MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường nội ngoại đua nhau tăng giá

15-01-2021 - 15:30 PM | Doanh nghiệp

Đường nội ngoại đua nhau tăng giá

Giá đường trên thế giới lẫn Việt Nam đang đứng trước làn sóng tăng giá khó kiểm soát khi chịu một lúc nhiều yếu tố tác động: Dịch bệnh Covid-19, chênh lệch cung cầu và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Dịch bệnh chưa được kiểm soát - Giá đường leo thang

Theo báo cáo thị trường đường từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá hai mặt hàng đường kính trắng và đường tinh luyện tại thị trường Việt Nam bắt đầu tăng mạnh trong khoảng từ giữa tháng 9.2020. Cụ thể, giá đường kính trắng của thị trường Hà Nội và TP.HCM đã lần lượt tăng từ 12.500 đồng - 12.900 đồng/kg ở tuần đầu tháng 10.2020 lên 13.500 đồng - 13.800 đồng/kg trong khoảng giữa tháng 12.2020.

Giá đường trong nước đã tăng khoảng 30% trong quý cuối năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá đường thế giới cũng tăng khoảng 10% nếu so sánh với cùng kỳ. Một trong những lý do đường Việt tăng giá là phản ứng điều chỉnh theo đà tăng của thị trường đường thế giới - vốn bị ảnh hưởng bởi nỗi e ngại khi dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Trong khoảng 3 tháng cuối năm 2020, báo cáo thị trường đường từ VSSA thống kê cho thấy chỉ số giá đường trắng ISO tăng trung bình khoảng 20 USD/tấn, từ 363,28 USD/tấn lên 389,4 USD/tấn trong tháng 10 (tương đương tăng từ 8,3 triệu đồng lên tới xấp xỉ 9 triệu đồng/tấn). Đà tăng này không dừng khi lại chỉ số giá đường trắng ISO tháng 11 tiếp tục tăng lên hơn 400 USD/tấn (tương đương 9,2 triệu đồng/tấn).

Làn sóng thâm hụt sản xuất đường trên toàn cầu

Báo cáo ngành đường năm 2021 của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) thống kê trong niên độ 2019/20, sản xuất đường toàn cầu đã giảm 7,7%. Mức sản lượng đường hiện tại của thế giới là 171,1 triệu tấn, thấp hơn 3,4 triệu tấn so với ước tính trước đây.

Báo cáo ra mắt tháng 11.2020 của Tổ chức đường quốc tế (ISO) đã tăng mức thâm hụt dự báo từ 0,7 triệu tấn hồi tháng 8 lên hơn 3,5 triệu tấn đường cho niên vụ 2020-2021. Lý do chính là sản lượng sản xuất ước tính ở các nước thuộc khu vực Liên minh châu Âu cũng như Brazil - quốc gia hiện đang cung cấp khoảng 49% đường cho toàn thế giới - sẽ suy giảm.

Trong khi đó, ước tính lượng đường tiêu thụ thế giới sẽ tăng lên 174,6 triệu tấn khi nhu cầu một số quốc gia tăng trở lại sau dịch COVID-19. Một khi sản lượng sụt giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng cao, đường thế giới sẽ tiếp tục có xu hướng tăng giá trong năm 2021.

Theo thống kê từ trang web giao dịch hàng hoá tradingeconomics.com, giá đường thô trên sàn giao dịch quốc tế (The Intercontinential Exchange - ICE) chuẩn của thị trường chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2021 đã tăng từ 0,34 USD/kg lên 0,36 USD/kg. Chỉ trong hai tuần đầu tháng 1, giá đường thô đang ở trong vùng giá cao nhất so với quý IV/2020. Giá đường thô ngày hôm nay (14.1.2021) theo tradingeconomics.com đang neo tại mức 0,35 USD/kg.

Đường nội ngoại đua nhau tăng giá - Ảnh 1.

Giá đường thô trên ICE đang ở vùng cao nhất kể từ tháng 11/2020, chỉ trong hai tuần, giá đã tiến lên kỷ lục mới của quý IV/2020. Nguồn: Tradingeconomics.com.

Trên thị trường đường thô, giá đường thô kỳ hạn tháng 3.2021 trên sàn ICE tăng 2,4% lên 15,84 US cent/lb, trong tuần trước đó giá đường tăng lên 16,33 US cent/lb (tương đương 0,35 USD/kg) – cao nhất trong 3,5 năm. Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 10,2 USD tương đương 2,4% lên 446,2 USD/tấn. Các nhà phân tích cho biết sản lượng đường tại Thái Lan và EU giảm sẽ khiến nguồn cung thắt chặt và hỗ trợ đà tăng của giá đường. Điều quan trọng hơn, xu hướng tăng giá của đường trên thế giới dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2021, và giá đường tại Việt Nam chắc chắn cũng chịu tác động từ đà tăng giá này.

Giá đường Việt chịu nhiều sức ép

Các nhà phân tích tính toán trong tình trạng thị trường thế giới và nội địa chưa ổn định như hiện tại, giá đường Việt có thể tăng từ 13- 14.000 đồng/kg lên tới gần 16.000 đồng/kg, thậm chí lên cao hơn vì ảnh hưởng bởi các yếu tố tăng giá mạnh mẽ của đường thế giới, cộng thêm dự báo thâm hụt sản lượng đường trong niên vụ 2020/2021 tại những quốc gia đứng đầu bảng về sản lượng và xuất khẩu đường như Brazil, Thái Lan, Úc...

Đà tăng giá của đường trong nước còn chịu thêm áp lực của diễn biến thời tiết không thuận lợi khiến các vùng nguyên liệu của ngành đường bị ảnh hưởng. Dự báo từ VCBS cho thấy, tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ khiến cho ngành mía đường gặp khó khăn trong thời điểm chuẩn bị cho mùa vụ ép 2020-2021.

Trong hai tháng cuối năm 2020, giá đường Việt vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN vì ảnh hưởng của các biện pháp chống bán phá giá, đồng nghĩa với việc giá còn nhiều không gian để tiếp tục tăng lên tiệm cận mức trung bình của khu vực.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên