MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường ngập lút yên xe, TPHCM nói chỉ sâu …0,25 m

22-05-2018 - 16:33 PM | Xã hội

Đại diện Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM (trung tâm chống ngập) cho biết trận mưa lịch sử diễn ra vào tối 19/5 vừa qua chỉ làm 10 tuyến đường của thành phố bị ngập với độ sâu từ 0,1 – 0,25 m.

Sáng 22/5, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường đã chủ trì buổi cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, trận mưa chiều tối 19/5 có vũ lượng mưa đạt từ 36,9 mm (trạm Thanh Đa) đến 119,3 mm (trạm Tân Sơn Hòa) đã làm 10 tuyến đường bị ngập, với độ sâu từ 0,10m đến 0,25m.

Cụ thể: Các tuyến đường: Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, đường số 26, Cây Trâm, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí, Quốc Hương bị ngập sau khi dứt mưa từ 30 phút đến 3 giờ.

Một số tuyến đường có thời gian ngập kéo dài đến 5 giờ kể từ khi trời dứt mưa gồm: Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh.

Đường ngập lút yên xe, TPHCM nói chỉ sâu …0,25 m  - Ảnh 1.
Đường Phan Huy Ích nhiều đoạn nước ngập đến yên xe máy trong cơ mưa lịch sử tối 19/5

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong vì sao hàng loạt tuyến đường khác bị ngập nhưng TPHCM không ghi nhận, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa Trung tâm chống ngập cho biết có 22 tuyến đường bị ngập trong mưa nhưng thời gian ngập chỉ kéo dài dưới 30 phút nên theo quy định tại văn bản số 338/BXD-KTQH ngày 10/3/2003 của Bộ Xây dựng là bị … tụ nước.

Các tuyến đường bị tụ nước nói trên bao gồm: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng, Cao Văn Lầu, Lê Quang Sung, Tôn Thất Hiệp, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư, Dương Văn Cam, Quốc lộ 1A, Hồ Học Lãm, An Dương Vương, Chánh Hưng, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá...

Vì sao báo chí ghi nhận nhiều nơi nước ngập lút yên xe máy nhưng cơ quan chức năng xác định chỉ ngập sâu nhất là 0,25 m? Ông Đỗ Tấn Long cho biết sau khi dứt mưa 30 phút, các đơn vị mới đo độ ngập sâu trên các tuyến đường để thống kê, kiểm đếm các các vị trí ngập hoặc tụ nước.

“Nếu dứt mưa khoảng 30 phút mà đường còn ngập sâu hơn 0,1m thì gọi là điểm ngập. Vị trí tụ nước với độ sâu trung bình ≤ 0,1m sau khi dứt mưa 30 phút không được gọi là điểm ngập. Xác định độ sâu không thể đo tại chỗ trũng mà lấy độ sâu trung bình trên một tuyến đường”, ông Long cho hay.

Riêng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh nước rút hết sau 20 phút kể từ khi dứt mưa nhờ hệ thống siêu máy bơm của Tập đoàn công nghiệp Quang Trung nên cũng không được xem là điểm ngập.

Đại diện trung tâm chống ngập cho hay trên địa bàn TPHCM có khoảng 8.590 tuyến đường trục và hẻm nhưng còn tới hơn 3000 tuyến chưa có cống.

Đường ngập lút yên xe, TPHCM nói chỉ sâu …0,25 m  - Ảnh 2.
Ông Đỗ Tất Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa Trung tâm chống ngập trả lời báo chí

Khu vực chưa có cống tập trung tại vùng ven như các quận huyện như: quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè.

Trong khi đó nguồn vốn chống ngập cho TP.HCM đang gặp khó khăn. Theo kế hoạch từ 2016 - 2020, TP.HCM cần tới 96.329 tỷ đồng chống ngập bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay một số nguồn vốn đang gặp khó khăn.

“Vấn đề chống ngập không thể thực hiện trong 1-2 năm là xong mà cần phải có thời gian", ông Long cho biết.

Theo Huy Thịnh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên