MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường bộ cao tốc Bắc-Nam: Khoảng 9,5 triệu USD/km

15-06-2017 - 14:41 PM | Bất động sản

Trả lời câu hỏi "vì sao suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam cao hơn các quốc gia khác nhưng chất lượng hạn chế?, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết suất đầu tư làm đường cao tốc 6 làn xe của Việt Nam vào 200 tỷ đồng/km, chưa tính đến giải phóng mặt bằng.

Khẩn trương hoàn thiện Báo cáo về tuyến cao tốc... Phương án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam.

Sáng 15/6, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng về việc thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia.

Đề cập đến tình trạng chi phí làm đường cao tốc của Việt Nam, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) bày tỏ sự băn khoăn khi suất đầu tư luôn cao gấp 2-4 lần chi phí xây dựng của các quốc khác, nhưng chất lượng đường cao tốc của Việt Nam còn hạn chế.

Tương tự, đường sắt cao tốc của Việt Nam, theo tính toán, nếu làm thì chi phí đầu tư cũng cao gấp 2,5 lần của Thái Lan và một số nước trên thế giới.

“Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm tỷ suất đầu tư các tuyến hạ tầng giao thông mà vẫn nâng cao được chất lượng?”, đại biểu tỉnh Bình Định chất vấn.

Một số đại biểu cũng nêu câu hỏi về những bất cập trong việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, nhất là việc “hầu hết các dự án đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu”. Theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, việc chỉ định thầu khiến cho việc thực hiện dự án không minh bạch với dư luận và các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Với những câu hỏi trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa giải đáp thêm.

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Thủ tướng rất quan tâm và cũng đã chỉ đạo các bộ nghiên cứu, tính toán những vấn đề liên quan đến suất đầu tư đường cao tốc. Hiện Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đang phối hợp để đánh giá lại vấn đề này.

Thông tin về đơn giá, ông Nghĩa cho biết, suất đầu tư làm đường cao tốc 6 làn xe của Việt Nam vào 200 tỷ đồng/km, chưa tính đến giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chi phí này liên quan đến khu vực, vùng miền, nên mức giá cũng rất khác nhau. Qua tổng hợp báo cáo của Bộ Xây dựng, thì suất đầu tư đường bộ cao tốc ở khu vực trung du, miền núi, Bắc Bộ rơi vào khoảng 7,4 triệu USD/km, còn ở khu vực Tây Nam Bộ là 17,2 triệu USD/km.

“Giá thành phụ thuộc nhiều vấn đề, nhất là địa chất, vật liệu”, Bộ trưởng GTVT giải thích, đồng thời cung cấp thông tin về chi phí làm 1 km đường bộ cao tốc của các nước trên thế giới. Cụ thể, ở Đức là 10,9 triệu USD, Bồ Đào Nha 12,1 triệu USD, Mỹ 12,8-40,8 triệu USD, Trung Quốc 10,5-13,6 triệu USD. Riêng đường bộ cao tốc Bắc-Nam theo tính toán thì rơi vào khoảng 9,5 triệu USD/km.

Về chi phí làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam, theo ông Trương Quang Nghĩa, tổng mức đầu tư 50 tỷ USD mới là dự kiến mà đơn vị tư vấn đưa ra. “Trong năm 2018 khi trình ra Quốc hội, chúng tôi sẽ báo cáo cụ thể về dự án này và sẽ có số liệu chính xác hơn”, Bộ trưởng cho biết.

Về tình trạng chỉ định thầu BOT, Bộ trưởng GTVT cho biết dư luận đã nhắc nhiều đến việc này. Theo Bộ trưởng, thời gian trước, nhu cầu đầu tư hạ tầng của Việt Nam rất cao, nhưng ngân sách khó khăn, nên BOT là phương thức hiệu quả trong huy động vốn. Trong giai đoạn năm 2011-2015 cả nước đã huy động được hơn 170.000 tỷ đồng thực hiện các dự án BOT.

“Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang giám sát nội dung trên và chắc chắn sẽ có báo cáo đầy đủ. Chúng tôi cũng mong muốn và sẽ có khuyến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm sao các dự án BOT được minh bạch, rõ ràng”, ông Nghĩa khẳng định.

Theo Thành Chung

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên