Đừng tuyệt vọng nếu rơi xuống vực thẳm cuộc đời: Câu chuyện người trong lòng đại dương của vị đại sư này sẽ giúp bạn lấy lại ý chí!
Rơi xuống đáy vực thẳm liệu có phải là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời? Đừng sợ khó khăn vấp ngã, bởi “thất bại theo cách tốt hơn” nghĩa là bạn bắt đầu có khả năng kiểm soát cái tôi gọi là “đặc tính dễ bị tổn thương nguyên sơ” trong trái tim mình.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về người sáng lập Đại học Phật giáo Naropa, Đại sư Chögyam Trungpa, và cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi với ông. Cuộc phỏng vấn này diễn ra vào khoảng thời gian cuộc sống của tôi đã hoàn toàn vỡ vụn, nhưng tôi vẫn quyết định đến đó, như muốn tìm người lắng nghe về thất bại của tôi và thực tế rằng, tôi đã hoàn toàn bị đánh gục, tôi là kẻ thất bại.
Khi tôi ngồi xuống trước mặt ông, nghe ông hỏi: “Việc tập thiền của bạn sao rồi?”
“Cũng ổn”, tôi đáp.
Và sau đó chúng tôi bắt đầu nói chuyện, nhưng chỉ là câu chuyện phiếm, cho đến khi ông đứng lên và nói: “Tôi rất vui khi được gặp bạn” và bắt đầu cùng tôi đi ra cửa. Nói cách khác, cuộc phỏng vấn đã kết thúc.
Tại thời điểm đó, mọi chuyện tưởng như đã khép lại, tôi bỗng nghẹn ngào nói ra toàn bộ câu chuyện của mình: “Cuộc sống của tôi đã chấm dứt. Tôi như bị rơi xuống đáy vực nhưng không biết phải làm gì, xin hãy giúp tôi”.
Và đây là những lời khuyên Trungpa Rinpoche đưa ra. Ông nói: “Hãy tưởng tượng, giống như khi bạn bước vào lòng đại dương và bất ngờ, một con sóng lớn ập đến xô ngã bạn. Bạn bị rơi xuống đáy vực, miệng và mũi đầy cát và bạn cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng. Khi đó, bạn có 2 sự lựa chọn, một là nằm ở đó, hai là đứng lên và tiếp tục bước ra biển.
Về cơ bản, bạn sẽ đứng dậy, bởi tiếp tục nằm đó tương đương với việc lựa chọn cái chết. Lựa chọn thứ nhất ẩn dụ điều mà nhiều người trong chúng ta chọn để làm tại thời điểm đó. Nhưng, bạn có thể chọn vế thứ hai, đứng lên và bắt đầu hành trình, dù sau đó, một con sóng dữ khác ập tới và lại xô ngã bạn.
Những con sóng lớn cứ tiếp tục tiến tới và bạn tiếp tục rèn luyện lòng can đảm và sự lạc quan, dù chuyện gì xảy ra, bạn vẫn đứng dậy và đi về phía trước. Sau một thời gian, bạn bỗng nhiên cảm nhận những con sóng dần nhỏ hơn, không còn đủ sức làm bạn gục ngã".
Đó chính là lời khuyên cuộc sống tốt đẹp mà Trungpa dành cho tôi. Khi đó, không phải những con sóng dữ dừng tấn công, mà bởi bạn đã được tôi luyện để kìm giữ đặc tính dễ bị tổn thương nguyên sơ trong trái tim con người. Không có nghĩa là những cơn sóng dữ sẽ không tới nữa; mà đó là bởi vì, những cơn sóng có vẻ như trở nên nhỏ dần lại, và chúng không thể quật ngã bạn nữa.
Điều tôi muốn nói là hãy cứ thất bại. Sau đó, lại thất bại một lần nữa, bạn sẽ nhận ra điều mà tôi nói tới. Và khi điều đó lặp lại, mọi việc không theo ý muốn, bạn sẽ thất bại nhẹ nhàng hơn. Nói cách khác, bạn có thể đối mặt với thất bại thay vì giấu giếm, đổ lỗi cho người khác hay suy nghĩ tiêu cực. Thất bại chưa hẳn khiến mọi thứ tốt hơn mà nó trở thành một nguồn lực giúp bạn tiến về phía trước, nguồn lực để “thoát ra khỏi đặc tính nguyên sơ, bạn có thể kết nối với người khác”.
Thực chất, thất bại trở thành một nền tảng phong phú, màu mỡ, hơn là một “cái tát vào cuộc sống”. Đó là lý do tại sao, trong câu chuyện Trungpa Rinpoche mà tôi chia sẻ, những con sóng dữ ngày càng nhỏ và không còn đủ sức quật ngã bạn. Vẫn là những con sóng ấy, nhưng bạn đã rèn luyện được khả năng bơi trên biển hay thuần phục những con sóng, bạn không còn yếu đuối như trước.
Và điều này không có nghĩa, thất bại sẽ không đau đớn. Bạn có thể sẽ đánh mất những người mình yêu thương. Mọi thứ xảy ra có thể sẽ khiến trái tim bạn tan vỡ, nhưng bạn có thể lưu giữ những thất bại và mất mát đó như một phần trải nghiệm tất yếu của cuộc sống, và rồi chính điều đó sẽ giúp bạn kết nối với những người khác.