Đường vành đai 3 TPHCM: TPHCM 'khát' cát, Đồng Nai mới thu hồi được 6% đất phục vụ dự án
TPHCM có văn bản gửi các địa phương đăng ký làm việc về hỗ trợ, cam kết một phần khối lượng các mỏ tại địa phương cho dự án. Tuy nhiên, UBND các tỉnh chưa cam kết khối lượng có thể cung cấp cho dự án. Trong khi đó, Đồng Nai mới thu hồi được hơn 6% đất phục vụ dự án.
- 26-09-2023Hơn 65 tỷ đồng bồi thường tái định cư đường Vành đai 3 TP.HCM
- 19-09-2023Thúc tiến độ dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh
- 24-08-2023Khẩn trương thi công các hạng mục chính của Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh
Sáng 27/9, tại TPHCM, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TPHCM cùng các địa phương liên quan tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm liên vùng.
Kiến nghị gỡ khó về nguồn cát
Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án đường vành đai 3 TPHCM, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (gọi tắt là Ban Giao thông TPHCM) cho biết, các dự án thành phần trên địa bàn TPHCM đang triển khai đúng tiến độ.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, kết quả khảo sát vật liệu xây dựng, trữ lượng các mỏ cơ bản đáp ứng nhu cầu của dự án, nhưng trong thời gian qua, một số mỏ đã ngưng hoạt động, các dự án cao tốc đồng loạt triển khai thì nguồn cung về vật liệu (đặc biệt nguồn cát) sẽ có nguy cơ thiếu hụt.
Đối với nguồn cát đắp nền, Tổ điều phối dự án đã thực hiện khảo sát các mỏ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để cung cấp dự án. Qua đó, Tổ công tác đã tham mưu UBND TPHCM có văn bản gửi các địa phương đăng ký làm việc về hỗ trợ, cam kết một phần khối lượng các mỏ tại địa phương cho dự án. Tuy nhiên, UBND các tỉnh chưa cam kết khối lượng có thể cung cấp cho dự án.
Do đó, TPHCM kiến nghị Bộ GTVT, Bộ TNMT báo cáo cấp có thẩm quyền, chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án vành đai 3 TPHCM.
Đồng Nai mới thu hồi được hơn 6% đất phục vụ dự án
Theo số liệu thống kê, đến nay tình hình thu hồi đất phục vụ dự án vành đai 3 TPHCM ở các địa phương như sau: Long An (98%), TPHCM (94%), Bình Dương (66%) và Đồng Nai (khoảng 6%). Như vậy, tỉnh Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ thu hồi đất thấp nhất trong số các địa phương có dự án đi qua.
Báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay tỉnh đã thu hồi khoảng 4/65ha, đạt tỷ lệ 6,2% (đạt 1km/11,26 km toàn tuyến).
Tại tỉnh Đồng Nai, dự án có 5 gói thầu xây lắp và 1 gói rà phá bom mìn đã thi công (đang thực hiện lựa chọn nhà thầu xây lắp).
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, mặt bằng thi công mới có khoảng 1km chiều dài (khoảng 30% mặt bằng thuộc gói thầu xây lắp số 2 và 10% mặt bằng thuộc gói thầu xây lắp số 3). Đối với phần còn lại, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch đang tiến hành kiểm đếm tài sản vật kiến trúc cây trồng.
Về nguyên nhân, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, có nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Cụ thể, trong quá trình thực hiện công tác kê biên, đền bù chưa xác định được nguồn gốc đất của một số thửa đất.
Về giải pháp khắc phục, Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với các ngành huyện Nhơn Trạch kiểm đếm hiện trạng tất cả các hộ dân còn lại, đồng thời phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác xác nhận nguồn gốc đất trong tháng 9/2023.
Bên cạnh việc GPMB, công tác lựa chọn nhà thầu ở tỉnh Đồng Nai cũng đang chậm so với kế hoạch đề ra. UBND tỉnh Đồng Nai chỉ ra nguyên nhân là do trong thời gian qua có sự thay đổi cơ cấu bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ của chủ đầu tư và do trong thời gian qua có sự thay đổi cơ cấu bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ của chủ đầu tư.
Cùng với đó, việc chậm hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường của dự án đã dẫn đến chậm tiến độ dây chuyền, ảnh hưởng đến tiến độ các bước tiếp theo, nhất là công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp. Ngoài ra, công tác lựa chọn nhà thầu phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng theo quy định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn hoan nghênh TPHCM cùng các tỉnh Long An, Bình Dương về công tác GPMB.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các địa phương cần tập trung triển khai công việc, không để xảy ra sự chênh lệch về tiến độ.
“Long An và TPHCM có đường công vụ để có thể kết nối giữa các dự án với nhau. Do đó, các nhà thầu phải ưu tiên cho hạng mục này. Ngoài ra, hiện nay vấn đề vật liệu còn khó khăn, do đó các Ban Quản lý dự án và nhà thầu phải chủ động, dự tính các trường hợp khác để tránh phát sinh về tăng giá, không huy động được vật liệu thi công, từ đó làm chậm tiến độ dự án” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn lưu ý.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai cần quan tâm hơn đến công tác GPMB để tiến độ dự án được đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương cần báo cáo về tình hình di dời hạ tầng kỹ thuật, các Ban Quản lý dự án phải đẩy nhanh công tác này nhằm tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án về sau.
Tiền phong