Được thi hành song song hai bản án treo?
VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm nhưng chuyên gia cho rằng vẫn có thể thi hành hai bản án treo vì nó xảy ra trong cùng một đại án.
VKSND Tối cao vừa có kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM về phần hình phạt của bốn bị cáo, liên quan đến đại án Phạm Công Danh. Theo đó, VKSND Tối cao đề nghị cấp giám đốc thẩm xét xử lại theo hướng không cho bốn bị cáo này được hưởng án treo.
Hai lần hưởng án treo trong cùng đại án
Theo đó, bốn bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, Hồ Thị Đi bị TAND TP.HCM xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 165 BLHS 1999. Tháng 12-2018, xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm, xử phạt các bị cáo ba năm án treo.
Trong khi trước đó, vào tháng 9-2016, cả bốn bị cáo này đều đã bị xử phạt án treo theo một bản án sơ thẩm khác của TAND TP.HCM. Trong lần xét xử này, bị cáo Vân bị xử phạt về tội cố ý làm trái; ba bị cáo Đi, Thành và Vinh bị xử phạt về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bản án này sau đó có hiệu lực pháp luật.
Sở dĩ có trường hợp hiếm gặp trên là do các bị cáo trên đã bị xét xử trong đại án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho Ngân hàng Xây dựng (nay là CB) được chia thành hai giai đoạn.
Đối với trường hợp của bị cáo Vân, đại án Phạm Công Danh bắt đầu khởi tố từ tháng 10-2014. Sau đó, đến khi xét xử thì vụ án được tách ra giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Giai đoạn 1, Vân bị khởi tố về tội cố ý làm trái theo Điều 165 BLHS 1999 với vai trò giúp sức cho Phạm Công Danh. Cụ thể, Vân đã có hành vi ký hợp đồng cho Ngân hàng Xây dựng thuê trụ sở tại 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM. Xét xử sau đó, tòa đã tuyên phạt bị cáo Vân ba năm án treo.
Giai đoạn 2, bị cáo Vân bị truy tố và xét xử vì đã có hành vi ký khống hồ sơ vay 300 tỉ đồng tại Ngân hàng Sacombank, ký khống hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng liên quan đến Công ty TNHH TM&DV Hương Việt. Quá trình xét xử, hai cấp tòa nhận thấy thực tế bị cáo Vân không quản lý giấy tờ pháp lý và con dấu của công ty cũng như không tham gia họp bàn, biết được chủ trương của Phạm Công Danh. Bị cáo có trình độ học vấn không cao nên nhận thức và hiểu biết pháp luật có phần hạn chế, tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức không đáng kể nên tòa cho bị cáo hưởng án treo.
Phạm Công Danh (hàng đầu, phải) và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: HY
Kháng nghị đúng hay sai?
Theo kháng nghị của VKSND Tối cao, bốn bị cáo này đã được hưởng án treo trong vụ án trước, nay tòa lại xử án treo về một tội phạm được thực hiện trước khi được hưởng án treo là vi phạm Điều 56, Điều 65 BLHS về điều kiện áp dụng án treo.
Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về những trường hợp không cho hưởng án treo có quy định trường hợp: Người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo. Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, tiếp tục xử phạt các bị cáo ba năm tù nhưng cho hưởng án treo là trái quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, luật sư Lê Hà Gia Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, không đồng tình với kháng nghị nêu trên. Bởi VKSND Tối cao kháng nghị với lý do tòa vi phạm Điều 56, Điều 65 BLHS về án treo và nội dung khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 02 nêu trên. Nhưng bị cáo Vân bị đưa ra xét xử trong hai vụ án hình sự, cùng tội danh là tội cố ý làm trái. Trong khi đó khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 02 thì chỉ hạn chế rằng không được hưởng án treo khi bị xét xử về một tội danh khác, như vậy kháng nghị chưa chuẩn xác.
Luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, phân tích không riêng gì bị cáo Vân mà cả bốn bị cáo bị kháng nghị vẫn có thể thi hành cùng lúc hai bản án treo. Bởi luật chỉ quy định về việc không cho bị cáo hưởng án treo nếu có một bản án đã có hiệu lực được xác định là tiền án của bị cáo đó. Tức là không phụ thuộc vào việc các bị cáo phạm một tội hay hai tội trong cùng một đại án mà phụ thuộc vào bị cáo đó có tiền án hay chưa.
Theo quy định pháp luật, người có tiền án (án tích) là người đã bị kết án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án. Người đã được xóa án tích thì coi như chưa bị kết án. Còn trong trường hợp này, bản án giai đoạn 1 xử các bị cáo không được xem là tiền án đối với họ khi họ tiếp tục bị xét xử ở giai đoạn 2 trong cùng một đại án. Vì vậy VKSND Tối cao cho là bốn bị cáo đã hưởng án treo trong lần xét xử giai đoạn 1 của vụ án thì lần xét xử giai đoạn 2 không được hưởng án treo nữa là không có căn cứ.
Đây là tình huống pháp lý khá hy hữu, xin mời bạn đọc tham gia luận bàn.
Từng kháng nghị tương tự nhưng tòa phúc thẩm bác
Đáng chú ý, trước khi xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng đã có kháng nghị tương tự nội dung kháng nghị của VKSND Tối cao lần này. Cụ thể, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng việc cấp sơ thẩm cho bị cáo Vân hưởng án treo là sai. Vì trong lần xét xử ở giai đoạn 1 Vân đã được hưởng án treo thì lần xét xử giai đoạn 2 không được hưởng án treo nữa.
Tuy nhiên, khi phúc thẩm, HĐXX đã bác nội dung kháng nghị này với lý do hành vi phạm tội của bị cáo Vân thực hiện với vai trò phụ thuộc, mức độ phạm tội không đáng kể nên tòa sơ thẩm cho hưởng án treo là đúng.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh