MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng vội ‘mơ’ lãi suất cho vay giảm ngay

25-09-2019 - 07:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước chưa tác động ngay đến thị trường.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã quyết định giảm 0,25% lãi suất tái cấp vốn; lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ với các ngân hàng; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10-2017, NHNN giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã hạ lãi suất nhiều lần từ đầu năm đến nay để hỗ trợ nền kinh tế.

Hỗ trợ các ngân hàng, nền kinh tế

Trao đổi với báo chí về nguyên nhân giảm lãi suất điều hành, đại diện NHNN giải thích: Giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

“Trong bối cảnh hiện tại, NHNN thực hiện giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng” - đại diện NHNN cho hay.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, bình luận lãi suất điều hành chỉ giảm 0,25% hầu như không tác động ngay đến thị trường nhưng tạo ra một không gian để NHNN có thể dễ dàng điều chỉnh chính sách, đồng thời tạo tâm lý tích cực tới thị trường. “Từ nay đến cuối năm, NHNN có thể xem xét giảm thêm lãi suất điều hành, khi đó mới có giá trị thực trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế” - ông Nghĩa phân tích.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI, nhìn nhận: Trong ngắn hạn, mặt bằng lãi suất giao dịch trên liên ngân hàng và lợi tức trái phiếu chính phủ các kỳ hạn ngắn trên thứ cấp là hai đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ việc điều chỉnh lãi suất trên thị trường mở.

Bằng chứng là trong ngày nhận được thông tin giảm lãi suất điều hành, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng đã giảm mạnh xuống 2,78%/năm, giảm 20 điểm phần trăm; lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1-3 năm giảm 6-12 điểm phần trăm xuống quanh mức 2,6%/năm.

Trong điều kiện lý tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng và môi trường thanh khoản được kỳ vọng dồi dào sẽ tạo cơ sở để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1, tức lãi suất huy động của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế. Tuy vậy, việc tác động cần một thời gian dài.

Đừng vội ‘mơ’ lãi suất cho vay giảm ngay - Ảnh 1.

Mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo khó giảm sâu trong thời gian tới. Ảnh: TL

Kẻ được, người mất

Công ty Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá việc NHNN giảm lãi suất làm giảm tỉ giá giữa VND và nhân dân tệ của Trung Quốc, tránh việc ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh của Việt Nam với đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.

“Thị trường đón nhận thông tư này khá tích cực khi đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chính sách nới lỏng kinh tế” - BSC nhìn nhận.

Tuy vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích: Việc cắt giảm lãi suất điều hành khá thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay. Do đó, ảnh hưởng của động thái cắt giảm lãi suất điều hành tới mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ là không nhiều. Mà nếu có tác động đi chăng nữa thì ít nhất cũng cần độ trễ từ một đến ba tháng nữa.

Tuy vậy, theo ông Hiếu, khi lãi suất giảm đi thì giá trị của tiền đồng cũng giảm và đẩy tỉ giá tăng cao. Thành ra có thể nói việc giảm lãi suất điều hành có thể tác động lên tỉ giá, có lợi cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu và làm tăng giá trị nợ công tính theo tiền đồng. Nhiều khả năng từ nay đến cuối năm, tỉ giá sẽ còn tăng thêm khoảng 2% nữa.

Ở khía cạnh khác, phó tổng giám đốc ngân hàng thương mại đánh giá về mặt lý thuyết khi giảm lãi suất điều hành thì có giảm chi phí cho các ngân hàng nhưng nó tác động như thế nào đến huy động vốn là cả một khoảng cách rất xa. Bởi trên thực tế, khi vay lẫn nhau thì các ngân hàng phải vay theo cơ chế thị trường.

“Bằng chứng là tại một số thời điểm thiếu thanh khoản, thiếu dự trữ bắt buộc so với quy định của NHNN,… có ngân hàng buộc phải vay qua đêm trên thị trường 2 với lãi suất lên tới 15%-18%/năm trong khi lãi suất trên thị trường 1 chỉ 11%-13%/năm. Điều đó cho thấy giảm lãi suất trên thị trường 2 khó có thể kéo giảm lãi suất huy động và cho vay trên thị trường” - vị phó tổng giám đốc ngân hàng nhấn mạnh.

Do vậy, khi được hỏi về dự báo diễn biến mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm, một số chuyên gia nhận định với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, khó giảm.

Giảm lãi suất điều hành tác động thị trường chứng khoán Nhóm nghiên cứu tại Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đúc kết: Theo dõi thị trường tại Việt Nam nhận thấy việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành thường sẽ khiến VN-Index tăng 0,26% ngay trong phiên và kéo dài đến mức 3,4% vào tháng sau. Tuy suy giảm nhẹ sau ba tháng nhưng VN-Index thường tăng điểm trong sáu tháng sau khi việc cắt giảm lãi suất đã có tác động dần vào nền kinh tế.

Hiện tượng tăng điểm của thị trường chứng khoán xảy ra do việc cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Cụ thể, lợi nhuận gia tăng chủ yếu đến từ hai nguyên nhân gồm chi phí đi vay giảm nhẹ sẽ cải thiện hoạt động dòng tiền của doanh nghiệp và tạo thêm nguồn kinh phí để thực hiện thêm các dự án đầu tư, hoạt động tài chính và các thương vụ mua bán và sáp nhập; người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn khi các mức lãi suất cho vay suy giảm và từ đó làm gia tăng trở lại doanh số bán hàng của các doanh nghiệp.

Theo Thùy Linh

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên