Được lì xì 200k, con trai nói một câu ngay trước mặt khách khiến bố mẹ ngượng chín mặt
Để tránh tình huống khó xử xảy ra, cha mẹ nên dạy con về "tiền", giá trị cũng như cách quản lý, sử dụng chúng.
- 09-02-20241 loại quả ngọt lịm có trên mâm ngũ quả ngày Tết là ‘thuốc’ hạ đường huyết tự nhiên, giúp cải lão hoàn đồng
- 07-02-2024Về quê đón Tết sớm, tôi nhận ra dù có nợ nần chồng chất cũng đừng dễ dàng tiết lộ cho họ hàng
- 06-02-2024Từ anh nông dân đến nam vương người Việt tự tin xuất hiện tại sàn diễn dành cho giới thượng lưu Mỹ
Tết là dịp lễ vui vẻ nhưng đồng thời cũng là thời điểm xảy ra nhiều tình huống khó xử, nhất là khi liên quan đến câu chuyện lì xì. Vợ chồng chị Liên (Hà Nội) năm nay về quê ăn Tết. Đến nhà một người họ hàng, gia đình họ có 3 đứa con, chị đã chuẩn bị sẵn 200k tiền mừng tuổi cho mỗi bé. Sau khi chúc Tết, người họ hàng kia mừng tuổi lại cho con trai chị Liên 600k, thoạt nhìn cả hai bên đều vui vẻ.
Nhưng không ngờ khi đám trẻ chơi với nhau và mở phong bao lì xì ra, lấy số tiền 200k, đứa nhỏ nhất đã bĩu môi nói thẳng: “Eo, mỗi 200k. Lì xì gì mà keo vậy?” khiến không khí bỗng chốc trở nên sượng ngắt. Bố mẹ thằng bé ngượng chín mặt mà vợ chồng chị Liên cũng khó xử vô cùng.
Thực ra, dịp năm mới là thời điểm rất tốt để dạy cho trẻ em hiểu đúng về giá trị của tiền bạc. Là cha mẹ, chúng ta nên nói với con về vấn đề này sớm, đừng nghĩ rằng trẻ con không biết gì. Trẻ thường nhận được lì xì từ nhiều người vào ngày Tết, và dù chúng so sánh lì xì của mình với bạn bè hay so sánh số tiền lì xì từ người này người kia với nhau, xem ai nhiều ai ít, đều ít nhiều làm hỏng không khí Tết. Do đó, chỉ khi con cái xây dựng được quan niệm đúng đắn về tiền bạc, người làm cha mẹ mới không sợ rơi vào tình huống khó xử như chị Liên, Tết mới thực sự rộn ràng và gia đình mới vui vẻ.
Làm sao để nuôi dưỡng quan niệm tiền bạc cho trẻ?
1. Hiểu đúng về tiền mừng tuổi
Trẻ em thường so sánh với nhau vì chúng không hiểu rõ tiền mừng tuổi là gì, nên chúng nghĩ rằng người cho nhiều tiền là tốt với chúng, còn người cho ít tiền là keo kiệt.
Vì vậy, chúng ta cần nói cho trẻ hiểu: tiền mừng tuổi không phải là nghĩa vụ, mà là lời chúc tốt lành. Người lớn tuổi có quyền quyết định, có thể cho tiền hoặc không, và quyết định cho bao nhiêu.
Là người được chúc phúc, trẻ không nên mở phong bao ngay tại chỗ, hãy nhận một cách lễ phép và bày tỏ sự cảm ơn đối với người lớn tuổi, đồng thời đừng quên nói những lời chúc tốt lành cho năm mới.
Tiền lì xì hay tiền mừng tuổi là khoản tiền tốt lành, là lời chúc người lớn gửi đến trẻ em về một năm mới an lành. Vì thế, khi nhận được tiền mừng tuổi trong dịp Tết, trẻ em nên biết ơn, không nên so sánh xem tiền nhiều hay ít.
2. Tiền không thể mua được tất cả
Dù là "coi tiền như vỏ hến" hay "tiền là tối thượng", đều không phải là quan điểm giá trị đúng đắn, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ hiểu đúng về vai trò của "tiền", để tiền trở thành bạn của trẻ, và để trẻ học cách quản lý tiền, chứ không phải bị tiền quản lý.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể đưa trẻ đi tìm hiểu nhiều hơn: những thứ nào cần dùng tiền để mua, và những thứ nào không thể mua bằng tiền, để trẻ có cái nhìn hợp lý về ý nghĩa của tiền.
Tiền là công cụ đo lường giá trị mà chúng ta tạo ra, cũng có thể được sử dụng để đổi lấy vật liệu sống, nhưng tình bạn, sự chân thành, lòng tốt, sự dũng cảm, và nhiều thứ khác, đều không thể được mua bằng tiền, vì thế tiền là bạn tốt của chúng ta, nhưng không phải là tất cả.
Nhận thức đúng đắn về hiệu quả của tiền và cố gắng tự quản lý tiền mừng tuổi trong tay là một bài học cần thiết cho trẻ em trước khi trưởng thành. Nếu bạn không muốn con mình sau này trở thành người tiêu tiền không suy nghĩ, thì bạn cần cho chúng cơ hội để tập luyện, để học cách lập kế hoạch cho số tiền trong tay của mình.
3. Tình yêu là cho đi và nhận lại
Người lớn mừng tuổi để chúc phúc cho trẻ và trẻ cũng có thể gửi lại lời chúc phúc cho người lớn, chẳng hạn như đọc một đoạn vè chúc Tết hay làm một món quà thủ công để tặng.
Trong dịp Tết, việc bày tỏ lời chúc phúc có thể làm cho không khí Tết trở nên sôi động hơn, cũng giúp trẻ em cảm nhận được hạnh phúc của việc "cho đi và nhận lại". Đồng thời, trong dịp Tết, chúng ta cũng có thể gửi lời chúc đến bạn bè và đồng nghiệp, truyền đạt những lời chúc phúc, có thể dùng một phần tiền mừng tuổi để ủng hộ trẻ em khó khăn, hoặc tham gia vào các hoạt động từ thiện địa phương, để trẻ hiểu rằng tình yêu là sự đáp lại và cần được truyền đi.
Khi chúng ta để tình yêu không ngừng lưu chuyển, chúng ta sẽ trở thành một phần của nó, và nhận được nhiều tình yêu hơn từ người khác. "Mọi người vì tôi, và tôi vì mọi người", một ngày nào đó phúc báo sẽ trở về với chính mình.
Phụ nữ mới