MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt đô thị nhìn từ tuyến Cát Linh-Hà Đông

Đường sắt đô thị nhìn từ tuyến Cát Linh-Hà Đông

Trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông mang lại những điều thú vị đối với nhiều người dân Hà Nội, ít nhất trong 15 ngày được đi miễn phí đầu tiên. Đây có thể nói là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được vận hành ở Việt Nam, sau nhiều năm mong ngóng của người dân Hà Nội.

Đúng 9 giờ sáng ngày 6/11/2021, chuyến tàu điện trên cao đầu tiên tuyến Cát Linh-Hà Đông chính thức lăn bánh, vận hành thương mại, sau đúng 10 năm 1 tháng sau ngày khởi công xây dựng (tháng 10/2011).

Đường sắt đô thị nhìn từ tuyến Cát Linh-Hà Đông - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông dài 13,5km, với 12 ga đã chính thức vận hành thương mại kể từ đầu tháng 11/2021. Ảnh Trọng Hiếu

Nếu như kế hoạch ban đầu diễn ra suôn sẻ, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã bắt đầu khai thác từ năm 2015, nghĩa là chỉ 4 năm sau khi khởi công. Tuy nhiên, tuyến đường này không chỉ chậm vận hành chính thức tới hơn 6 năm, mà tổng vốn đầu tư của dự án cũng đã tăng gấp gần 3 lần, từ 8.770 tỷ đồng lên 22.521 tỷ đồng.

Chậm trễ là vậy, nhưng so với thế giới, thời gian người dân Hà Nội và khách đến Hà Nội được 'nối mạng' với đường sắt đô thị còn lâu hơn nhiều. So với tuyến metro đầu tiên trên thế giới, được xây dựng năm 1863 ở Luân Đôn, chúng ta phải đợi tới hơn 1 thế kỷ rưỡi (chính xác là 158 năm) để được đặt chân lên phương tiện giao thông công cộng văn minh và hiện đại này. Thời đó, tuyến Metropolitan Railway, một tuyến đường sắt nối các ga PaddingtonKing’s CrossSt Pancras và Euston, mà nằm tương đối xa ngoài trung tâm thành phố, với Luân Đôn, vẫn chạy bằng tàu hơi nước. Như vậy, chúng ta có thể tự an ủi rằng tàu mà chúng ta đi thử nghiệm tuyến Cát Linh-Hà Đông hiện đại hơn nhiều, và được chạy bằng điện.

Đường sắt đô thị (gồm đường sắt trên cao và tàu điện ngầm) là phương tiện giao thông công cộng quen thuộc của người dân và khách du lịch ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Luân Đôn, New York, Paris, Stockhom, Matxcơva, Tokyo, Bắc Kinh, Seoul...

Ngay ở tại châu Á, với việc vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, Việt Nam cũng vẫn chậm hơn 20 nước khác, khi bắt đầu sở hữu những đoàn tàu điện đô thị chạy trên cao, và chạy ngầm trong những năm tới.

Tuy vậy, cảm giác được ngồi trên toa tàu điện hiện đại chạy trên cao ở Hà Nội, 30 năm sau khi tàu điện mặt đất (tramway) ngừng hoạt động chính thức từ năm 1991, vẫn là một điều khá thú vị. Tiếng kêu rin rít của bánh xe tàu nghiến vào đường ray, tiếng đoàn tàu phạt gió ào ào, tiếng loa hướng dẫn ở các nhà ga, và giọng nói nhắc hành khách các điểm ga đến trong hành trình thử nghiệm khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm khi đi métro ở Paris thời sinh viên.

Đường sắt đô thị nhìn từ tuyến Cát Linh-Hà Đông - Ảnh 2.

Một ga tàu điện ngầm ở Paris. Ảnh FRÉDÉRIC SOLTAN VIA GETTY IMAGES

Với chúng ta, đầu điện trên cao (sắp tới là tàu điện ngầm) có thể còn háo hức và mới lạ, nhưng với dân Paris, đó lại là điều gì đó buồn chán, đơn điệu hàng ngày. Không ít người Pháp thường nói: "métro, boulot, dodo" (tàu điện ngầm, ngủ và công việc) để chỉ sự buồn chán mỗi ngày của kiếp sống mưu sinh, quanh quẩn ở việc đi tàu điện ngầm, làm việc và đi ngủ là hết ngày. Thật là chán chết đi được!

Nhân nói đến tàu điện ngầm Paris, hãy thử xem người Pháp đã xây dựng hệ thống đường sắt đô thị của họ như thế nào, để trở thành tuyến tàu điện ngầm thuận tiện nhất thế giới, mỗi ngày chuyên chở tới 4,5 triệu lượt hành khách.

Métro Paris, hay còn gọi là Métro Paris hay Métro parisien là hệ thống tàu điện ngầm phục vụ thành phố và vùng đô thị Paris. Tính cho đến năm 2007, hệ thống này có 16 tuyến, phần lớn chạy ngầm dưới đất, với tổng chiều dài 213 km. Métro Paris là một trong những biểu tượng của thủ đô nước Pháp, đặc trưng bởi mạng lưới các tuyến dày đặc, mật độ sử dụng cao và các bến tàu điện ngầm được trang trí theo phong cách Art nouveau.

Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố Paris được khánh thành nhân dịp Triển lãm thế giới 1900. Trong suốt những thập niên đầu thế kỷ 20, hệ thống Métro Paris phát triển mạnh mẽ, cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Sau một giai đoạn hoạt động trầm lắng trong "những thập niên của ô tô" (décennies voitures, 1950-1970), nhiều tuyến tàu điện ngầm đã tiếp tục được kéo dài ra vùng ngoại ô thành phố. Trong nội ô, các tuyến và trạm đã trở nên dày đặc đã khiến một thời gian dài Métro Paris không có thêm tuyến mới. Cho tới tận tháng 10 năm 1998, tuyến số 14, mới nhất của Métro Paris, được khánh thành. Khác với các tuyến trước đó, tuyến 14 được tự động hóa hoàn toàn.

Đường sắt đô thị nhìn từ tuyến Cát Linh-Hà Đông - Ảnh 3.

Một lối xuống métro ở Paris. Ảnh Flickr/zoetnet

Hiện nay hệ thống Métro Paris phục vụ việc đi lại cho khoảng 4,5 triệu lượt người mỗi ngày. Vào năm 2005, Métro Paris có tổng cộng 1,365 tỷ lượt hành khách. Métro Paris có tổng số 298 bến, trong đó có 62 bến giao từ 2 tuyến trở lên. Về lượng hành khách vận chuyển, Métro Paris đứng thứ 4 thế giới sau các hệ thống tàu điện ngầm ở Matxcơva, Tokyo và thành phố Mexico. Tính tổng chiều dài các tuyến, Métro Paris xếp thứ 7 thế giới sau các hệ thống Tàu điện ngầm Luân Đôn, New York, Seoul, Tokyo, Matxcơva và Madrid. Tuy vậy tính về tổng số bến tàu điện ngầm thì Métro Paris xếp thứ 3 thế giới, chỉ sau hệ thống tàu điện ngầm thành phố New York và tàu điện ngầm Seoul.

Métro Paris là một phần của mạng lưới giao thông công cộng của Paris và vùng Île-de-France, gồm các hệ thống đường sắt RER, Transilien, tàu điện và các xe buýt. Công ty chịu trách nhiệm vận hành Métro Paris là RATP, Công ty quản lý giao thông công cộng Paris. RATP cũng là công ty quản lý một phần hệ thống RER cùng toàn bộ xe buýt Paris, một phần các xe buýt ngoại ô và 3 trên 4 tuyến tàu điện của Île-de-France. Tài chính của Métro Paris được STIF quản lý, cũng là đơn vị chịu trách nhiệm quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông công cộng của vùng Île-de-France.

Đường sắt đô thị nhìn từ tuyến Cát Linh-Hà Đông - Ảnh 4.

Người dân Hà Nội được trải nghiệm miễn phí trong 15 ngày đầu tuyến Cát Linh-Hà Đông chính thức vận hành thương mại. Ảnh Trọng Hiếu

Trở lại với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, đây là tuyến đầu tiên trong số 8 tuyến đường sắt đô thị, với tổng chiều dài 318 km và 3 tuyến đường sắt 1 ray (monoray), được vận hành bởi Công ty Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro Company, viết tắt là HMC).

Hai tuyến đường sắt đầu tiên được xây dựng là Tuyến số 2A, đoạn Cát Linh – Hà Đông, và Tuyến số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội. Tính tới tháng 11 năm 2021, Tuyến số 2A sau 8 lần điều chỉnh tiến độ dự án, đã chính thức đi vào khai thác thương mại vào ngày 6 tháng 11 năm 2021. Trong khi đó, Tuyến số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội dự kiến sẽ khai thác thương mại đoạn tuyến trên cao vào cuối năm 2022 và toàn tuyến năm 2024-2025.

Các tuyến còn lại gồm Tuyến số 1 đi từ Ngọc Hồi đến Yên Viên (26km) và Gia Lâm đến Dương Xá (10km); Tuyến số 2 gồm các đoạn: Nội Bài-Nam Thăng Long (18km), Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (11,5km), Trần Hưng Đạo-Thượng Đình (6km) và Thượng Đình-Hoàng Quốc Việt (7km); Tuyến số 3 gồm các đoạn Trôi-Nhổn  (6km) và Ga Hà Nội-Hoàng Mai (8,7km); Tuyến số 4 đi từ Mê Linh-Liên Hà (54km); Tuyến số 5 từ Văn Cao đến Hòa Lạc (38,4km); Tuyến số 6 từ Nội Bài đến Ngọc Hồi (43km); Tuyến số 7 từ Mê Linh đến Dương Nội (28km); Tuyến số 8 gồm 2 nhánh: Sơn Đồng-Mai Dịch (12km) và Mai Dịch-Dương Xá (25km).

Trong số các tuyến đường sắt đô thị nói trên, ngoài 2 tuyến đầu tiên đã chính thức vận hành (Cát Linh-Hà Đông), và dự kiến khai thác thương mại vào cuối 2022 (tuyến Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao), mới có tuyến số 6, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo 11,5km) là dự kiến vận hành vào năm 2027, hiện đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Hai tuyến số 3 (đoạn Ga Hà Nội-Hoàng Mai) và tuyến số 5 Văn Cao-Hòa Lạc là được thông qua chủ trương đầu tư, còn lại các tuyến khác đều chỉ nằm trên kế hoạch xây dựng.

Đường sắt đô thị nhìn từ tuyến Cát Linh-Hà Đông - Ảnh 5.

Sơ đồ các tuyến metro dự kiến được xây dựng tại TP. HCM. Nguồn Phố Đầu tư


Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Metro - HCMC Metro) là một trong những hệ thống vận tải đô thị nhanh đầu tiên tại Việt Nam, được xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án là sự kết hợp giữa tàu điện ngầm (metro), xe điện mặt đất (tramway) và tàu một ray (monorail). Hệ thống khởi công vào năm 2012 và dự kiến vận hành vào năm 2021, sẽ làm cho Thành phố Hồ Chí Minh nơi thứ hai tại Việt Nam sau Hà Nội có hệ thống vận chuyển nhanh.

Hệ thống bao gồm 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài là 169 km, 1 tuyến xe điện 12,8 km và 2 tuyến đường ray đơn dài 43,7 km. Có 175 nhà ga tổng chiều dài hệ thống là 225,5 km.

Tuyến đầu tiên của hệ thống là tuyến số 1 (Tuyến Sài Gòn) được khởi công vào năm 2012 và hiện tại đã gần hoàn thành phần đi trên cao dự kiến toàn tuyến sẽ vận hành vào năm 2021. Tuyến tiếp theo là tuyến số 2 (Tuyến Bà Quẹo) cũng được khởi công vào năm 2013 nhưng do gặp nhiều khó khăn nên dự án đã bị trì hoãn đến năm 2020, dự kiến tuyến số 2 sẽ đưa vào vận hành năm 2026.

Theo quyết định số 568/QĐ-TTg được phê duyệt ngày 8 tháng 4 năm 2013, ngoài 2 tuyến nói trên, hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh còn có: Tuyến số 3A đi từ Bến Thành (Q.1) đến Tân Kiên (Bình Chánh) dài 19,8km; Tuyến 3B từ Cộng Hòa (Q.3) đến Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức) dài 12,2km; Tuyến 4 từ Thạnh Xuân (Q.12) tới Hiêp Phước (Nhà Bè) dài 36,7km; Tuyến 4B từ Gia Định (Q. Gò Vấp) tới Lăng Cha Cả (Q. Tân Bình) dài 3,4km; Tuyến 4B1 từ Hoàng Văn Thụ (Q. Tân Bình) đến Sân bay Tân Sơn Nhất dài 1,5km; Tuyến 5 nối Tân Cảng (Q. Bình Thạnh) với Bến xe Cần Giuộc mới (Bình Chánh) dài 23,4km;  Tuyến 6 nối Phú Lâm (Q.6) tới Bà Quẹo (Q. Tân Bình); Tuyến tramway 1 từ Ba Son (Q.1) tới Bến xe Miền Tây (Q. Bình Tân); Tuyến monoray 2 nối Thanh Đa (Q. Bình Thạnh) tới Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh); và tuyến monoray 3 nối Gò Vấp tới Tân Chánh Hiệp (Q.12).

Đường sắt đô thị nhìn từ tuyến Cát Linh-Hà Đông - Ảnh 6.

Tàu của tuyến Cát Linh-Hà Đông chạy qua khu vực hồ Hoàng Cầu. Ảnh Trọng Hiếu

Các tuyến đường sắt đô thị, không chỉ ở Hà Nội, mà cả ở TP.HCM, một khi được vận hành không chỉ mang đến một loại hình giao thông công cộng mới, văn minh, hiện đại mà chắc chắn còn ảnh hưởng lớn tới thói quen đi lại của người dân, tới giá trị bất động sản ở các tuyến đường sắt đi qua, và mang lại một dáng vẻ hiện đại cho các vùng đô thị Hà Nội và TP. HCM.

Còn về mặt đầu tư, những cú đội vốn của các đoạn, tuyến đường đường sắt đầu tiên chắc chắn đã để lại không ít kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp của cả Việt Nam và nước ngoài.

Có điều, để mạng lưới đường sắt này được hoàn thiện, về mặt thời gian người dân Hà Nội và TP. HCM chắc chắc còn phải đợi nhiều năm, thậm chí vài chục năm hay cả trăm năm tới, bởi ngay cả các tuyến đường sắt đô thị lâu đời như Métro Paris hiện vẫn tiếp tục được mở rộng và hiện đại hóa.

Theo Chí Thành

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên