang lại dòng tiền đáng kể khi gia tăng năng lực sản xuất trong thời gian tới nhờ (1) nhu cầu TACN nội địa dự báo tiếp tục gia tăng (CAGR 2018-2020 đạt 5-6%/năm theo dự báo USDA), (2) đẩy mạnh thị trường xuất khẩu như Thái Lan, Nhật Bản. Thị trường đầu ra ổn định với các khách hàng lớn cả trong và ngoài nước (Nhật Bản, EU).

Rủi ro của doanh nghiệp mực

Như mọi doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Kiên Hùng không tránh khỏi sự phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt, sự suy giảm nguồn lợi thủy sản qua các năm trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng… Bên cạnh đó, doanh nghiệp thủy sản luôn đối mặt với sự bất ổn từ các thị trường xuất khẩu do biện pháp bảo hộ từ các nước này.

Đối với Kiên Hùng, thị trường đầu ra được đánh giá là ổn định khi thị trường mục tiêu là Nhật Bản chiếm tới hơn 60% doanh thu. Tại buổi giới thiệu, Công ty cho biết có kế hoạch mở rộng thị trường sang Canada, Mỹ và tiếp cận thị trường khổng lồ Trung Quốc, tuy nhiên việc này chỉ thực hiện được khi công ty nâng công suất nhà máy, do hiện tại chỉ sản xuất cho thị trường Nhật Bản cũng đã chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Được biết, trong tháng 10/2017, Kihusea Việt Nam đã đạt được yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho tập đoàn Sushiro - Tập đoàn sushi lớn nhất Nhật Bản với chuỗi hơn 500 nhà hàng tại Nhật Bản và thế giới. Lô hàng đầu tiên 25 tấn sushi đã được xuất cho Sushiro trong tháng 11/2017.

Chả cá/surimi là sản phẩm của công ty con AOKI, liên doanh giữa KHS (nắm giữ 51%) và Neptune S.A.S - thương hiệu sản phẩm surimi cao cấp Alliance Ocean. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu tại thị trường châu Âu thường chiếm tới trên 50% giai đoạn trước năm 2016. Tuy nhiên trong năm 2017, trước tình hình tiêu thụ tại thị trường này giảm mạnh do cạnh tranh về giá bán, nhằm hạn chế rủi ro biến động từ thị trường này cũng như đa dạng hóa đầu ra, KHS đã nhanh chóng đẩy mạnh các thị trường như Nhật và Hàn Quốc, tăng tỷ trọng lên lần lượt 54% và 34%.

Về chi phí, việc xây dựng nhà máy mới đặt Kiên Hùng trước áp lực tăng chi phí khấu hao và chi phí tài chính. Được biết, trong tháng 10/2017, Công ty đã khởi công xây dựng dự án nhà máy đông lạnh tại KCN Thạnh Lộc với tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, công suất 3.000 tấn/năm, nâng năng lực chế biến tăng gấp đôi so với hiện tại. Dự án dự kiến được hoàn thiện và bắt đầu cho ghi nhận doanh thu từ năm 2019.

VietinbankSc dự báo chi phí tài chính trong giai đoạn 2018-2020 sẽ ở mức bình quân khoảng 22 tỷ/năm, chủ yếu phát sinh từ các khoản vay dài hạn tài trợ khoản đầu tư vào dự án NMĐL và dự án nuôi tôm công nghệ cao. Lãi vay ngắn hạn dao động khoảng từ 10-12 tỷ/năm phục vụ chủ yếu cho nhu cầu vốn lưu động. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở đi lãi vay sẽ giảm dần.

Biên lợi nhuận gộp mảng đông lạnh sẽ giảm khi nhà máy mới đi vào hoạt động năm 2019 do chi phí khấu hao tăng, tuy nhiên sẽ được cải thiện ngay trong năm sau khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định giúp tiết giảm các chi phí khác, cũng như tăng tỷ trọng hàng GTGT. Biên LNG mảng surimi sẽ được tăng đáng kể ngay từ năm 2018 do không còn khoản lỗ định phí như giai đoạn đầu năm 2017 cũng như dự báo tình hình thị trường được cải thiện. DN thoát lỗ và có lợi nhuận trở lại kể từ năm 2018.

Một lợi thế khác của Kiên Hùng là công ty được miễn thuế TNDN theo NĐ số 12/2015/NĐ-CP đối với thu nhập từ công ty mẹ và thuế TNDN 20% đối với công ty con.

Đánh giá sơ bộ, Kihusea là một gương mặt khá nổi bật của ngành thủy sản khi niêm yết trên sàn chứng khoán mặc dù ngành này ít được nhà đầu tư quan tâm trong những năm qua. Một điểm trừ của cổ phiếu KHS vốn nhỏ và có thể mức thanh khoản của cổ phiếu sẽ khá thấp. Vì vậy, việc KHS có thể lên đến mức giá mà VietinbankSc định giá hay không, thời gian sẽ trả lời.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên