Elon Musk "nổi đóa", cáo buộc Ủy ban Chứng khoán Mỹ có mưu đồ "cấm khẩu" mình
Elon Musk cáo buộc Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đang cố tình gạt bỏ quyền tự do ngôn luận của ông.
- 15-02-2022Elon Musk bị đổ oan, hóa ra tên lửa sắp đâm vào mặt trăng có thể là hàng 'Made in China'
- 10-02-2022Elon Musk vừa mất đến 40 vệ tinh Starlink vì "cơn cuồng nộ từ mặt trời"
- 07-02-2022Nhìn cách 'kẻ hủy diệt' Elon Musk tán gái sẽ hiểu vì sao Tesla, SpaceX thành công đến vậy
Giám đốc điều hành của Tesla, Elon Musk gần đây đã cáo buộc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã cố tình quấy rối nhằm "hạn chế" quyền tự do ngôn luận của mình. Điều này liên quan đến việc SEC giám sát thông tin liên lạc của ông với các cổ đông, là một phần của thỏa thuận năm 2018.
Cả Musk và Tesla đều nghĩ việc đệ đơn lên toà sẽ chấm dứt hành vi "quấy rối" của SEC đối với Musk và thay vào đó, tòa án, chứ không phải cơ quan này, sẽ tiếp tục giám sát ông, luật sư của Musk cho biết. "SEC đã thất hứa", luật sư viết trong đơn gửi tòa, đồng thời nhấn mạnh rằng cơ quan này đã "vũ khí hóa sắc lệnh đồng thuận để cố gắng gài bẫy và quấy rối cả ông Musk và Tesla".
Trong hồ sơ của tòa, SEC cũng chưa phân bổ cho các cổ đông số tiền 40 triệu USD mà họ đã phạt Musk và công ty theo thỏa thuận năm 2018. "SEC dường như đang liên tục nhằm vào Musk và Tesla bởi vì ông thường thẳng thắn phê bình chính phủ", Alex Spiro, luật sư bên phía Musk và Tesla, cho biết.
Alex nhận định: "SEC dường như đang cố gắng tính toán tìm cách bác bỏ tất cả phát ngôn của ông Musk thay vì làm tròn nghĩa vụ của mình một cách công tư phân minh". Bức thư được đưa ra hơn một tuần sau khi Tesla tiết lộ rằng SEC đã đưa ra trát đòi hầu tòa mới cho Tesla vào tháng 11/2021.
Cơ quan quản lý tài chính đang cố gắng xác định mức độ tuân thủ thỏa thuận dàn xếp đã được sửa đổi vào năm 2019 của Musk và Tesla. Theo hồ sơ của Tesla, cơ quan này đang điều tra thông tin về "các quy trình quản trị của công ty trong việc tuân thủ thỏa thuận của SEC, như đã được sửa đổi".
Trát đòi hầu tòa được đưa ra ngay sau khi vị CEO thăm dò ý kiến của hàng chục triệu người theo dõi trên Twitter về việc liệu ông có nên bán 10% cổ phần của mình tại Tesla hay không vào tháng 11 năm ngoái. Hầu hết cư dân mạng đều bỏ phiếu tán thành. Nhưng hóa ra việc này đã được Musk ấn định từ tháng 9.
Vào tháng 9/2018, SEC đã buộc tội Musk vì đưa ra những tuyên bố "sai sự thật và gây hiểu lầm" cho các nhà đầu tư khi ông thông báo rằng ông đã đảm bảo đủ điều kiện để đưa Tesla thành công ty tư nhân với giá 420 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu này đã tăng đột biến cả tháng đó nhưng phát ngôn mà Musk đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Cái giá phải trả là Musk chịu khoản phạt dân sự trị giá 20 triệu USD và buộc phải từ chức chủ tịch trong ít nhất ba năm. Bên cạnh đó, Tesla cũng phải thiết lập một hệ thống chuyên giám sát các tuyên bố của Musk với công chúng về công ty, kể cả trên Twitter, blog hay bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác.
Thêm vào đó, SEC áp mức phạt 20 triệu USD lên Tesla, và chỉ định công ty này bổ nhiệm hai giám đốc độc lập. Một trong số đó có thể là chủ tịch thay thế Musk, với điều kiện người đó không đến từ Tesla hay các chi nhánh của công ty. Musk và Tesla đều không đưa ra lời thừa nhận hay phủ nhận về hành vi sai trái mà các cơ quan quản lý cáo buộc.
Elon Musk đã đệ đơn lên tòa chỉ vài giờ sau khi ông đăng một dòng tweet so sánh Thủ tướng Canada Justin Trudeau với Adolf Hitler. Bài viết này có thể coi như một hành động đáp trả việc các nhà chức trách Canada ngăn chặn các khoản quyên góp tiền điện tử hỗ trợ cho cuộc biểu tình kéo dài một tuần chống lại quy định về vắc xin của đất nước. Điều đáng nói là Musk đã nhiều lần công khai ủng hộ các cuộc biểu tình này.