Đường dây buôn lậu xăng dầu 2.000 tỉ đồng được bảo kê
Chỉ trong ba tháng đã có 12 chuyến tàu vận chuyển hơn 130 triệu lít xăng dầu trị giá hơn 2.000 tỉ đồng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ với sự giúp sức, bảo kê của nhiều cán bộ hải quan.
- 11-03-2018Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xử lý sự cố cháy tàu chở xăng dầu tại Hải Phòng
- 13-08-2017Khởi tố 4 đối tượng "rút ruột" hàng ngàn lít xăng dầu
- 20-11-2016Phát hiện 123 cửa hàng xăng dầu chưa đủ điều kiện kinh doanh
- 11-08-2016Triệt phá "ổ" rút ruột xăng dầu ở TP HCM
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố 12 bị can trong đường dây buôn lậu xăng dầu cực lớn từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.
Các bị can bị đề nghị truy tố về các tội buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa và nhận hối lộ.
Tàu BTS Christina.
Theo hồ sơ, hồi 0 giờ 20 ngày 29-1-2016, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tàu BTS Christina (Công ty Tankers, Singapore) do Romel Pagente Aleria (quốc tịch Philippines) làm thuyền trưởng. Con tàu này đang bơm xăng lên bồn chứa của Công ty Cổ phần Dương Đông Hòa Phú tại cầu cảng Hòa Phú, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Dương Đông Hòa Phú khai báo trên tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Bình Thuận số lượng nhập khẩu xăng RON A92 là 1.877 tấn. Tuy nhiên, số lượng xăng RON A92 thực tế trên tàu BTS Christina trước khi bơm là 9.373 tấn.
Theo cơ quan điều tra, để gian lận, nhóm người này thỏa thuận với chủ hàng nước ngoài chỉ ký hợp đồng mua bán xăng dầu với số lượng thấp so với số lượng mua bán thực tế.
Sau đó thỏa thuận, họ lập hai vận đơn. Một vận đơn phù hợp với số lượng hàng hóa đã ký hợp đồng ngoài dùng để khai báo hải quan, một vận đơn cho lượng hàng còn lại trên tàu nhưng không khai báo.
Khi tàu nhập cảng làm thủ tục khai báo hải quan và chờ thông quan đối với số hàng hóa đã ký hợp đồng, họ tổ chức bơm hàng lên kho và chỉ để lại trên tàu số lượng hàng đúng với tờ khai hải quan, chờ kiểm hóa hải quan và thông quan hàng hóa xong mới tiếp tục bơm lên kho.
Tổng kho xăng dầu Dương Đông Hòa Phú.
Sau khi bắt quả tang, thu giữ toàn bộ tang vật, C46 đã trưng cầu giám định số xăng chênh lệch lên đến gần 10 triệu lít A92 trị giá hơn 150 tỉ đồng. C46 ra quyết định khởi tố vụ án và quá trình điều tra đã phát hiện ngoài chuyến tàu trên, Nguyễn Đức Mạnh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú) từ tháng 10-2015 đến tháng 1-2016 đã chỉ đạo nhân viên với thủ đoạn trên nhập khẩu 11 chuyến tàu chở xăng dầu từ Singapore về Việt Nam.
Tổng cộng 12 chuyến tàu chở xăng dầu nhập lậu hơn 73 triệu lít xăng A92 và gần 65 triệu lít dầu DO với số tiền hơn 2.034 tỉ đồng, công ty này đã tiêu thụ một số lượng xăng dầu nhập lậu thu về 1.356 tỉ đồng.
Ngày 2-2-2016, C46 khởi tố, bắt giam Nguyễn Đức Mạnh về hành vi buôn lậu để điều tra. Một ngày sau, C46 tiếp tục khởi tố, bắt giam Nguyễn Thanh Sơn (phó tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú); Vũ Văn Bằng (trưởng phòng Kinh doanh); Nguyễn Đăng Duy (Phó phòng Kinh doanh); Nguyễn Đức Quang (nhân viên Phòng Kinh doanh) cùng về hành vi buôn lậu.
Cùng ngày, C46 cũng khởi tố, bắt giam Romel Pagente Aleria (quốc tịch Philippines, thuyền trưởng tàu BTS Christina) về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (ngày 28-10-2016, Romel đã được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp đặt tiền để đảm bảo).
Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú, đã bị khởi tố, đang bị tạm giam tại T16 Bộ Công an.
Theo C46, để đưa hàng trăm triệu lít xăng dầu nhập lậu từ Singapore vào Việt Nam và tiêu thụ trót lọt đã có sự móc ngoặc, giúp sức, bảo kê rất lớn của nhiều cán bộ Chi cục Hải quan tỉnh Bình Thuận và một số người của Công ty Word Control - đơn vị cấp chứng thư giám định khối lượng xăng dầu để hoàn thiện thủ tục nhập khẩu.
C46 cũng đã chứng minh làm rõ có việc đưa nhận hối lộ bằng phong bì “bồi dưỡng”, thậm chí có vụ nhận hơn 2 tỉ đồng tại một quán cà phê.
Pháp luật TPHCM