MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Lo ôm nợ ngàn tỉ

09-07-2019 - 08:34 AM | Xã hội

Hà Nội sẽ vay hơn 98 triệu USD để vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao.

Ngày 8-7, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV, các đại biểu xem xét nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2019 của TP Hà Nội.

Vay hơn 2.000 tỉ để vận hành

Tại phiên khai mạc, một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận là phương án vay lại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Bà Hồ Vân Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, cho biết việc TP thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của dự án. Phương án vay lại này được HĐND TP Hà Nội quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của TP theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hằng năm của TP và không tính vào bội chi ngân sách địa phương.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Hà Nội là địa phương tự chủ ngân sách. Theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Tài sản công, địa phương nào được hưởng thụ công trình đầu tư bằng vốn vay ODA thì địa phương đó có trách nhiệm trả nợ ODA. Thời điểm nhận nợ là thời điểm Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bàn giao dự án cho Hà Nội và dự án chính thức đi vào hoạt động. Vì thế các khoản vay để chi phí vận hành dự án sẽ được bàn giao lại cho Hà Nội để TP có trách nhiệm trả nợ cho ngân sách trung ương.

Điều các đại biểu băn khoăn là khoản nợ của dự án quá lớn. Theo đó, dự án được phê duyệt đầu tư từ năm 2008, có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD), trong đó hơn 13.000 tỉ đồng (669 triệu USD) vay của Trung Quốc, phần vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.000 tỉ đồng (198 triệu USD). Trong cơ chế tài chính được duyệt, chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án có giá trị hơn 12.000 tỉ đồng (577 triệu USD). Phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mà TP vay là hơn 2.000 tỉ đồng (98 triệu USD), với lãi suất phải trả 4%/năm. Trong trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào, phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Lo ôm nợ ngàn tỉ  - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được bàn giao cho TP Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG

Chính quyền TP Hà Nội đang lo lắng bởi chưa rõ khi dự án bàn giao, vận hành đã phải lo ôm nợ ngàn tỉ. Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, nói theo báo cáo Sở GTVT Hà Nội, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông tin chính thức gì từ phía Bộ GTVT về thời điểm vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Vi phạm đất đai còn nhiều

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đã đạt kết quả toàn diện. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,21%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 132.134 tỉ đồng, đạt 50,2% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỉ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước...

Bà Hồ Vân Nga đánh giá báo cáo của UBND TP chưa xác định rõ nguyên nhân chủ quan của một số chỉ tiêu đạt thấp, một số hạn chế để làm căn cứ xác định giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019. Bà Nga đề nghị UBND TP làm rõ nguyên nhân dẫn đến số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao. Bên cạnh đó, làm rõ hơn trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như đất đai, trật tự đô thị, quản lý tài sản công...

Liên quan đến vấn đề đang được người dân quan tâm là ô nhiễm sông hồ, một số đại biểu cho rằng phải có biện pháp "giải cứu" hiệu quả. Theo đại biểu Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, vừa qua TP đã tìm những giải pháp mới để xử lý ô nhiễm sông hồ là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, với thực trạng của hệ thống sông hồ trong các quận nội thành hiện nay, cần nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững bảo đảm đa mục tiêu. Có thể xem xét khả năng cống hóa đối với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu... Điều này sẽ giảm thiểu việc xả thải, góp phần tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông.

Thanh Hóa sẽ sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn

Cần Thơ: Khai mạc kỳ họp thứ 13 vào ngày 10- 7

Sáng cùng ngày, đã diễn ra kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII (nhiệm kỳ 2016-2021). Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ quyết nghị thông qua phương án sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn, điều chỉnh địa giới 3 xã thành 67 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập mới một thị trấn. Sau khi HĐND tỉnh quyết nghị chủ trương sắp xếp các xã, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ lập đề án báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Cũng trong ngày 8-7, HĐND TP Cần Thơ tổ chức họp báo thông tin về những nội dung tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, thời gian kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 12-7. Các nội dung trọng tâm xung quanh 8 lĩnh vực như: quản lý đô thị, giao thông, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, văn hóa, khoa học - công nghệ, quản lý thị trường và phòng chống tội phạm.

Th.Tuấn - C.Linh


Theo Bạch Huy Thanh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên