Ðề xuất bỏ thuế TTÐB trong xăng, dầu: Giảm thu 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ dân, doanh nghiệp
Giảm hoặc bỏ thuế TTÐB đánh lên xăng dầu sẽ góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó khăn. Ảnh: Quỳnh Nga
Nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTÐB) đánh lên xăng dầu, ngân sách giảm thu khoảng 10.000 tỷ đồng nhưng người dân, doanh nghiệp sẽ được tiếp sức. Chuyên gia cho rằng, phần hụt thu do bỏ thuế TTÐB có thể bù lại từ tăng thu ở các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, thương mại điện tử.
- 26-06-2022Giảm thuế xăng dầu bao nhiêu là đủ?
- 25-06-2022Người tiêu dùng mong bỏ thuế TTÐB với xăng dầu, sao Bộ Tài chính chần chừ?
- 24-06-2022Hạ nhiệt giá xăng dầu: Nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
Không hợp lý
Hiện nay, xăng dầu đang phải gánh nhiều sắc thuế như: Thuế nhập khẩu, TTĐB, giá trị gia tăng (VAT), bảo vệ môi trường. Cơ quan chức năng cho rằng, nếu bỏ thuế TTĐB đánh lên xăng dầu sẽ ảnh hưởng thu ngân sách. Tuy nhiên, dự toán ngân sách cho thấy, phần thu thuế TTĐB từ xăng dầu trong tổng nguồn thu ngân sách chỉ như “muối bỏ bể”.
Cụ thể, theo dự toán thu năm 2022, tổng nguồn thu ngân sách khoảng 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, khoản thu từ các sắc thuế 1,05 triệu tỷ đồng. Riêng dự toán thu từ thuế TTĐB nói chung ở mức 130.236 tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, thuế TTĐB với xăng dầu khoảng 6.503 tỷ đồng. Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 110 USD/thùng, số thu thuế TTĐB khoảng 9.614 tỷ đồng. Trường hợp giá dầu thô bình quân 120 USD/thùng, tiền thuế TTĐB khoảng 10.488 tỷ đồng. Như vậy, thuế TTĐB đánh lên xăng dầu bằng gần 8% trong tổng nguồn thu thuế TTĐB đánh lên tất cả mặt hàng khác.
TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, khoản thuế TTĐB với xăng dầu không hợp lý, cần bãi bỏ. Bởi đây là hàng hóa thiết yếu với đời sống người dân và doanh nghiệp. Dù giá xăng dầu ở mức cao hay thấp cũng nên bỏ sắc thuế này. Theo ông Thế Anh, xăng dầu có nguồn gốc hóa thạch, cần sử dụng tiết kiệm; Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã có thuế bảo vệ môi trường (BVMT) điều tiết.
Ngoài ra, nguy cơ lạm phát tăng cao, bởi chi phí đẩy từ giá nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu tăng nhanh. Điều này gây ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế. Để kiểm soát yếu tố đầu vào, nhất là xăng dầu cần nhanh chóng bỏ ngay thuế TTĐB đánh lên xăng, dầu.
“Khi bỏ thuế TTĐB, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2022 (như tính toán của Bộ Tài chính) nhưng nếu không thu lại sẽ góp phần kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước”, ông Thế Anh kiến nghị.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu bỏ thuế TTĐB với xăng dầu sẽ ảnh hưởng thu ngân sách. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
"Khi bỏ thuế TTÐB, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2022 (như tính toán của Bộ Tài chính) nhưng bù lại sẽ góp phần kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước".
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh
Tìm kiếm, tăng thu từ nguồn khác
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào 3 yếu tố: Giá thế giới, thuế và Quỹ Bình ổn giá. Hiện nay, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu âm, van điều tiết từ quỹ không còn tác dụng. Muốn giảm giá xăng dầu cần “van điều tiết” từ công cụ thuế. Ông Long cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng quá cao, cơ quan quản lý cũng nên cân nhắc đến việc giảm thuế TTĐB hay thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc giảm thuế cần phải cân nhắc kỹ và xin ý kiến Quốc hội và phải tính toán đồng bộ các giải pháp.
“Chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chứ không chỉ tính đến việc giảm thuế mỗi khi giá xăng dầu tăng cao. Theo dự báo của Bộ Công Thương, giá bình quân xăng dầu cả năm 2022 sẽ ở mức 130 - 140 USD/thùng, nên chúng ta phải chủ động các phương án từ sớm, từ xa, chứ không thể mỗi khi giá xăng dầu tăng cao lại ép giảm thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng thu từ nguồn thu khác như thu thuế hoạt động thương mại điện tử, ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao”, ông Long kiến nghị.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đánh giá, thuế từ xăng dầu dễ thu, thu được nhiều bởi đây là hàng hóa thiết yếu và không ai trốn nộp được. Hiện nay, nguồn thu thuế đang tăng theo giá hàng hóa. Ví dụ, giá xăng dầu càng cao, thuế thu được càng lớn.
Tiền phong