Dùng TTCK để định giá Sabeco và Habeco trước khi nhà nước thoái vốn, có hợp lý?
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng đây là giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện nay nhưng cũng chỉ là yếu tố tham khảo.
- 28-09-2016Chạy đua “vét” cổ phiếu Bia Sài Gòn trước khi lên sàn HOSE
- 26-09-2016Bộ Công Thương đồng ý cho Sabeco niêm yết trên sàn Hose
- 22-09-2016Sabeco chưa lên sàn nhưng cổ đông tại hàng loạt công ty thành viên đã “mở bia” ăn mừng
- 21-09-2016Chuẩn bị lên sàn, giá chào mua cổ phiếu Sabeco đã tăng phi mã, chạm ngưỡng 100.000 đồng/cp
Theo kế hoạch thoái vốn nhà nước, dự kiến, toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (BHN) khoảng 9.000 tỷ đồng (tương đương 81,79% vốn điều lệ) sẽ được thoái vốn trong năm 2016.
Còn tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), việc thoái vốn sẽ được chia làm 2 đợt. Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ (tương đương 24.500 tỷ đồng) trong năm 2016. Đợt 2 sẽ thoái tiếp 36% vốn điều lệ (tương đương 16.000 tỷ đồng) trong năm 2017 sau khi Sabeco niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Thông tin mới nhất được ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco (hiện nay là vụ trưởng, thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Công Thương) đưa ra, hiện Sabeco đang ký hợp đồng với tư vấn. Tuy nhiên, ông Tuất không tiết lộ mức giá bán và cho biết công ty tư vấn và Sabeco sẽ cùng thẩm định để xác định giá bán cho Sabeco theo đúng giá thị trường.
“Không ai xác định giá trị đúng bằng thị trường, cứ lên sàn sẽ biết giá chính xác. Hiện có công ty tư vấn họ làm, còn những mức giá được đưa ra gần đây chỉ là dự báo, còn chủ trương của Chính phủ là thị trường sẽ quyết định” - ông Tuất nói.
Cũng theo ông Tuất, trong kế hoạch được công ty tư vấn xây dựng, sẽ đưa ra mức giá sàn. Việc này là thực hiện theo đúng quy trình làm cổ phần hóa, yêu cầu phải xác định giá. Tuy nhiên, đây chỉ là giá tham khảo đưa ra thị trường, nên giá bán cuối cùng sẽ do thị trường quyết định.
Việc đưa 2 doanh nghiệp lên sàn để dùng Thị trường chứng khoán “định giá” doanh nghiệp trước khi Nhà nước thoái vốn là một ý tưởng mới mẻ. Khi được hỏi về vấn đề này, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng đây là giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện nay nhưng cũng chỉ là yếu tố tham khảo.
Theo ông Hiển, đa phần các DN bán cổ phần ra công chúng thường có giá cao hơn giá đang niêm yết trên TTCK. Có hai nguyên nhân để nhà đầu tư chấp nhận sở hữu cổ phần với giá cao hơn thực tế do nhà đầu tư có thể dễ dàng mua cổ phiếu trong các phiên IPO với khối lượng lớn. Sau đó, với số lượng nắm giữ lớn, nhà đầu tư chiến lược có thể dễ dàng nắm quyền điều hành DN trong tương lai.
Một DN muốn bán được cổ phần với giá cao đòi hỏi phải có bộ máy điều hành năng động và chiến lược phát triển rõ ràng. Ngoài ra, muốn bán được giá cao, DN phải tìm được đối tác không chỉ có năng lực tài chính mà còn phải thích hợp với hoạt động của DN.
Tuy nhiên, với trường hợp này lại có thể không đúng với Sabeco. Hiện Heineken đang nắm giữ 60% cổ phần tại Công ty TNHH Heineken Việt Nam (tiền thân là Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam - VBL) và 5% cổ phần tại Sabeco. Tuy nhiên, nếu Heineken trở thành đối tác chiến lược của Sabeco sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền trên thị trường bia.
Thực tế cho thấy, các DNNN dù có được tổ chức tư vấn nước ngoài nhưng việc định giá vẫn chưa thật sự hiệu quả. Thậm chí, có ý kiến cho rằng việc định giá này chưa sát với thực tế và gây thoát thoát vốn cho NN.
Ngược lại, nhiều DN lại tự đánh giá về tiềm năng lợi thế hay thương hiệu mình quá lớn. Việc này dẫn dẫn việc định giá quá cao và không nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.
Chính vì những lý do này, việc Thủ tướng có yêu cầu Sabeco và Habeco tiến hành niêm yết trước sau đó mới bán cổ phần là giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Nhưng đây chỉ là giải pháp tham khảo chứ không phải là yếu tố quyết định đến giá cổ phần.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vừa chọn được cổ đông chiến lược trên sàn chứng khoán vừa bán được cổ phần với giá cao.
Trí Thức Trẻ