MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được thưởng 200.000 USD chống ùn tắc, tôi làm công ích cho sông Tô Lịch

13-01-2017 - 14:55 PM | Bất động sản

Trong bài viết, GS-VS Lương Ngọc Huỳnh cho rằng, để giải quyết vấn đề tắc đường ở Hà Nội, cần phải chia làm 3 giai đoạn và bắt tay làm ngay.

Theo GS Huỳnh, ông viết các vấn đề này không vì tiền thưởng mà vì trách nhiệm của một công dân thủ đô. Nếu bài viết này có giá trị, được giải thưởng, ông sẽ dùng tiền đó để làm môi trường công ích cho dòng sông Tô Lịch.

Ba giai đoạn để giải quyết

Từ nay đến 2020: Đây là giai đoạn cam go và khó khăn nhất, đòi hỏi toàn chính quyền và người dân phải đồng thuận về mặt tư tưởng, cấm tuyệt đối tham nhũng lợi ích nhóm trong quy hoạch, nghiêm túc chấp hành luật pháp, xử phạt nghiêm minh mọi hành vi vi phạm và cố tình làm ngơ.


Các phương tiện càng ken đặc nghẹt thở khu vực Xã Đàn hướng hầm Kim Liên, tháng 1/2017 (Ảnh: Đoàn Bổng)

Các phương tiện càng ken đặc nghẹt thở khu vực Xã Đàn hướng hầm Kim Liên, tháng 1/2017 (Ảnh: Đoàn Bổng)

Các cơ quan tuyên truyền từ thành phố đến khu phố phải thường xuyên giáo dục ý thức chấp hành giao thông, ý thức giữ vệ sinh chung, cho người dân hiểu rõ, phải có văn bản và quy chế xử phạt mọi hành vi vi phạm.

Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát môi trường, dân phòng phải gương mẫu nghiêm túc và cương quyết có trách nhiệm, không tham nhũng, không vòi vĩnh, xử phạt công bằng, đảm bảo tính dân chủ, văn minh và đúng luật của luật pháp quy định.

Về quy hoạch, cần nhanh chóng hoàn thiện các công trình xây dựng đường sắt trên không để giải phóng mặt bằng dưới đất.

Điều chỉnh đèn đường sao cho khoa học, có điểm đường đông mà đèn xanh chỉ có 16 giây khiến cho ùn tắc, trong khi đó vẫn còn những làn đường vắng người nhưng lại được thời gian dài hơn. Phân định rõ làn đường cho xe máy, cho ô tô, ở những đoạn đường lớn, trừ những khu vực đường nhỏ không thể phân làn.

Những khu vực đông dân cư, đường nhỏ thay vì làm cầu vượt đường trên không tốn kém, ta nghiên cứu làm "đường cáp treo " vừa không tốn tiền vừa giải quyết nhu cầu đi lại văn minh, cảnh quan lại thông thoáng.

Cơ quan điện lực cần xem xét từng bước giải quyết đường điện ngầm, không để tình trạng dây điện ổ chuột, mạng nhện khắp thành phố, vừa xấu vừa nguy hiểm trong phòng chống cháy nổ.

Cơ quan môi trường và cây trồng phải chọn cây đảm bảo tính thẩm mỹ, tạo sinh khí, vượng khí cho thủ đô, các loại cây thân gỗ cứng, rễ chùm lá nhỏ ít rụng trong mùa thu đông, lại toả bóng mát như Quế, Hồi, Si, Bồ Đề...

Cơ quan cấp thoát nước và xử lý nước thải. Phải đảm bảo lưu thông thoát nước chống ngập úng khi mưa, thường xuyên nâng cấp hệ thống thoát nước và đảm bảo vệ sinh môi trường an toàn.

Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông nên lên kế hoạch làm bãi đỗ xe từ các hướng ngoài ngoại ô đi vào thành phố, cụ thể:

Trục đường Quốc lộ 1A, có khu đất xã Duyên Thái có thể làm bãi đỗ.

Trục đường Quốc lộ 5, có khu đất xã Đông Dư có thể làm bãi đỗ.

Trục đường Quốc lộ 6, có khu đất thuộc phường Yên Nghĩa có thể làm bãi đỗ.

Trục đường Quốc lộ 32 khu phố Tây Sơn xã Đức Thượng có thể làm bãi đỗ...

Ta có thể mở thêm bãi đỗ ở những đường có lưu lượng xe lớn. Mỗi bãi đỗ có diện tích từ 7-10 ha, được quy hoạch vừa làm trung tâm thương mại như chợ đầu mối vừa làm bãi đỗ xe nhiều tầng bao gồm cả tầng hầm và tầng nổi.

Khuyến khích người dân đi xe công cộng, thậm chí cấm xe vào thành phố trong những ngày cao điểm, mọi người đều phải gửi xe ở bãi, có xe buýt chạy từ đó vào thành phố phục vụ miễn phí. Toàn bộ bãi xe cũng thu phí với giá rẻ, tiền thu thuế các tiểu thương và mặt bằng ở những trung tâm này đủ và thừa để trang trải cho mọi dịch vụ công cộng.

Từ 2020-2030: Quy hoạch đô thị, nghiêm cấm xây dựng nhà nhỏ dưới 100m2 ở mặt phố, từng bước xoá sổ nhà siêu nhỏ, siêu mỏng trên các phố.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư gom đất mặt phố, thu hẹp diện tích xây nhà cao tầng như các nước hiện đại, để giải phóng mặt bằng dành cho làn đường thêm thông thoáng, sau khi quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh, mỗi gia đình sẽ được tính toán trả đủ diện tích sử dụng ở các tầng trên, toàn bộ tầng trệt là siêu thị thương mại, mỗi gia đình sống trên khu phố đó được một phòng bán hàng để tiếp tục kinh doanh sinh sống. Còn mọi sinh hoạt hoàn toàn ở các tầng phía trên.

Các doanh nghiệp được xây nhà cao tầng để sau khi hoàn trả đất cho dân vẫn còn diện tích để cho thuê hoặc kinh doanh dịch vụ thu hồi lại vốn đầu tư.

Dọn dẹp làm sạch kè bờ tất cả các hồ nước trong thủ đô. Phục hồi làm sạch, kè bờ khai thông lại các con sông chảy qua thủ đô mà hiện đang "chết" và ô nhiễm, đặc biệt là sông Tô Lịch.

Phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế xe máy lưu thông trong thành phố để giảm khí thải.

Nghiên cứu phương án làm đường tàu điện ngầm dưới lòng đất nối liền từ trung tâm thành phố đến các cửa ngõ, từ đó mọi giao thông đi lại trên mặt đất sẽ được giảm tải và tiến tới cấm toàn bộ xe máy, xe thô sơ lưu thông trong nội thành.

2030-2050: Quy hoạch thay đổi toàn bộ diện mạo thủ đô.

Lúc này Hà Nội phải phấn đấu là thành phố hiện đại, không còn nhà ống, nhà nhỏ tư nhân ở mặt phố nữa. Mọi con đường, mọi dòng sông, mọi hồ nước trong thủ đô phải sạch đẹp văn minh.

Từng bước di chuyển các trường ĐH , bệnh viện lớn ra ngoài vành đai thủ đô trên các con đường cửa ngõ vừa thuận tiện cho nhân dân nội ngoại thành vừa đảm bảo môi trường và không khí trong lành cho Hà Nội.

Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cho người dân có cuộc sống hạnh phúc ấm no, để dân thủ đô không phải mở quán cóc, cháo chửi, quán phở, trà đá, ở khắp nơi trong TP nữa.

Nhìn ra bên ngoài, ta thấy tất cả các TP hiện đại trên thế giới không có nước nào nhà ở quy hoạch lộn xộn như Hà Nội. Về giao thông, Hà Nội còn kém cả Viêng Chăn và Phnom Penh!

Chúng ta cần đổi mới tư duy, đổi mới khái niệm, đổi mới hành động để tiến lên bước kịp thế giới khi còn có thể. tắc kéo dài.

Theo Lương Ngọc Huỳnh

Vietnamnet

Trở lên trên