Đường lậu “giết chết” đường nội
Lượng đường nhập lậu hằng năm lên đến 500.000 tấn (bằng 30% sản lượng đường trong nước sản xuất), đường lậu "chiếm lĩnh" thị trường vì giá rẻ.
Ông Phạm Quang Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nói: Riêng hai khoản thuế là thuế nhập khẩu và thuế VAT không phải chịu là đường lậu đã rẻ hơn đường nội địa 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, Chính phủ cho thực hiện việc tạm nhập tái xuất đường nhưng kiểm soát không tốt dẫn tới đường tạm nhập mang ra tiêu thụ nội địa gây khó khăn cho tiêu thụ của đường trong nước.
Theo phân tích của ông Vinh, để cạnh tranh với đường lậu, các DN bắt buộc phải hạ giá đường nội địa xuống, mỗi kg giảm 1.000 đồng, cũng đồng nghĩa với việc phải giảm giá mua mía của nông dân. Mỗi kg mía giảm 100 đồng, với sản lượng mía ép cả nước hơn 15 triệu tấn, thiệt hại tương đương 1.500 tỷ đồng, theo ông Vinh, mía thiệt hại này rất lớn nhưng chưa ai tính đến.
“Đường nhập lậu giá rất rẻ do không chịu thuế, trong khi doanh nghiệp trong nước phải chịu nghĩa vụ tài chính với nhà nước và phải mua mía làm sao để đảm bảo đời sống người nông dân. Doanh nghiệp có thể giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây mía, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho nông dân..., nhưng doanh nghiệp không thể ngăn đường lậu được” - ông Vinh nói.
VSSA cho biết, kết thúc niên vụ mía 2017 - 2018, cả nước sản xuất được hơn 1,4 triệu tấn đường, lượng tồn kho tại các nhà máy gần 700 ngàn tấn, cao kỷ lục từ trước đến nay. Các doanh nghiệp mía đường tuy đã có nhiều giải pháp tích cực để duy trì sản xuất kinh doanh như giữ giá mía và bảo hiểm chữ đường cho nông dân trồng mía như hợp đồng đã ký kết, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch bán hàng và giá bán phù hợp, nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm và giá bán vẫn rất thấp.
Giá đường bán tại nhà máy gần sát giá đường nhập lậu, một số nhà máy bán bằng và dưới giá thành sản xuất (11.000 - 11.500 đồng/kg đường kính trắng RS, giảm gần 30% so cùng kỳ), một số nhà máy đang có nguy cơ thua lỗ và nợ tiền mua mía nguyên liệu của nông dân hàng trăm tỷ đồng.
Theo VSSA, nguyên nhân của tình trạng trên là do đường lậu từ Thái Lan hoạt động công khai, thách thức dư luận và cơ quan chức năng; đường lỏng sản xuất từ tinh bột ngô (HFCS) đang nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn và ngày càng có chiều hướng gia tăng, đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất đường nội địa. Tổng thiệt hại của ngành đường nội địa trong 3 năm 2015 - 2017 ước tính gần 527 tỷ đồng. Nếu tình hình này kéo dài thì thiệt hại của ngành mía đường trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của một số nhà máy...
Với lượng đường tồn kho kỷ lục (hơn 30.000 tấn đường) trên địa bàn, vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang đã gửi công văn “cầu cứu” Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, đề nghị Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với đường, đặc biệt tại các địa phương có biên giới với các nước láng giềng.
Tiền phong