MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt Hà Nội bất ngờ ghi nhận lãi cao kỷ lục, nhưng số lỗ luỹ kế mới là điều đáng quan tâm

27-10-2023 - 20:48 PM | Doanh nghiệp

Đường sắt Hà Nội bất ngờ ghi nhận lãi cao kỷ lục, nhưng số lỗ luỹ kế mới là điều đáng quan tâm

Doanh nghiệp này từng chứng kiến 11 quý liên tiếp ghi nhận thua lỗ. Quý 3/2023 báo cáo đạt khoản lãi cao nhất.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2023 của Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (UPCoM: HRT), công ty ghi nhận doanh thu thuần khoảng 637 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm, góp phần làm lợi nhuận gộp tăng 40% lên gần 110 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ mức 12% cùng kỳ lên 17%.

Cũng theo báo cáo kỳ này, Vận tải Đường sắt Hà Nội có doanh thu tài chính tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 3 tỷ đồng. Doanh thu tài chính này đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Các khoản chi phí có giảm hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí tài chính (toàn bộ là chi phí lãi vay) giảm 5% còn 12 tỷ đồng; chi phí bán hàng khoảng 37 tỷ đồng, giảm 4% và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 10 tỷ đồng, giảm 3%.

Nhờ vậy, Vận tải Đường sắt Hà Nội lãi sau thuế hơn 54 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Theo văn bản giải trình của Vận tải Đường sắt Hà Nội gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hà Nội, công ty nhắc lại kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3/2022 đạt 17,8 tỷ đồng, đến năm nay đạt 54,1 tỷ đồng.

"So với quý 3 năm 2022 thì doanh thu và thu nhập khác quý 3 năm 2023 giảm 26.250 triệu đồng tương đương với tỷ lệ giảm 3,92%. Tuy nhiên, về tổng chi phí so với quý 3 năm 2022 thì tổng chi phí quý 3 năm 2023 giảm 62.573 triệu đồng tương đương tỷ lệ giảm 9,61%", văn bản nêu.

Tỷ lệ giảm chi phí lớn hơn tỷ lệ giảm doanh thu (tỷ lệ chi phí giảm 9,61% so với tỷ lệ giảm doanh thu 3,92%). Công ty chỉ ra một số nguyên nhân có lợi. Trong đó có phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giảm 22,38 tỷ do quý 3/2022 bằng 8% doanh thu vận tải (theo thông tư 295/2026/TT-BTC của Bộ Tài chính) và quý 3/2023 bằng 4% doanh thu vận tải (theo Thông tư 44/2023 của Bộ Tài chính).

Chi phí khấu hao cơ bản tài sản cố định giảm 10,64 đồng do "nhiều tài sản đã hết khấu hao", quý 3/2022 là 35,47 tỷ đồng, quý 3/2023 là 25,829 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là, tuy ghi nhận mức lãi kỷ lục vào quý 3/2023, nhưng bức tranh chung về tình hình tài chính của đơn vị vẫn chưa mấy sáng sủa. Tính đến 30/9, Vận tải Đường sắt Hà Nội đang lỗ lũy kế hơn 285 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 518 tỷ đồng, tương đương tăng 0,2% so với đầu năm. Nợ phải trả là 815 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 0,2% so với hồi đầu năm. Tổng tài sản là 1.334 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm.

Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội là Công ty hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nắm cổ phần chi phối. Công ty gồm có 15 chi nhánh trực thuộc, trong đó có 11 chi nhánh vận tải đường sắt và 4 chi nhánh toa xe.

Doanh nghiệp tổ chức vận tải hàng hoá, hành khách, hành lý bao gửi trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam. Kinh doanh vận tải đa phương thức (logistic) liên vận quốc tế và trong nước. Sửa chữa, bảo dưỡng các phương tiện thiết bị, phụ tùng toa xe, cùng một số lĩnh vực kinh doanh hỗ trợ vận tải khác như cho thuê kho, bãi. Kinh doanh xăng dầu, xuất nhập khẩu vật tư thiết bị chuyên dùng đường sắt, kinh doanh du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống, nhà hàng…

Vận tải đường sắt Hà Nội quản lý rộng lớn các tuyến đường sắt: Thống nhất Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, phía Tây Hà Nội – Lào Cai, phía Bắc Hà Nội – Đồng Đăng, phía Đông Hà Nội – Hải Phòng, Yên Viên – Quán Triều, Kép – Cái Lân.

Ngoài ra, công ty còn tổ chức đường sắt vận chuyển hàng hoá, hành khách Liên vận quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị Quan với đường sắt Trung Quốc.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, ngày 21/1/2013 Thủ tướng chính phủ đã có quyết định số 198/QĐ-TTG về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015. Ngày 30/10/2015, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định số 3886/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Vận tải Đường sắt Hà Nội.

Đến 18/1/2016, công ty đã tổ chức họp Đại hội cổ đông lần đầu để thành lập công ty cổ phần. Ngày 8/8/2016, Vận tải Đường sắt Hà Nội nhận được giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán số 77/2017/GCNCP-VSD với số lượng cổ phiếu đăng ký là 80.058.970 cổ phiếu.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên