MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dược Cửu Long: Chặng đường mới sau tái cơ cấu

06-07-2020 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Dược Cửu Long với những bước chuyển mình mạnh mẽ sau quá trình tái cơ cấu đã chứng minh hướng đi đúng đắn của Ban Lãnh đạo và nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên.

Hai năm trước khi có dịp vào thăm Dược Cửu Long, ấn tượng với tôi là công trường xây dựng ngổn ngang và những người công nhân miệt mài thuần thục vận hành máy móc thiết bị có phần cũ kỹ để sản xuất ra những viên nang phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Công trường ngày đó nay đã hoàn thành và trở thành Nhà máy sản xuất viên nang số 3 của công ty. Mảng sản xuất viên nang đã luôn là thế mạnh của của công ty tại thị trường Việt nam, với nhà máy mới luôn hoạt động hết công suất 3 ca, sản xuất ra 4,743 triệu nang đáp ứng các hợp đồng ngày càng nhiều từ các công ty sản xuất thuốc trong nước.

Tái cơ cấu

Đầu tư cơ bản vào xây dựng nhà máy viên nang số 3 là một quyết định bước ngoặt, đồng thời là một ví dụ điển hình phản ánh chân thực quá trình tái cơ cấu công ty và cả tập đoàn. Trước tái cơ cấu, Dược Cửu Long loay hoay với bài toán phát triển kinh doanh dựa trên nền tảng cũ với năng lực và công nghệ hạn chế. Việc mua nhà máy Euvipharm khi đó thể hiện niềm tin ngây thơ về việc mở rộng kinh doanh nhờ quy mô thông qua thâu tóm. Nhưng Dược Cửu Long đã không thể tạo ra sự cộng hưởng kỳ vọng từ việc thâu tóm này, mà ngược lại đã phải chịu lỗ hợp nhất do nhà máy Euvipharm không hoạt động như kỳ vọng trong và sau quá trình chuyển giao.

Sự đổi mới chiến lược đến từ triết lý đơn giản là tập trung vào khai thác thế mạnh truyền thống và quyết định xây dựng nhà máy viên nang số 3 là một trong các bước đi hiện thực hóa triết lý ấy. Nhưng không có quyết định nào không phải trả giá. Đầu tư bài bản vào xây dựng nhà máy với công nghệ hiện đại và công suất lớn cũng đồng nghĩa với việc hy sinh lợi ích ngắn hạn vì mục tiêu phát triển dài hạn. Sự hy sinh này được nhìn thấy ở nhiều khía cạnh, nhưng với giới đầu tư thì đó là kết quả kinh doanh năm 2018 không mấy ấn tượng với lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Dược Cửu Long: Chặng đường mới sau tái cơ cấu - Ảnh 1.

Bên ngoài nhà máy sản xuất viên nang rỗng của Dược Cửu Long

Kết quả bước đầu

Nhưng cái giá phải trả đó có thể đã là quá nhỏ. Năm 2019 đánh dấu sự hoàn thành và hoạt động của nhà máy sản xuất viên nang số 3. Công suất sản xuất tăng cùng với những hợp đồng mới từ các công ty sản xuất thuốc tân dược và đông dược lớn trong nước phản ánh triết lý tập trung vào thế mạnh truyền thống đã đúng hướng. Và hơn thế, nỗ lực sửa sai từ quyết định mua nhà máy Euvipharm ngày trước đã không những không có thêm gánh nặng tài chính nào, mà ngược lại, còn mang lại lợi nhuận từ chuyển nhượng cổ phần khi ban lãnh đạo công ty quyết tâm thoái vốn khỏi nhà máy này. Đó là một tài sản tốt nhưng lại không tương thích với Dược Cửu Long.

Việc bán Euvipharm được hoàn tất ngày 30/08/2019, đồng nghĩa với việc từ đó công ty không phải chịu lỗ hợp nhất, đồng thời mang lại dòng tiền lớn phục vụ cho hoạt động thế mạnh của công ty ở lĩnh vực dược phẩm, sản xuất viên nang và thiết bị y tế. Cụ thể, ngoài việc dự chi xây dựng nhà máy viên nang mới số 4 và nhà máy thiết bị y tế, khoản thu bán Euvipharm đã được sử dụng hợp lý và hiệu quả với việc hoàn thành đầu tư sửa chữa lớn hai nhà máy sản xuất viên nang cũ, số 1 và 2, và hai nhà máy Betalactam và Non-Betalactam. Đặc biệt, công ty đã bổ sung trang thiết bị hiện đại cho phòng thí nghiệm (Lab) của bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D), hứa hẹn hoàn thành danh mục các sản phẩm mới cho công ty trong năm 2020 và 2021.

Dược Cửu Long: Chặng đường mới sau tái cơ cấu - Ảnh 2.

Phòng thí nghiệm với thiết bị tiên tiến là một khoản đầu tư quan trọng của Dược Cửu Long có được nhờ bán Euvipharm.

Sau tất cả, sự chuyển dịch của quá trình tái cơ cấu đã được thể hiện trên báo cáo tài chính. Năm 2019 cho thấy một kết quả ấn tượng từ lợi nhuận hoạt động mặc dù công ty chủ động giảm doanh thu, đặc biệt giảm kinh doanh các nhóm hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp. Lợi nhuận sau thuế đạt 88.5 tỷ so với chỉ 12.5 tỷ năm 2018. Trong con mắt nhà đầu tư, sự cải thiện trong hiệu quả của hoạt động kinh doanh đã được nhìn thấy.

Bước đi tiếp theo

Đó chắc chắn là những kết quả phản ánh một tương lai đầy hứa hẹn, nhưng với Dược Cửu Long thì đó chưa phải là giới hạn thế mạnh tiềm năng. Hai trong số các bước đi chiến lược tiếp theo của công ty là việc mở rộng nhà máy sản xuất viên nang số 4, đưa công suất lên thêm 2,4 tỷ nang/năm, và xây dựng nhà máy Vật tư y tế thông qua công ty cổ phần Thiết bị y tế Benovas với công suất 480 triệu sản phẩm/năm.

Trong năm 2020, Benovas Ecology đã xin được visa cho 2 loại thuốc chống ung thư, đây là các loại thuốc điều trị trong ung thư có nhu cầu cao tại Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang lại doanh số hàng triệu đô cho năm 2020, góp phần tích cực vào tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận của Dược Phẩm Cửu Long.

Những bước đi chiến lược cùng với với sự tập trung chuyên môn vào hoàn thiện hệ thống bán hàng, phát triển nhân sự và xây dựng hệ thống nhóm hàng trọng tâm với biên lợi nhuận tốt được kỳ vọng sẽ mang lại cho công ty một sự phát triển hoạt động kinh doanh bền vững và lành mạnh tài chính. Năm 2020 công ty dự kiến một sự tăng trưởng doanh thu khoảng 12% và lợi nhuận gộp khoảng 49% so với năm 2019.

Dược Cửu Long: Chặng đường mới sau tái cơ cấu - Ảnh 3.

Nghiên cứu và Phát triển là bộ phận quan trọng trong hoạt động của Dược Cửu Long. Dự kiến năm 2020 và 2021, hàng chục sản phẩm mới sẽ được hoàn tất để bổ sung vào danh mục sản phẩm hiện tại của công ty, chuyển dịch theo hướng biên lợi nhuận cao hơn.

Giá trị công ty

Trong cuộc trò chuyện với nhóm chiến lược tài chính của tập đoàn, tôi được tiếp cận những con số kế hoạch của công ty trong vòng 5 năm tới. Khi thử đưa vào mô hình định giá cổ phiếu dựa trên dòng tiền hoạt động cho doanh nghiệp với những giả định khác nhau về chu kỳ kinh doanh và khả năng hoạt động của nhà máy sản xuất viên nang số 4 và nhà máy sản xuất thiết bị y tế trong 5 năm từ 2020 đến 2024, sau đó là giả định tăng trưởng ổn định đều, và với giả định về rủi ro thị trường như hiện tại, nhóm phân tích chiến lược tài chính công ty tự tin rằng giá trị của mỗi cổ phiếu sẽ ở mức quanh 49,900 đồng. Giá trị đó chính là căn cứ để Đại hội cổ đông thông qua nghị quyết phát hành tăng vốn 25% phục vụ cho các dự án chiến lược nêu trên, đặc biệt là xây dựng nhà máy đạt chuẩn GMP-EU, nhưng với mức giá không dưới 45,000 đồng/cổ phiếu.

Với giới đầu tư, mức giá nào cũng chỉ là tham khảo và có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Nhưng với Dược Cửu Long, giá trị cổ phiếu và trách nhiệm với cổ đông là điều mà Ban lãnh đạo công ty và cán bộ nhân viên đều, đã và đang nỗ lực để tạo ra và bảo vệ.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên