MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt thiệt hại nặng (*): Xoay trở để giảm thiểu tổn thất

Không thể hoàn toàn tách khỏi những biến động của thị trường thế giới trong nền kinh tế phẳng, các doanh nghiệp từng bước chủ động thích ứng với mọi tình huống phát sinh.

Dự đoán tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc, chưa thể khắc phục được trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp (DN) tích cực xoay xở tìm giải pháp thích ứng, tìm nguồn hàng/thị trường thay thế, nội địa hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro.

Linh hoạt ứng phó, thích nghi

Nhiều DN xuất khẩu nông sản lo lắng về đợt tắc nghẽn vận chuyển mới, nhất là hàng nông sản tươi không bảo quản được lâu. Trước thực trạng này, Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS (tỉnh Long An) đã nhanh chóng cung cấp giải pháp bơm khí nitơ vào container lạnh nhằm đưa rau quả tươi vào trạng thái "ngủ sâu" để kéo dài thời gian bảo quản, giúp hàng giữ được chất lượng, mẫu mã khi đến nước nhập khẩu. Bà Quách Thị Lệ Chân, giám đốc công ty, cho biết trước đây, công nghệ bảo quản bằng khí chỉ thực hiện tại kho lạnh thì nay triển khai thêm ở công đoạn vận chuyển. Giá dịch vụ bơm khí cũng giảm từ 15 triệu đồng còn 8 triệu đồng/container để hỗ trợ khách hàng, giúp khách hàng tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng tươi như: thanh long, dưa hấu, chanh, bưởi, dừa... khi thời gian vận chuyển kéo dài. Sắp tới, công ty sẽ đầu tư thêm khu cấp đông để ứng phó với tình huống tắc nghẽn kéo dài và DN chuyển sang xuất khẩu hàng đông lạnh thay thế.

Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam. Bằng kinh nghiệm nhiều năm ứng phó với tình trạng xuất khẩu phập phù theo độ đóng/mở cửa khẩu của Trung Quốc, các DN dần tìm cho mình giải pháp nhằm kéo giảm thiệt hại khi xuất khẩu gặp trục trặc. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (tỉnh Đồng Nai) - chuyên các sản phẩm về chuối, cho hay sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm trong các tháng đầu năm 2022 nhưng nông dân đã có nhiều kinh nghiệm nên trồng rải vụ để có hàng bán quanh năm, nhờ vậy không bị ùn ứ như trước đây. Cũng theo ông Hùng, "trong cái khó ló cái khôn", khi đầu vào là phân bón vô cơ tăng giá quá cao, nông dân đã chuyển đổi sang phân bón hữu cơ tại chỗ, giúp hạ giá thành và chất lượng sản phẩm cao hơn trước. HTX cũng đang đa dạng hóa sản phẩm từ cây chuối như: chuối sấy, sợi chuối phục vụ thủ công mỹ nghệ... để tăng thu nhập.

Trong khi đó, giám đốc một DN thủy sản tại ĐBSCL cho hay trước đây xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc khá nhiều nhưng nay chỉ tiếp tục đơn hàng với các khách hàng thân thiết. "Xuất khẩu giai đoạn này rất rủi ro nên các DN không dám bán hàng dù khách có nhu cầu. May mắn là năm nay tiêu thụ cá tra tốt ở các thị trường khác nên DN chuyển thị trường, không bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt phong tỏa này ở Trung Quốc" - giám đốc DN này cho hay.

Chuỗi cung ứng tại chỗ cực kỳ quan trọng

Việc thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất do đường đi của hàng hóa từ Trung Quốc lẫn các thị trường khác về Việt Nam bị gián đoạn đang đặt nhiều DN vào tình thế nan giải. Nhiều DN dệt may, da giày "căng như dây đàn" vì thời gian giao hàng đã cận kề trong khi nguyên phụ liệu vẫn chưa về đến nhà máy. Theo Hội Da giày TP HCM, do không vận chuyển được hàng về Việt Nam bằng đường biển, một số DN chuyển sang đường tiểu ngạch nhưng số lượng hạn chế, thời gian giao hàng chậm và cước phí tăng thêm khoảng 2.000 đồng/kg so với trước. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Giày Gia Định, nhìn nhận sau dịch Covid-19, DN nào cũng phải tái cơ cấu, giảm nhân sự để cắt giảm chi phí nên hiện tại khó có thể cắt giảm thêm. Giải pháp lúc này là tích cực đàm phán với các đơn vị cung ứng để mua nguyên phụ liệu thay thế trong nước và hạn chế ký những đơn hàng đòi hỏi chất liệu cao cấp để tránh rủi ro. Ông Trung kiến nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ cho DN vay vốn với lãi suất thấp trong 3-6 tháng để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ở lĩnh vực dệt may, từ đợt bùng phát dịch Covid-19 năm 2020 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu dệt may đến nay, nhiều DN đã đẩy mạnh nội địa hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết việc đáp ứng chưa như kỳ vọng. Trong nước mới đáp ứng được 10% nhu cầu vải, mặt hàng bông vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn hàng nhập khẩu. "Những DN mua vải từ Trung Quốc có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng. Trước mắt, DN có thể chuyển hướng mua nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan hoặc trong nước và chấp nhận trả giá cao hơn, thương lượng với đối tác để giao hàng chậm" - ông Tùng bày tỏ.

Theo ông Tùng, Thành Công có chuỗi khép kín: nhập bông từ Mỹ, Brazil về sản xuất vải, nhuộm và phân phối. Nhu cầu mua vải, sợi của nội địa đã tăng cao từ năm ngoái: vải tăng hơn 40%, sợi tăng hơn 20%, hiện nhiều DN liên hệ mua hàng nhưng công ty đã chạy hết công suất, không có khả năng đáp ứng. Kế hoạch năm 2023, Thành Công sẽ xây thêm nhà máy để nâng công suất, sản lượng, từ đó có thể bán ra thị trường nội địa nhiều hơn. "Chuỗi cung ứng tại chỗ cực kỳ quan trọng, không chỉ bảo vệ DN trước những biến động bất ngờ trên thị trường quốc tế mà còn là chìa khóa để DN Việt hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại" - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.

Còn theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chuỗi cung ứng linh kiện khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn. Do đó, các hãng ôtô phải tổ chức lại, cải thiện quy trình hoạt động và tìm kiếm thêm nhiều nhà cung cấp linh kiện khác để tránh lệ thuộc vào một số thị trường.

Tăng dự trữ hàng điện máy thêm 30%

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng điện máy ở một số ngành hàng trong tháng tới, các nhà bán lẻ đã có động thái tăng lượng hàng dự trữ thêm 30% so với bình thường. Đối với mặt hàng công nghệ như laptop, tuy nguồn hàng về chậm nhưng nguồn nhập từ những tháng đầu năm tăng rất mạnh (trong quý I trước đó, các hãng công nghệ đã nhập về Việt Nam khoảng 600.000 máy, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái) nên đủ cung cấp cho thị trường.


Theo Phương An - An Na - Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên