MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

East Asia Forum: Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số dịp Tết tại Việt Nam thế nào?

East Asia Forum: Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số dịp Tết tại Việt Nam thế nào?

Theo East Asia Forum, những thay đổi trong hành vi tiêu dùng hay trong các chiến lược kinh doanh là minh chứng cho thấy cuộc chuyển đổi số đã xảy ra với tốc độ tăng nhanh chóng do đại dịch Covid-19 tại Việt Nam

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, dịp Tết lần này, Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều bất định do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 chỉ vài ngày trước đó.

Làn sóng dịch bệnh bùng phát đúng thời điểm nhạy cảm này đã gia tăng mối lo ngại về sức khỏe và an toàn khi nhiều người dân có kế hoạch đi chuyển để đoàn tụ với gia đình. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành một số quy định cách ly tại các thành phố lớn, hạn chế việc đi lại trong và ngoài nước. Bộ Y tế và Văn phòng WHO tại Việt Nam đã gửi thông điệp: "Sức khỏe là món quà quý nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau trong dịp Tết này!".

Tết là thời điểm mà nhu cầu chi tiêu tăng đột ngột, bởi truyền thống về tặng quà, ăn uống cùng gia đình và bạn bè, sum vầy trong những ngày lễ. Do vậy mà khi áp dụng quy định giãn cách xã hội, nền kinh tế Việt Nam lại một lần nữa có dấu hiệu suy giảm. Trong khi trước đó, nền kinh tế đất nước đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau hai làn sóng Covid-19.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng diễn ra với đầy bất định, ngày càng nhiều người Việt chuyển sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ tài chính số nhằm chuẩn bị cho Tết. Tiki - một trong bốn nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam cho hay, lượng giao dịch trong tháng 1 đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước đó.

Bên cạnh đó, làn sóng dịch bệnh gần đây cũng sẽ có khả năng tác động mạnh mẽ lần nữa đến các hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử. Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết số lượng giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền liên ngân hàng đã tăng đột biến kể từ ngày 28/1, và tiếp tục tăng sau kỳ nghỉ lễ.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai các biện pháp như đẩy nhanh tốc độ các dự án chuyển đổi số, đưa ra các dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu này. ZaloPay - một trong những ví điện tử lớn nhất Việt Nam, vừa qua đã quảng bá dịch vụ "lì xì" qua nền tảng số. Hay như tại nhiều siêu thị, điển hình như Big C và Coop Mart, đã kết hợp ví điện tử và nền tảng mua sắm trực tuyến để thực hiện các chiến dịch tiếp thị nhằm quảng bá dịch vụ mua sắm trực tuyến và giao hàng Tết.

Các chiến dịch này đang đạt được sức hút vô cùng mạnh mẽ, cũng như giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô khách hàng khi các mối quan tâm về sức khỏe và an toàn đang được đặt lên hàng đầu. Những mối lo ngại này là động lực thúc đẩy sự gia tăng sử dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và thương mại điện tử, đặc biệt đối với người tiêu dùng cao tuổi trong hai đợt dịch vừa qua tại Việt Nam.

Như vậy, ngược với những tác động tiêu cực đối với sức khỏe, xã hội và kinh tế, đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại điện tử và tài chính số tại Việt Nam, mở đường cho đất nước phát huy tiềm năng kỹ thuật số. Lưu lượng truy cập trên các nền tảng điện tử vào năm 2020 cao hơn 150% so với năm trước, với khoảng 3,5 triệu người truy cập mỗi ngày trên các nền tảng khác nhau.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số tăng đáng kể đã giúp Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng thương mại điện tử. Doanh thu trong lĩnh vực này dự kiến đạt 7 tỷ USD vào năm 2021, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng người dùng dự kiến sẽ tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước lên 51,8 triệu người, với doanh thu trung bình đạt 135 USD/người dùng.

Khi Việt Nam đã bước sang trạng thái bình thường mới sau đại dịch, những lo ngại về sức khỏe vẫn sẽ là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp có thể nhanh chóng tái tạo lại quy trình và dịch vụ của mình để tồn tại, thậm chí hưởng lợi bằng các giải quyết các mối lo này. Điều này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, bất chấp sự gián đoạn từ những cú sốc như Covid-19.

Một lĩnh vực quan trọng khác đó là y tế kỹ thuật số. Nhu cầu về y tế từ xa đang tăng mạnh tại Việt Nam, trong bối cảnh những thách thức ngày càng tăng từ các bệnh truyền nhiễm như Covid-19, cùng với các bệnh không lây nhiễm khác.

Những thay đổi trong hành vi tiêu dùng hay trong các chiến lược kinh doanh là minh chứng cho thấy cuộc chuyển đổi số đã xảy ra với tốc độ tăng nhanh chóng do đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt vai trò khi nhanh chóng thích ứng với chuyển đổi, giúp người tiêu dùng tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tăng cường các biện pháp an toàn cũng như hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các ngành. Đây là một yếu tố rất quan trọng và cần thiết đối với nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Anh Vũ/ Theo East Asia Forum

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên