MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường dây 500 KV mạch 3 chấm dứt thiếu điện cục bộ

Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Lễ khánh thành dự án đường dây 500 KV mạch 3 từ Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đến Phố Nối (tỉnh Hưng Yên) diễn ra ngày 29-8 tại Hưng Yên. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại 9 điểm cầu đã thực hiện nghi thức khánh thành dự án đường dây tải điện 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

"Kỳ tích" của ngành điện

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng của đất nước; đồng thời là thành tích thiết thực chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 70 năm ngày truyền thống ngành điện lực Việt Nam.

Các dự án đường dây 500 KV mạch 3 có tổng chiều dài 519 km, điểm đầu là Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, điểm cuối là trạm biến áp 500 KV Phố Nối, gồm 4 dự án thành phần là đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, đường dây 500 KV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, đường dây 500 KV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa, đường dây 500 KV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, đi qua 9 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên với tổng mức đầu tư gần 22.300 tỉ đồng.

Đường dây 500 KV mạch 3 chấm dứt thiếu điện cục bộ- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tại điểm cầu chính - trạm biến áp 500 KV Phố Nối (Hưng Yên). Ảnh: EVN

Các dự án được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc và miền Trung thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án. Đây là các công trình truyền tải điện có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao độ dự trữ ổn định vận hành hệ thống điện trên giao diện Bắc - Trung, góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc; truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung Bộ vào hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, giảm tải cho các đường dây 500 KV hiện hữu, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp. Cụ thể, tăng cường năng lực truyền tải điện qua hệ thống 500 KV từ Trung - Bắc từ 2.500 MW lên 5.000 MW, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo, giảm bớt nguy cơ đầy và quá tải cho các đường dây và trạm 500 KV hiện hữu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Phải thực hiện khối lượng lớn công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 1,83 triệu m2, trải dài qua 9 tỉnh; hỗ trợ, tái định cư, ổn định sản xuất cho 167 hộ dân phải di dời và 5.248 hộ bị ảnh hưởng... Kết quả, sau gần 7 tháng thi công, 2 mạch đường dây 500 KV mạch 3 đã được hoàn thành đưa vào vận hành ngày 29-8. Như vậy, ngành điện đã vận hành 4 mạch đường dây truyền tải điện 500 KV từ Bắc vào Nam với chiều dài của mỗi đường dây hơn 1.500 km kéo dài suốt dọc chiều dài đất nước.

Tại điểm cầu Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đánh giá dự án đường dây 500 KV mạch 3 hoàn thành là cột mốc đánh dấu sự phát triển của đất nước. Tại điểm cầu Nghệ An, ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An - nhìn nhận đường dây 500 KV mạch 3 được khánh thành sau 7 tháng thi công là một "kỳ tích" của ngành điện Việt Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Bảo đảm an ninh năng lượng

Tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và cảm ơn sâu sắc tới đồng bào, nhân dân các dân tộc tại các địa phương đã đồng tình ủng hộ dự án, nhường chỗ ở, nơi thờ tự, đất canh tác, sản xuất - kinh doanh cho công trình.

Theo Thủ tướng, công trình 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được đưa vào vận hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng. Công trình mang ý nghĩa chiến lược góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc (bổ sung khoảng 30 tỉ KWh điện/năm). Cùng với đó, công trình có ý nghĩa với doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài về bảo đảm cung ứng điện, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, tin tưởng vào quyết tâm của Việt Nam "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cụ thể, đo lường, cân đong đo đếm được". Công trình mang ý nghĩa kết nối nền kinh tế, liên kết vùng; kết nối rộng khắp, đồng bộ, nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Đường dây 500 KV mạch 3 chấm dứt thiếu điện cục bộ- Ảnh 2.

Đường dây 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đoạn qua xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng yêu cầu EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia phối hợp với các cơ quan địa phương làm tốt công tác hoàn nguyên, vệ sinh môi trường; tổ chức vận hành dự án đường dây 500 KV mạch 3 cùng cả hệ thống điện quốc gia an toàn, đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện, bảo đảm cung cấp đầy đủ, vững chắc nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân; tiếp tục quyết toán, kiểm toán bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. 

Bài học kinh nghiệm cho các dự án lớn

Theo Thủ tướng, tinh thần thần tốc, quyết thắng của dự án đường dây 500 KV mạch 3 đã truyền động lực cho người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các công trình, dự án lớn, có thể vận dụng cho các công trình, dự án tiếp theo. Theo đó, trong quản lý điều hành, chỉ đạo, chỉ được thực hiện với: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, làm việc nào dứt việc đó; kết quả phải cân đong, đo đếm được để từ đó dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Thủ tướng đúc kết: "Từ dự án này, chúng ta có thêm kinh nghiệm để áp dụng vào dự án trọng điểm quốc gia về đường cao tốc, sân bay, bến cảng, đường sắt đô thị... trong việc kiểm soát, đẩy nhanh tiến độ từ khâu chuẩn bị đầu tư, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng đến khâu triển khai thi công và huy động các nguồn lực tham gia... rút ngắn tối đa thời gian hoàn thành của dự án nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công trình cả về kỹ thuật - mỹ thuật và không đội vốn".


Theo Lê Thúy

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên